(Congannghean.vn)-Tạm giữ phương tiện là một trong những hình thức xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đã được lực lượng Công an thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trong đó, cơ bản vẫn là ý thức chấp hành của người tham gia giao thông khi vẫn còn nhiều trường hợp không chịu hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình phát hiện và xử lý vi phạm.
Theo số liệu từ Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an tỉnh Nghệ An cung cấp, năm 2019, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tổ chức 33.843 ca tuần tra kiểm soát giao thông với 128.841 lượt CBCS tham gia; phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 103.445 trường hợp. Trong đó, người điều khiển xe ôtô: 34.289 trường hợp, người điểu khiển môtô, xe máy: 68.342 trường hợp, xe máy điện: 668 trường hợp; tạm giữ 2.113 xe ôtô, 20.986 xe môtô và 568 xe máy điện. Chỉ tính 3 tháng đầu năm 2020, Công an các đơn vị, địa phương đã tiến hành tạm giữ 297 xe ôtô, 3.956 môtô, xe máy và 142 xe máy điện. Các đơn vị, địa phương có số lượng phương tiện là môtô, xe máy vi phạm bị tạm giữ nhiều như TP Vinh, các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, TX Hoàng Mai…
Cán bộ CSGT kiểm tra các phương tiện bị tạm giữ |
Luật Giao thông đường bộ đã quy định có rất nhiều lỗi vi phạm dẫn đến việc bị tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, quá trình cơ quan chức năng tiến hành các bước tạm giữ phương tiện, người vi phạm tìm mọi cách để biện minh cho hành vi của mình hoặc tận dụng mọi mối quan hệ cá nhân để cậy nhờ, xin xỏ với mục đích cuối cùng là không bị giữ xe. Thậm chí, nhiều trường hợp người điều khiển xe ôtô có hành vi vi phạm Luật nhưng vẫn cố tình không chấp hành theo yêu cầu của lực lượng CSGT bằng cách không xuất trình giấy tờ, đóng cửa cố thủ trong xe…
Đối với những trường hợp này, căn cứ vào ý thức, mức độ chấp hành của người vi phạm mà lực lượng chức năng sẽ có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Một khó khăn nữa trong quá trình xử lý phương tiện giao thông bị tạm giữ đó là việc vận chuyển xe máy, đặc biệt là xe ôtô về các kho, bãi mất rất nhiều thời gian và khó tránh khỏi phương tiện có thể bị trầy xước, tróc sơn… Trong khi đó, các trang thiết bị phục vụ cho công tác này vẫn chưa đảm bảo một cách đồng bộ tại các đơn vị, địa phương.
Theo quy định, sau khi bị tạm giữ, nếu người vi phạm chấp hành quyết định xử phạt và có đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của phương tiện thì sẽ được cơ quan tạm giữ trả lại phương tiện. Tuy nhiên, theo 1 cán bộ của Phòng CSGT cho biết, bên cạnh việc sau thời hạn quy định, người vi phạm đến nhận lại phương tiện thì cũng có rất nhiều trường hợp từ bỏ luôn tài sản của mình. Trong số này chủ yếu rơi vào các trường hợp như xe quá niên hạn, xe cũ, xe trộm cắp không có giấy tờ hợp lệ hoặc số tiền xử phạt lỗi vi phạm cao hơn giá trị của xe…
Riêng đối với xe quá thời hạn xử lý, theo quy định của pháp luật, nếu người vi phạm không đến giải quyết, đơn vị tạm giữ phương tiện sẽ tiến hành các thủ tục xác minh để tìm chủ sở hữu. Nếu trong trường hợp không tìm được chủ sở hữu hoặc tìm được nhưng người này không đến nhận lại và phương tiện không phải là tang vật trong các vụ án thì sẽ tiến hành các thủ tục thanh lý để sung công quỹ Nhà nước. Quy định là vậy nhưng để hoàn thành thủ tục thanh lý, cơ quan chức năng phải mất rất nhiều thời gian và công sức, bởi hầu hết phương tiện quá niên hạn đều là những xe quá cũ, thậm chí đã bị cà lại số khung, số máy; nhiều xe mua đi bán lại nhiều lần nên việc xác định chủ sở hữu không phải là điều dễ dàng.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị tạm giữ phương tiện và giấy phép lái xe (GPLX) nhưng không quay lại cơ quan tạm giữ thực hiện các thủ tục để nhận lại theo quy định mà sẵn sàng học lại để được cấp GPLX mới. Thậm chí, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, người dân sẽ đến các tỉnh, thành khác với mục đích xin cấp lại GPLX. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa tình trạng nói trên, thời gian qua, lực lượng CSGT đã chủ động gửi thông báo cho cơ quan chịu trách nhiệm cấp GPLX là Sở Giao thông Vận tải của tất cả các tỉnh, thành trên cả nước về những trường hợp vi phạm bị tạm giữ phương tiện và tịch thu GPLX nhằm tạo ra một hệ thống quản lý đồng bộ trên cả nước.
Thượng tá Nguyễn Nam Hồng, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An cho biết, quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên các tuyến, địa bàn, lực lượng CSGT gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tiến hành xử lý các phương tiện bị tạm giữ. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật về TTATGT của người dân. Đối với những trường hợp này, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ cố gắng giải thích, tuyên truyền để họ hiểu và thực hiện theo yêu cầu. Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân mà cơ quan chức năng sẽ có biện pháp và hình thức xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Điều này không chỉ thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật mà qua đó còn nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân, vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng trên mỗi tuyến đường.
Từ những khó khăn, vướng mắc nói trên cho thấy, các hình thức xử phạt do vi phạm Luật Giao thông đường bộ như tạm giữ phương tiện, tước GPLX vẫn chưa đủ sức răn đe và còn nhiều kẽ hở để người vi phạm từ chối nhận lại tài sản của mình. Trước thực trạng đó, thiết nghĩ, để công tác xử lý vi phạm về TTATGT đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của lực lượng CSGT và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, rất cần các điều chỉnh nhằm tăng tính ràng buộc đối với chủ sở hữu; đồng thời có cơ chế xử lý nghiêm hơn nữa từ các quy định của pháp luật để tăng sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần rà soát lại thủ tục làm mới, cấp lại GPLX để đảm bảo việc thực thi pháp luật được nghiêm minh, đúng quy định.
.