Thứ Hai, 06/07/2020, 09:16 [GMT+7]

Quyết liệt ngăn chặn tình trạng mua bán động vật hoang dã

(Congannghean.vn)-Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất của cả nước với 6 tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn và có tuyến biên giới dài 419,5 km; các đối tượng phạm tội thường lợi dụng vận chuyển động vật hoang dã (ĐVHD) từ Lào và các tỉnh khác qua địa bàn Nghệ An ra các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ. 

Bên cạnh đó, tình trạng tàng trữ, mua bán, nuôi nhốt, săn bắt trái phép ĐVHD không thuộc loài nguy cấp, quý hiếm diễn ra hầu hết tại các địa phương trong tỉnh do nhận thức chưa đầy đủ của người dân về hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật; tập quán săn bắt của đồng bào miền núi vẫn là nghề kiếm sống truyền thống; chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm chưa làm tốt công tác bảo tồn, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học. Việc nuôi nhốt ĐVHD nguy cấp, quý hiếm chủ yếu là hổ, tê tê… vẫn diễn ra và tiềm ẩn phức tạp, tập trung vào các địa bàn vùng Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu.

Phòng Cảnh sát Môi trường phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ  đối tượng (X) về hành vi mua bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép
Phòng Cảnh sát Môi trường phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ đối tượng (X) về hành vi mua bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép
Trước tình hình nói trên, thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh Nghệ An đã vào cuộc đấu tranh quyết liệt nhằm ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn mua bán động vật hoang dã nhằm bảo đảm môi trường sinh thái bền vững. Với vai trò chủ công trên lĩnh vực này, trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) đã bắt 11 vụ, 17 đối tượng; thu giữ 320 kg ĐVHD các loại. Điển hình, ngày 8/5/2020, tại đường ven sông Lam thuộc khối 13, phường Bến Thủy, TP Vinh, Phòng CSMT phá thành công chuyên án, bắt quả tang đối tượng Phan Trọng Đức (SN 1966) trú tại xóm 4, xã Trung Lợi, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh về hành vi vận chuyển, mua bán ĐVHD nguy cấp, quý hiếm. Thu giữ 9 cá thể tê tê có tổng trọng lượng 30,2 kg và 1 xe môtô BKS 38C1-197.01. Tiếp đó, ngày 21/5, Phòng CSMT chủ trì phối hợp với Công an huyện Quế Phong phá chuyên án, bắt Lương Thị Thỏa (SN 1986) trú tại bản Na Chảo Piềng Văn, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong về hành vi tàng trữ trái phép ĐVHD; thu giữ 141 kg ĐVHD. Gần đây nhất, vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 23/6/2020, Phòng CSMT chủ trì, phối hợp với Công an huyện Quỳ Châu và Công an xã Châu Bình phá thành công chuyên án, bắt giữ đối tượng Vi Văn Vương (SN 1988) trú tại bản Kẻ Móng, xã Châu Bình về hành vi mua bán, vận chuyển ĐVHD trái phép. Tang vật thu giữ gồm: 2 cá thể sơn dương có trọng lượng 53 kg; 11 cá thể dúi và 4 cá thể chồn có trọng lượng 17,2 kg; 1 xe máy BKS 37G1-001.68.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình đấu tranh với hành vi mua bán ĐVHD, lực lượng chức năng gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Trong đó, đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến ĐVHD, quý hiếm đa thành phần, hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, sử dụng nhiều thủ đoạn đối phó cơ quan chức năng như phương tiện, máy móc hiện đại để hoạt động phạm tội, gây khó khăn cho công tác phát hiện, bắt giữ của các cơ quan chức năng; tận dụng nhiều tuyến đường, phương tiện giao thông để giao thương. Các đối tượng tự thiết kế các khoang hầm trên xe khách, xe tải, trong bình xăng có cửa mở bằng thuỷ lực; có xe đi tiền trạm để phát hiện lực lượng chức năng và dùng các thủ đoạn đối phó. Trong khi đó, lực lượng làm công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về nuôi nhốt, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển ĐVHD còn mỏng, chưa được trang bị phương tiện, máy móc nhận dạng, máy soi để phát hiện ĐVHD, sản phẩm, bộ phận ĐVHD trái phép mà đối tượng cất giấu trong các phương tiện giao thông như hầm kín trong xe ôtô...; kinh phí phục vụ công tác đấu tranh còn hạn chế, ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa, đấu tranh. 
 
Bên cạnh đó, do có giá trị kinh tế cao nên các đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến ĐVHD, quý hiếm hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có nhiều thủ đoạn đối phó, gây khó khăn cho công tác phát hiện, bắt giữ của các cơ quan chức năng. Khi bị truy đuổi, đối tượng lái xe ôtô với tốc độ cao, sẵn sàng đâm vào lực lượng nhiệm vụ để tẩu thoát. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng như Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Hải quan với lực lượng Công an trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ ĐVHD, quý hiếm có nơi, có thời điểm chưa thật sự đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
 
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về nuôi nhốt, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển ĐVHD trong thời gian tới, theo lực lượng chức năng, các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các điều luật liên quan đến ĐVHD của Bộ luật Hình sự 2015, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm. Bổ sung, sửa đổi quy định về xử lý vi phạm đối với hành vi xâm hại ĐVHD thông thường trái pháp luật theo hướng tăng nặng để đủ sức răn đe, phòng ngừa.
 
Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng chức năng như Công an, Kiểm lâm, Biên phòng, Hải quan... trong công tác phòng ngừa, điều tra, khám phá tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về nuôi nhốt, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển ĐVHD quý hiếm. Ngoài ra, hỗ trợ thêm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm nói chung, tội phạm và vi phạm pháp luật về nuôi nhốt, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển ĐVHD, quý hiếm nói riêng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về tầm quan trọng trong việc bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, có ý thức lên án, đấu tranh với các hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái phép.
.

Ngọc Anh

.