(Congannghean.vn)-Với việc kết hợp nhiều giải pháp như tăng cường truyền thông, nắm địa bàn, tuyên truyền, hỗ trợ giáo dục, giúp đỡ đối tượng có nguy cơ, từng có hành vi liên quan đến tệ nạn xã hội (TNXH), thời gian qua, công tác phòng, chống TNXH luôn được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả. Qua đó, các lĩnh vực như cai nghiện ma túy; phòng, chống mại dâm; tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán… đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần phòng ngừa, hạn chế phát sinh các loại tội phạm, bảo đảm ANTT trên địa bàn.
|
Công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy được lực lượng chức năng đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua |
Theo số liệu thống kê, năm 2019, các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tiếp nhận mới và cai nghiện cho 1.585 học viên; tổ chức dạy nghề cho 427 học viên. Các huyện, thành, thị tiến hành cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 760 người nghiện ma túy. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho 26 người nghiện ma túy, gia đình có người nghiện ma túy sau cai vay vốn theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền 710.000.000 đồng để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau cai. Tính đến ngày 30/4/2020, các cơ sở cai nghiện ma túy đã tổ chức tiếp nhận mới cho 351 lượt người, trong đó cai bắt buộc cho 241 lượt người, tự nguyện cho 110 lượt người. Công tác phòng, chống mại dâm được quan tâm chỉ đạo có hiệu quả. Lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 43 vụ, 110 đối tượng hoạt động mại dâm (so với năm 2018, giảm 12 vụ, giảm 63 đối tượng). Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh đã kiểm tra 65 cơ sở, xử lý bằng hình thức nhắc nhở 25 cơ sở.
Bên cạnh đó, Nghệ An lựa chọn xây dựng thí điểm 1 mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” trên địa bàn TP Vinh. Ngoài ra, đã khảo sát, vận động và thành lập Ban chủ nhiệm gồm 3 thành viên và 6 tiếp cận viên nòng cốt, tiếp cận được 100 người bán dâm, 70 người bán dâm được hỗ trợ, giúp đỡ thông qua mô hình. Duy trì sinh hoạt nhóm mỗi tháng 1 lần với các nội dung liên quan đến hướng dẫn cách phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục; hỗ trợ chuyển gửi cho 45 gái bán dâm đi xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế. Liên quan đến công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, năm 2019, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện, điều tra, làm rõ 19 vụ mua bán phụ nữ và trẻ em, bắt 32 đối tượng, giải cứu 27 nạn nhân. Các nạn nhân sau khi được trao trả từ các nước bạn hoặc sau khi được các lực lượng chức năng giải cứu đều đã được lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tiến hành các thủ tục xác minh theo quy định, tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ về các điều kiện ban đầu như tiền tàu xe đi về hoặc trực tiếp các cán bộ đưa các nạn nhân trở về địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống TNXH vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Điển hình như việc người nghiện, gia đình người nghiện ma túy không tự giác khai báo và tự nguyện đăng ký cai nghiện, không hợp tác trong quá trình lập hồ sơ, xem xét quyết định áp dụng hình thức cai nghiện. Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng gặp nhiều khó khăn như: Tổ công tác cai nghiện cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm, kinh phí hỗ trợ hoạt động còn hạn chế; chưa bố trí kinh phí để tổ chức dạy nghề cho người sau cai nghiện tại cộng đồng. Mô hình phòng ngừa mại dâm triển khai thí điểm nên còn nhiều bỡ ngỡ...
Bên cạnh đó, tình hình tội phạm mua bán người còn phức tạp, số lượng nạn nhân bị mua bán nhiều nhưng số được hỗ trợ vẫn hạn chế, hầu hết chỉ mới dừng lại ở việc hỗ trợ tiếp nhận, hỗ trợ tiền tàu xe về gia đình theo quy định của Nhà nước. Hầu hết các nạn nhân chưa tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ như trợ giúp pháp lý, hỗ trợ chuyển tuyến, vay vốn, học nghề, tạo việc làm... Đặc biệt, chưa có cơ chế phối hợp liên ngành giữa các ngành chức năng: Công an, Bộ đội Biên phòng, Lao động - Thương binh và Xã hội nên việc phối hợp, nắm bắt thông tin về các nạn nhân bị mua bán trở về còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân gặp nhiều khó khăn, nạn nhân chưa được chuyển tuyến và kết nối với các dịch vụ kịp thời.
Trước thực tế nói trên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống TNXH trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, các cấp ban, ngành sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống TNXH từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống TNXH tại các huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn, đặc biệt là tại các xã, phường, thị trấn trọng điểm về TNXH. Phát động toàn dân phòng ngừa TNXH và vận động người nghiện ma túy tham gia các biện pháp, hình thức cai nghiện phù hợp; huy động nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ người cai nghiện, giúp đỡ người sau cai có việc làm ổn định cuộc sống; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại cộng đồng.
Tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản về địa bàn, đối tượng bán dâm, nghi bán dâm trên địa bàn. Đội kiểm tra liên ngành 178 tổ chức thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dễ nảy sinh tệ nạn mại dâm, qua đó kịp thời nhắc nhở, xử lý các hành vi vi phạm không để hình thành điểm nóng. Bên cạnh đó, tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thành, thị làm tốt công tác nắm, dự báo, rà soát, thống kê nạn nhân bị mua bán trở về. Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại các địa phương, đặc biệt là các địa phương trọng điểm về tình trạng mua bán người. Ngoài ra, chỉ đạo các cơ sở cai nghiện trên địa bàn toàn tỉnh hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu cai nghiện; tiếp tục làm tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, dạy nghề, tư vấn việc làm cho người nghiện vào cai tại trung tâm; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sau cai, kết nối với gia đình, cộng đồng bàn giao học viên về địa phương để quản lý sau cai tại nơi cư trú…
.
.