Thứ Sáu, 20/11/2020, 14:24 [GMT+7]

Điểm mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2020

(Congannghean.vn)-Có nhiều điểm mới về cả mặt nội dung và kỹ thuật trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 so với Luật năm 2015.
 
Ngày 18/6/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (gọi là Luật năm 2020). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. So với Luật này 2015, Luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung, 14 điều về kỹ thuật. 
 
Luật tiếp tục khẳng định và quy định cụ thể hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, bổ sung và làm rõ quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành. Bổ sung thêm một số hình thức văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Luật năm 2020 đã bổ sung một số hình thức văn bản gồm: Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
 
Cùng với đó, Luật cũng sửa đổi thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, xã; quy định hợp lý hơn các loại văn bản quy phạm pháp luật phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách và quy định cụ thể trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng, biên soạn văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhằm đảm bảo tính thống nhất, chất lượng của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
 
Luật mới cũng quy định cụ thể, hợp lý hơn về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số nội dung khác như: Phòng Tư pháp có trách nhiệm thẩm định dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện trước khi trình chậm nhất là 20 ngày trước ngày Ủy ban nhân dân họp, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo quyết định đến Phòng Tư pháp để thẩm định. Thời gian này tăng thêm 10 ngày so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Hồ sơ gửi thẩm định bao gồm: Tờ trình Ủy ban nhân dân về dự thảo quyết định; dự thảo quyết định; bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bản chụp ý kiến góp ý; tài liệu khác (nếu có). Văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng tải toàn văn trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành đối với văn bản của cơ quan Nhà nước ở trung ương; chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
 
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có 5 trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn gồm: Trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Trường hợp để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; cần ban hành ngay văn bản để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (mới). Trường hợp để bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội (mới). Trường hợp để kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn (mới).
 
Có thể thấy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 ra đời sẽ góp phần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời tăng cường trách nhiệm, hiệu quả của từng cơ quan và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật năm 2015. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật năm 2020, Bộ Tư pháp đề nghị HĐND, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt việc quán triệt, nghiên cứu, tập huấn để nắm chính xác hơn, sâu sắc hơn các quy định mới của Luật năm 2020 trong đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia công tác xây dựng pháp luật; quan tâm, chỉ đạo ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện hiệu quả văn bản liên quan đến công tác xây dựng pháp luật ở địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, cán bộ pháp chế sở, ngành chuyên trách, cán bộ pháp chế theo vị trí công việc.
.

Cao Loan

.