Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/an-toan-giao-thong/201406/kho-phat-khi-mu-bao-hiem-gia-van-tran-lan-499827/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/an-toan-giao-thong/201406/kho-phat-khi-mu-bao-hiem-gia-van-tran-lan-499827/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khó phạt khi mũ bảo hiểm giả vẫn tràn lan - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 22/06/2014, 09:09 [GMT+7]

Khó phạt khi mũ bảo hiểm giả vẫn tràn lan

Kỳ 1: Người dân vẫn mờ luật trong khi cơ quan chức năng lúng túng

 
(Congannghean.vn)-Theo kế hoạch của Uỷ ban ATGT Quốc gia, kể từ ngày 1/7/2014, sẽ thực hiện xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người tham gia giao thông bằng môtô, xe máy, xe đạp máy đội mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn (đội mũ giả) theo Nghị định 171/2013/ND-CP. Từ ngày 15 đến ngày 30/6, các lực lượng chức năng sẽ yêu cầu dừng xe và nhắc nhở các trường hợp đội mũ bảo hiểm giả. Nghị định sẽ có hiệu lực trong khi người dân đang loay hoay tìm cách phân biệt thật giả, còn lực lượng chức năng tỏ ra ái ngại khi lượng mũ giả trên thị trường còn chiếm tới 70%.
 
*Kỳ 2: Phải xử phạt nghiêm và thu hồi mũ bảo hiểm giả
 
Dạo qua thị trường mũ bảo hiểm tại TP Vinh, dễ dàng nhận thấy mũ bảo hiểm chỉ có một lớp vẫn được bày bán công khai và thu hút người mua. Tại chợ Vinh, một số chủ cửa hàng vẫn bày bán mũ bảo hiểm một lớp với giá siêu rẻ chỉ từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng, phần lớn những chiếc mũ này đều không có tem hợp chuẩn CR. Còn ở các điểm bán mũ bảo hiểm di động, mũ bảo hiểm không hợp chuẩn được bán rất nhiều, trong đó chủ yếu là các kiểu mũ thời trang. Tại các điểm bán mũ bảo hiểm này, có tới một nửa người mua chọn mũ bảo hiểm một lớp, trong đó phần lớn là giới trẻ và lao động nghèo. Được hỏi về việc cấm bán mũ bảo hiểm kém chất lượng, một chủ cửa hàng cho biết: “Vẫn biết cấm bán nhưng khách hàng có nhu cầu nên vẫn nhập về thôi. Lực lượng quản lý thị trường có nhắc nhở nhưng chưa khi nào bị lập biên bản”.
 
Để hỗ trợ cho Nghị định 171, Cục Quản lý thị trường đã có Công văn số 445/QLTT-CHG ngày 21/4/2014 yêu cầu các chi cục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mũ bảo hiểm cho người đi xe môtô, xe máy, xe đạp máy. Thực hiện sự chỉ đạo của cục, Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An đã có Công văn số 216/QLTT-KH ngày 23/5, gửi các đội quản lý thị trường yêu cầu phải chủ động nắm bắt, quản lý chặt chẽ địa bàn nhằm phát hiện và phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất đối với những cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm. Xử lý nghiêm, triệt để các tổ chức, cá nhân vi phạm và tuyên truyền sâu rộng, không để tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần. Thực hiện công văn của chi cục, các đội đã tiến hành kiểm tra đột xuất các cửa hàng, điểm bán mũ bảo hiểm lưu động trên địa bàn.
 
Khó xử lý những đối tượng bán mũ bảo hiểm di động - Ảnh minh họa
Khó xử lý những đối tượng bán mũ bảo hiểm di động - Ảnh minh họa
Tại địa bàn TP Vinh, Đội Quản lý thị trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra nhiều điểm kinh doanh mũ bảo hiểm và đã nhắc nhở một số trường hợp vi phạm như kinh doanh mũ bảo hiểm giả, không có dấu hợp chuẩn CR, không có hóa đơn, chứng từ… Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, lực lượng quản lý thị trường vẫn chưa xử phạt trường hợp nào vi phạm về kinh doanh, sản xuất mũ bảo hiểm mà đang tập trung nhắc nhở. Ông Nguyễn Văn Thắng - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: “Chi cục cũng đã thành lập đường dây nóng, bất cứ ai phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất mũ bảo hiểm giả thì gọi cho chúng tôi, chúng tôi sẽ có mặt xử lý nghiêm các vi phạm. Hiện, chi cục cũng đang phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng tới người dân để tạo ý thức đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn”.
 
Theo một số cán bộ làm công tác quản lý thị trường thì việc xử phạt những người kinh doanh mũ bảo hiểm giả còn gặp nhiều khó khăn do các điểm kinh doanh lưu động còn nhiều. Các chủ cửa hàng đã bắt đầu tìm cách “lách luật” để đối phó với lực lượng chức năng. Đơn cử như khi bán các loại mũ bảo hiểm thời trang như mũ dạng lưỡi trai, mũ cối… đều không dán tem nên khi bị xử lý các chủ cửa hàng phản ứng: “Đó là mũ thời trang, không phải mũ bảo hiểm. Chúng tôi bán mũ thời trang chứ không phải mũ bảo hiểm”. Trước tình huống này, các lực lượng chức năng cũng lúng túng khi xử lý. Mặt khác, việc xử phạt các đối tượng sản xuất, kinh doanh đều dựa trên số lượng, giá trị hàng hóa vi phạm nên việc phạt nặng các đối tượng buôn bán mũ bảo hiểm là rất khó. Các cửa hàng kinh doanh chỉ trưng bày một số ít mũ bảo hiểm giả nên khi bị kiểm tra thì giá trị mũ bảo hiểm vi phạm chưa đạt mức xử phạt mà chỉ nhắc nhở, cảnh cáo. Chính vì vậy, việc xử lý nghiêm đang gặp khó khăn nên không có tính răn đe cao đối với các đối tượng vi phạm.
 
Các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh việc quản lý sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, tuy nhiên vẫn đang dừng lại ở việc nhắc nhở. Việc triển khai thực hiện chưa quyết liệt đã làm các tổ chức, cá nhân vi phạm về kinh doanh mũ bảo hiểm “nhờn thuốc”. Cần phải tăng cường xử phạt, thu hồi mũ bảo hiểm giả thì Nghị định 171 mới có thể đi vào cuộc sống.
 
.

Ngọc Hùng