(Congannghean.vn)-Số liệu thống kê từ Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh cho thấy, từ ngày 1 - 12/1/2020, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý hành vi vi phạm về nồng độ cồn theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đối với 162 trường hợp (trong đó gồm 32 xe ôtô, 130 xe môtô), tổng số tiền phạt hơn 800 triệu đồng.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử lý tất cả các trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn |
Theo ghi nhận của chúng tôi, trước khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, các phương tiện thông tin đại chúng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung chính của văn bản này, trong đó đặc biệt nhấn mạnh các nội dung về hình thức và khung xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm. Trong đó, đáng chú ý là việc xử lý đối với người tham gia giao thông đường bộ, đường sắt mà trong khí thở có nồng độ cồn. Nếu như trước đây việc xử lý nồng độ cồn quy định ngưỡng cho phép thì nay sẽ xử lý đối với tất cả các trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong khí thở có nồng độ cồn, không kể nồng độ cồn thấp hay cao, nếu nồng độ cồn trong khí thở càng cao thì mức xử phạt tương ứng cũng cao hơn. Chính hình thức xử lý, mức độ xử lý vi phạm trong Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã tác động rất lớn đến người dân, phần đông mọi người đều ủng hộ hình thức, khung xử phạt của văn bản này.
Mới đây, phóng viên đã có dịp thực tế công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn của Đội CSGT Công an huyện Yên Thành. Trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ, Tổ công tác CSGT Công an huyện Yên Thành đã dừng hơn 50 phương tiện tham gia giao thông các loại để kiểm tra nhanh nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện. Một kết quả rất đáng mừng là qua kiểm tra, lực lượng CSGT hôm đó không phát hiện lái xe nào điều khiển phương tiện sử dụng bia, rượu. Ai cũng vui vẻ chấp hành việc kiểm tra và cho biết, đã biết về quy định xử phạt nặng của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
Anh Nguyễn Trung Thành ở TP Vinh cho hay, từ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, bản thân anh và người thân đều rất ủng hộ, chấp hành tuyệt đối. Anh Thành cho biết, trước đây nếu có việc hiếu, hỉ anh đều tự lái xe ôtô đi. Tất nhiên, các cuộc vui thì không tránh được bia, rượu và cũng đã có nhiều lần chếnh choáng, sau đó nghĩ lại cảm thấy rất đáng sợ nhưng khi vui thì lại không nghĩ đến. Còn bây giờ, nếu vi phạm nồng độ cồn không chỉ bị xử phạt rất cao mà còn bị tước giấy phép lái xe gần 2 năm, anh không dại gì để vi phạm. Nếu có cuộc vui thì anh em rủ nhau đi xe chung, cử người không uống bia, rượu lái xe, còn không thì đi xe taxi cho an tâm.
Tương tự, anh Lê Văn H. là một công chức đang công tác tại huyện Yên Thành cho biết, trước đây, ngoài quy định xử lý nồng độ cồn thì Tỉnh ủy Nghệ An cũng ban hành Chỉ thị số 17, bản thân anh cảm thấy rất mừng, vì đỡ được việc tiếp khách, uống rượu buổi trưa rất mệt mỏi. Nay Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực thì việc sử dụng rượu, bia trong các bữa ăn, tiếp khách không ai hào hứng uống khi còn phải lái xe tham gia giao thông.
Bên cạnh việc ủng hộ, chấp hành nghiêm việc sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì vẫn có một bộ phận người dân cho rằng, mức xử phạt quá cao hay thời gian giữ bằng lái xe quá lâu. Một số ý kiến khác cho rằng, mức xử phạt quá cao, đồng thời sẽ phát sinh tiêu cực đối với lực lượng chức năng thực thi công vụ... Một số ý kiến khác cho rằng, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP nếu không quyết liệt thì khó khả thi...
Thực tế cho thấy, các quy định của Nhà nước đều hướng tới xây dựng xã hội văn minh, xây dựng ý thức chấp hành nghiêm các quy định pháp luật của công dân. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, quy định này không những góp phần bảo vệ sức khỏe, tài sản của người điều khiển phương tiện mà còn bảo vệ tài sản, tính mạng cho những người xung quanh, người tham gia giao thông. Trước đây, việc quy định cấm tàng trữ, vận chuyển, sử dụng các loại pháo nổ cũng vấp phải nhiều ý kiến, tuy nhiên, đến nay việc chấp hành quy định cấm pháo đã đi vào nề nếp. Hay như ban đầu việc quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe gắn máy nhiều người cũng tỏ ra khó chịu thì nay tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm được xem là lạc lõng...
Hiện nay, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngay từ ngày đầu có hiệu lực đã nhận được ý kiến đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân. Về lâu, việc chấp hành nghiêm quy định sử dụng rượu, bia khi điều kiển phương tiện tham gia giao thông chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực. Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong Nghị định số 100/2019/NĐ-CP là cách chống “nhờn luật” lâu nay, điều này sẽ tác động lớn đến ý thức của mỗi người dân trước khi có ý định sử dụng rượu, bia.
Theo Thông tư 67/2019 của Bộ Công an, từ ngày 15/1/2020, người dân sẽ có 5 cách giám sát lực lượng Công an trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, đó là: Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Người dân cũng có thể tiến hành giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự ATGT); tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan. Như vậy, với quy định trên, người dân sẽ được quyền giám sát việc thực thi pháp luật của lực lượng thực thi công vụ theo đúng quy định của pháp luật.
.