(Congannghean.vn)-Xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở nước ngoài hiện nay đang là sự lựa chọn của nhiều người. Lợi dụng điều này, một số cá nhân, tổ chức mặc dù không có chức năng đưa người đi lao động ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng vẫn tìm cách lách luật, mục đích là để thụ hưởng lợi nhuận.
Đối tượng Phan Đại Lợi trú tại TP Vinh bị Cơ quan An ninh điều tra khởi tố, bắt tạm giam vì đã đưa 28 người ra nước ngoài trái phép |
Núp bóng XKLĐ để trục lợi
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Nghệ An, tình hình hoạt động của các đối tượng đưa người ra nước ngoài trái phép có xu hướng ngày càng gia tăng. Phần lớn lao động ra nước ngoài làm việc đều là lao động phổ thông, trình độ học vấn thấp, không có tay nghề nên chọn con đường “đi chui”, chấp nhận rủi ro để giảm chi phí, mặc dù phải lao động trong điều kiện làm việc không đảm bảo, công việc nặng nhọc, thời gian và cường độ lao động lớn.
Theo đánh giá của Viện KSND tỉnh Nghệ An, trên địa bàn tỉnh, tội phạm liên quan đến tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” khá phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Các đối tượng phạm tội thường núp bóng công ty môi giới dịch vụ để đưa người đi XKLĐ, thông qua tour du lịch, thăm thân, hội chợ thương mại để trốn, tổ chức ở lại nước ngoài trái phép; sử dụng giấy tờ giả để tổ chức trốn hoặc xuất cảnh bằng hộ chiếu thật sang nước thứ hai rồi tổ chức đi sang nước khác bằng giấy tờ giả hoặc vượt biển, vượt biên giới trái phép. Các đối tượng chủ yếu tổ chức cho người khác trốn đi sang các nước như: Angola, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, các nước Đông Âu....
Thống kê cho thấy, hiện vẫn còn 12.435 lao động Nghệ An đang làm việc ở vùng biên giới không có hợp đồng theo quy định. Những lao động này chủ yếu cư trú bất hợp pháp dưới nhiều hình thức như đi du lịch, thăm thân, kết hôn giả. Hệ lụy nhãn tiền là tình trạng lao động Nghệ An tham gia XKLĐ bỏ trốn vẫn còn cao, chiếm tỉ lệ hơn 40%.
Liên quan đến tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép, trong 3 năm trở lại đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố 19 vụ, 30 bị can. Điển hình, vụ Lê Thanh Toàn (SN 1992) trú tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, là giám đốc Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Du lịch Thanh Toàn tại xã Diễn Yên. Mặc dù không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng vì mục đích kinh tế, Toàn đã thỏa thuận nhận 855 triệu đồng của 7 người để làm thủ tục cho họ đi Hàn Quốc bằng thủ đoạn lợi dụng đi du lịch đến đảo Jeju, để những người này trốn ở lại Hàn Quốc lao động trái phép. Với hành vi này, Toàn đã bị khởi tố và bị tuyên án 18 tháng tù cho hưởng án treo.
Tháng 9/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an Nghệ An cũng đã khởi tố 3 đối tượng Trương Văn Bắc (SN 1992), Trương Văn Thoại (SN 1993), cùng trú tại xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa và Lưu Văn Dực (SN 1991) trú tại xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên để điều tra về hành vi “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. Trước đó, mặc dù chỉ là nhân viên của một công ty du lịch nhưng Bắc đã cấu kết với Thoại và Dực (đang là sinh viên tại Trường ĐH Vinh), trong thời gian từ tháng 12/2017 - 5/2018, nhóm người này đã tư vấn, nhận số tiền 760 triệu đồng, tổ chức 2 lần đưa 3 công dân Việt Nam trốn đi lao động ở Hàn Quốc.
Cơ quan An ninh điều tra trao trả ngoại tệ cho các nạn nhân trong một vụ “lừa” xuất khẩu lao động |
Cần siết chặt quản lý
Theo ông Nguyễn Quang Tiến, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án an ninh, ma túy VKSND tỉnh Nghệ An, hiện nay có 3 hình thức để hoạt động tổ chức trốn và đưa người đi nước ngoài trái phép mà các đối tượng thường lợi dụng. Đó là: Tổ chức trốn bí mật bằng cách dẫn người qua đường tiểu ngạch hoặc đường biển, qua nước thứ 2 để đến nước thứ 3; tổ chức trốn dưới hình thức công khai bất hợp pháp. Các đối tượng có thể đưa người đi dưới hình thức đi du lịch sang nước thứ 2, sau đó trốn sang nước thứ 3 để lao động. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng hộ chiếu giả, giả mạo hồ sơ để được cấp hộ chiếu mang tên người khác và hình thức cuối cùng là thông qua thành lập các công ty “lữ hành” hoặc dịch vụ XKLĐ để tổ chức dưới dạng tham quan, du lịch, thăm thân; giả mạo hợp đồng lao động để được cấp visa lao động nhưng sau khi xuất cảnh tự tìm kiếm việc làm.
Dù là dưới hình thức nào đi chăng nữa, thì đi XKLĐ theo những con đường này là bất hợp pháp, không được pháp luật bảo hộ và nếu có rủi ro xảy ra trong quá trình làm việc ở xứ người, sẽ không nhận được bất kỳ sự tương trợ nào giữa chính phủ hai nước. Do đó, lợi nhuận thì các đối tượng thụ hưởng, còn biến cố rủi ro người lao động lãnh đủ. Do vậy, nhà chức trách khuyến cáo người lao động trước khi quyết định ra nước ngoài làm việc cần tìm hiểu kỹ, tránh những hậu họa về sau.
Đó là chưa kể đến, việc ra nước ngoài lao động trái phép không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho người lao động mà còn để lại rất nhiều tác hại cho xã hội, xâm hại nghiêm trọng đến công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực xuất nhập cảnh. Bên cạnh đó, hành vi này còn tạo hình ảnh và dư luận xấu đến người lao động Việt Nam ở nước ngoài, làm ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Để siết chặt hơn nữa công tác đưa người đi XKLĐ ở nước ngoài, đồng nghĩa với việc hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lao động bất hợp pháp, lao động chui hiện nay, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo lực lượng chức năng, trong đó giao trách nhiệm cho Công an, BĐBP tăng cường công tác kiểm tra, quản lý biên giới, hộ tịch, hộ khẩu, triệt phá các đường dây đưa lao động ra nước ngoài làm ăn trái phép. Tiến hành tổng kiểm tra, rà soát các công ty, doanh nghiệp, đại lý làm công tác tuyển dụng, môi giới, đưa người xuất cảnh ra nước ngoài đảm bảo đúng quy định của Nhà nước, đồng thời kiên quyết xử phạt những đơn vị không có giấy phép hoặc giấy phép hết kỳ hạn.
Cùng với đó, các cơ quan liên quan cần tạo điều kiện và có cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp tuyển dụng, tuyển chọn lao động; Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cơ chế cho vay vốn đi XKLĐ, tạo việc làm cho lao động. Điều quan trọng hơn bao giờ hết là người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tham gia tố giác tội phạm, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh ngăn chặn các hoạt động đưa người đi nước ngoài trái phép.