Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/an-toan-giao-thong/201503/de-xuat-tich-thu-phuong-tien-doi-voi-lai-xe-uong-ruou-bia-tham-gia-giao-thong-con-nhieu-y-kien-trai-chieu-593055/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/an-toan-giao-thong/201503/de-xuat-tich-thu-phuong-tien-doi-voi-lai-xe-uong-ruou-bia-tham-gia-giao-thong-con-nhieu-y-kien-trai-chieu-593055/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Còn nhiều ý kiến trái chiều - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 13/03/2015, 09:56 [GMT+7]
Đề xuất tịch thu phương tiện đối với lái xe uống rượu, bia tham gia giao thông

Còn nhiều ý kiến trái chiều

(Congannghean.vn)-Theo công văn của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị Chính phủ, kể từ ngày 15/3, sẽ tịch thu phương tiện của người điều khiển xe ôtô, xe máy, xe điện có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/1l khí thở nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT). Ngay lập tức, kiến nghị này đã vấp phải sự phản ứng trái chiều của dư luận và đông đảo người dân vì xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân.  
 
Sẽ tịch thu phương tiện nếu uống rượu, bia tham gia giao thông
 
Xuất phát từ thực tiễn trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 vừa qua, trên địa bàn cả nước xảy ra 536 vụ TNGT, cướp đi sinh mạng của 317 người và làm bị thương 509 người, hơn 7.000 phương tiện bị tạm giữ vì liên quan đến vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT), ngày 27/2, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có Công văn 58/CV-UBATGTQG kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm, bắt đầu từ ngày 15/3/2015 một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự ATGT, nhằm giảm thiểu TNGT và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
 
Theo đó, người điều khiển xe ôtô mà trong máu có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml hoặc vượt quá 0,4 mg/1l khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện, đồng thời, phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe. Đối với hành vi điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1l khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện, phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe. Ngoài ra, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện nếu lưu thông vào đường cao tốc.
 
CSGT Công an TP Vinh kiểm tra nồng độ cồn lái xe gây tai nạn sau khi uống rượu, bia
CSGT Công an TP Vinh kiểm tra nồng độ cồn lái xe gây tai nạn sau khi uống rượu, bia
 
Theo lý giải của những người có trách nhiệm tại Ủy ban ATGT Quốc gia, cơ sở pháp lý để đưa ra kiến nghị này xuất phát từ Điều 26 - Luật xử lý Vi phạm hành chính 2012 quy định về việc tịch thu phương tiện đối với “Vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức”. Ngoài ra, còn xuất phát từ thực tế nguyên nhân các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây, phần lớn là do người điều khiển phương tiện uống quá nhiều rượu, bia, vượt quá ngưỡng nồng độ cồn cho phép, trong khi các chế tài xử phạt hiện hành chưa đủ sức răn đe (mức xử phạt cao nhất là 15 triệu đồng), làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác.
 
Như vậy, nếu kiến nghị này được Chính phủ chấp thuận thì cũng đồng nghĩa với việc, nếu người đi xe ôtô, xe máy mà uống trên 41,5 ml rượu vang loại 13,5 độ hoặc 74,67 ml bia (tương đương với 1/4 chai bia loại 330 ml) sẽ bị phạt và uống khoảng 14,36 ml rượu trắng loại 39 độ sẽ bị tịch thu phương tiện.
 
Chưa hợp lý?
 
Sau khi kiến nghị này được trình lên Chính phủ, ngay lập tức, đã nhận được sự phản ứng nhiều chiều, trong đó có không ít ý kiến phản đối của người dân. Bởi theo quy định tại Hiến pháp năm 2013 và Luật Dân sự về bảo hộ quyền sở hữu tư nhân, chỉ áp dụng biện pháp răn đe là tạm giữ phương tiện và phạt tiền. Đối với nhiều nước trên thế giới, xe cộ được coi là phương tiện, trong khi ở Việt Nam thì đây lại là tài sản. Do vậy, phương tiện liên quan đến quyền sở hữu tài sản đã được Hiến pháp quy định.
 
Cụ thể, Điều 32 - Hiến pháp năm 2013 quy định: Quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ. Khoản 2 - Điều 169 Luật Dân sự cũng nêu rõ: “Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình”. Từ cơ sở này, có thể nhận thấy, chỉ có TAND là cơ quan duy nhất có thẩm quyền tịch thu tài sản của công dân, tuy nhiên, phải thể hiện bằng một bản án có hiệu lực.
 
Theo các nhà làm luật, hiện nay, phương tiện giao thông ở nước ta phần lớn còn là sở hữu chung hợp nhất giữa vợ và chồng, hoặc cũng có khi, người điều khiển là lái xe thuê, xe mượn hoặc lái xe công của cơ quan. Lúc ấy, sẽ gây ra sự bối rối nhất định cho những người thừa hành công vụ. Do vậy, theo dư luận, việc Ủy ban ATGT Quốc gia ra kiến nghị tịch thu phương tiện đối với người uống bia, rượu khi tham gia giao thông là chưa thoả đáng. Đó là chưa kể đến việc, việc làm này sẽ gây ra những hiệu ứng khó lường như phản ứng quá khích, chống người thi hành công vụ, khiếu kiện, tranh chấp vì quyền sở hữu… Được biết, hiện nay, một số nước trên thế giới và trong khu vực đã có chế tài xử lý nghiêm đối với người say điều khiển phương tiện giao thông, như giữ người say đến khi tỉnh lại mới cho đi tiếp (Hàn Quốc), hoặc bỏ tù (Nhật Bản), chứ chưa có bất kỳ quốc gia nào “đánh” vào phương tiện như đề xuất của Việt Nam.
 
Trước những phản ứng trái chiều từ dư luận, ngày 6/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công văn số 1585/VPCP-KTN, giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất việc tịch thu phương tiện đối với lái xe uống nhiều rượu, bia theo đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia về quy định xử phạt với những hành vi trực tiếp gây TNGT và làm hư hỏng kết cấu hạ tầng. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ liên quan khẩn trương nghiên cứu và phải báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước ngày 31/3/2015.
 
.

Thiên Thảo