(Congannghean.vn)-Thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh Nghệ An được triển khai thực hiện một cách sâu rộng với nhiều giải pháp đồng bộ và đạt kết quả tích cực. Qua đó, giúp người nghèo, đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế được tiếp cận, nâng cao hiểu biết về pháp luật và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho họ. Điều này thêm một lần nữa khẳng định, TGPL là một trong những hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta.
Đoàn liên ngành Trung ương kiểm tra về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại tỉnh Nghệ An |
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An đã thụ lý và thực hiện được 474 vụ việc; trong đó: 91 việc tư vấn; 383 vụ việc tham gia tố tụng; 2 vụ việc hòa giải, 1 vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Cụ thể: Văn phòng Trung tâm: 31 việc tư vấn; 145 vụ việc tham gia tố tụng; 1 vụ việc đại diện ngoài tố tụng; Chi nhánh TGPL số 1: 37 việc tư vấn; 47 vụ việc tham gia tố tụng, 2 vụ việc hòa giải; Chi nhánh TGPL số 2: 9 việc tư vấn; 132 vụ việc tham gia tố tụng; Chi nhánh TGPL số 3: 14 việc tư vấn; 59 vụ việc tham gia tố tụng. Nhìn chung, số lượng vụ việc có biến động theo hướng tăng lên so với cùng kỳ năm 2018 (6 tháng đầu năm 2018 tổng số vụ, việc là 337; 6 tháng đầu năm 2019 tổng số vụ, việc là 474, tăng 137 vụ, việc), đặc biệt vụ việc tham gia tố tụng tăng so với 6 tháng đầu năm 2018 là 153 vụ việc, cụ thể: 6 tháng đầu năm 2018 vụ việc tham gia tố tụng là 230, năm 2019 tăng lên 383 vụ việc. Dự ước đến hết tháng 6/2019, Trung tâm thụ lý được 459,6 vụ việc tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TGPL vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức. Theo đó, Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, đối tượng thuộc diện được TGPL chiếm khoảng 50% dân số nhưng lại tập trung ở những vùng có địa hình phức tạp, hiểm trở, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn. Vì vậy, công tác tuyên truyền pháp luật và TGPL lưu động chưa đến được với nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Trình độ nhận thức pháp luật của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sinh sống ở 3 huyện nghèo còn nhiều hạn chế nên việc tiếp cận và hỗ trợ về mặt pháp lý thường khó khăn và kéo dài. Bên cạnh đó, hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chưa thực sự thu hút được các nguồn lực xã hội tham gia nên chưa đáp ứng hết nhu cầu TGPL của người được TGPL. Một số cơ quan, ban, ngành chưa thực sự vào cuộc và phối hợp với Trung tâm trong hoạt động TGPL.
Để khắc phục những tồn tại nói trên, đồng thời nâng cao chất lượng để hoạt động TGPL ngày càng đi vào chiều sâu, trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục thực hiện TGPL tại văn phòng Trung tâm và Chi nhánh; trong đó đặc biệt tập trung chú trọng hình thức bào chữa đại diện để tăng chỉ tiêu số lượng và chất lượng vụ việc. Mục tiêu tăng 20% số lượng vụ việc tham gia tố tụng so với năm 2018. Tăng cường hoạt động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong công tác TGPL, triển khai có hiệu quả Thông tư liên tịch số 10 ngày 29/6/2018, thực hiện 2 đợt kiểm tra công tác phối hợp trong hoạt động TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn theo Kế hoạch hoạt động.
Triển khai có hiệu quả hoạt động truyền thông, tư vấn về TGPL đảm bảo trong 6 tháng cuối năm 2019 triển khai được 6 - 7 đợt TGPL truyền thông, tư vấn ngoài trụ sở theo ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho trợ giúp viên và cộng tác viên của Trung tâm. Triển khai hiệu quả các hoạt động TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32 ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Để đạt được những mục tiêu trên, cần phải xây dựng, hoàn thiện đội ngũ người thực hiện TGPL giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp và nâng cao chế độ đãi ngộ cho người thực hiện TGPL. Tăng cường trách nhiệm của Hội đồng phối hợp liên ngành, ngành thành viên, thành viên Hội đồng để chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên đối với hoạt động phối hợp về TGPL trong tố tụng ở địa phương. Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của pháp luật về TGPL và nhận thức của nhân dân về quyền được TGPL. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động TGPL. Đặc biệt là đa dạng hoá hình thức và đổi mới cơ chế truyền thông như tờ gấp pháp luật, báo, đài phát thanh, truyền hình, loa phóng thanh xã; đảm bảo nguồn lực tài chính và các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất cho các hoạt động TGPL.
.