Pháp luật
Lao động 'chui' và bi kịch giấc mơ xuất ngoại
(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, xuất khẩu lao động (XKLĐ) để hiện thực hóa giấc mơ thoát nghèo đang là lựa chọn của nhiều người, đặc biệt là các gia đình nghèo. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, nhiều gia đình đã bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo đi theo các con đường không chính thống. Hậu quả là khi giấc mơ thoát nghèo chưa trở thành hiện thực, nhiều lao động đã gặp rủi ro, thậm chí bỏ mạng nơi xứ người.
Liên quan đến sự việc 9 công dân Việt Nam, trong đó có 4 nạn nhân là người Nghệ An thiệt mạng khi đang vượt biển từ Trung Quốc sang Đài Loan bằng thuyền đánh cá, theo thông cáo chính thức từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngay sau khi phát hiện sự việc, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu phối hợp với các cơ quan chức năng Trung Quốc, đã xác minh được 7 thi thể là người Việt Nam, trong đó có 4 nạn nhân ở Nghệ An, 2 nạn nhân ở Quảng Bình, 1 nạn nhân ở Hải Dương và 1 nạn nhân ở Hà Tĩnh. Còn 1 thi thể vẫn chưa xác định được danh tính.
Di ảnh anh Lưu Xuân Hoàng, 1 trong 9 công dân Việt thiệt mạng trên biển Trung Quốc |
Bỏ mạng xứ người vì XKLĐ “chui”
Xác nhận về vấn đề này, Sở Ngoại vụ Nghệ An cũng đã vào cuộc và xác minh được danh tính các nạn nhân, bao gồm Lê Đình Hiếu trú tại xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương; Hồ Đức Tiến trú tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu; Lưu Xuân Hoàng trú tại xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn và Nguyễn Phúc Toàn trú tại xã Văn Thành, huyện Yên Thành. 3 trong số 4 nạn nhân này đã được gia đình sang tận nơi nhận diện và đưa về quê mai táng, riêng trường hợp của anh Toàn hiện nay cơ quan chức năng vẫn chưa có kết quả xét nghiệm ADN.
Trước đó, vào cuối tháng 2/2017, một nhóm lao động gồm 21 người ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Nghệ An, Quảng Bình, Bắc Giang và Hải Phòng, thông qua 1 người môi giới đã sang Trung Quốc lao động bằng con đường không chính thống, với giá từ 40 - 50 triệu đồng. Sau khi sang Trung Quốc, nhóm người này mua 1 con tàu biển cũ để đi sang vùng lãnh thổ Đài Loan. Tuy nhiên, khi ra giữa eo biển ở Chu Hải thì gặp nạn vào ngày 31/3.
Chúng tôi tìm đến nhà chị Trần Thị Tr. ở xóm 10, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, là thân nhân của nạn nhân Lưu Xuân Hoàng (26 tuổi), một trong số các lao động thiệt mạng trong chuyến tàu định mệnh ngày 31/3/2017 trên vùng biển Trung Quốc. Ngay sau khi nhận được hung tin, gia đình chị Tr. tất tả vay mượn được 200 triệu đồng để sang Trung Quốc làm thủ tục nhận thi thể con trai. Đây không phải là lần đầu tiên Hoàng đi XKLĐ mà trước đó, thông qua công ty, Hoàng đã sang Đài Loan làm việc được 3 năm.
Nhiều hệ lụy
Những năm gần đây, tình trạng XKLĐ, xuất cảnh bất hợp pháp có chiều hướng gia tăng và khó kiểm soát, kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có vấn đề kết hôn bất hợp pháp và sinh con với người nước ngoài. Qua thống kê, đến nay trên địa bàn Nghệ An có hơn 3.000 phụ nữ đi lao động, xuất khẩu bất hợp pháp sang Trung Quốc, trong đó có hơn 400 trường hợp kết hôn bất hợp pháp với người bản địa tại quốc gia này. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện kinh tế khó khăn, tình trạng thiếu việc làm diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương.
Xuất khẩu lao động chui không những tự làm khổ mình mà làm khổ người ở nhà. Ảnh minh họa |
Đánh vào tâm lý nhu cầu XKLĐ ngày càng cao của người dân, đặc biệt là các gia đình ở vùng nông thôn, có hoàn cảnh khó khăn, nhiều kẻ môi giới đã thiết lập các đường dây đưa người ra ngước ngoài trái phép. Thủ đoạn của loại tội phạm này là đưa ra lời mời chào hấp dẫn như công việc nhàn hạ, thu nhập cao, chi phí đi lại không lớn, thủ tục cực kỳ đơn giản nên người dân dễ bị lôi kéo, đặc biệt là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Phần lớn xuất cảnh bằng đường du lịch nên không có hợp đồng, không có bảo hiểm, khi xảy ra sự cố không thuộc trách nhiệm của các cơ quan hữu quan. Thậm chí, nhiều thị trường lao động chưa được Chính phủ 2 nước ký hiệp định hợp tác về phái cử lao động nên khi gặp sự cố rủi ro, kể cả mất mạng sống, mọi gánh nặng đều đổ lên vai người thân trong gia đình từ quê nhà.
Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong những năm gần đây, tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, số lượng lao động ra nước ngoài làm việc tăng đột biến. Tuy nhiên, cũng tại các tỉnh này, tỉ lệ lao động vi phạm hợp đồng lao động có chiều hướng gia tăng, dẫn đến hệ lụy là gần đây, một số thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan đã ra “tối hậu thư” cấm đưa lao động ở các tỉnh này đến làm việc.
Theo số liệu của Sở Ngoại vụ Nghệ An, trong năm 2015, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã phải can thiệp giúp đỡ và xử lý 17 vụ việc với 19 đối tượng là người Nghệ An bị bắt giữ tại nước ngoài, bị trục xuất do nhập cảnh trái phép hoặc gặp tai nạn rủi tại các nước. Phần lớn các lao động này đều tìm cách ra nước ngoài theo con đường không chính thống.
Thời gian vừa qua, lực lượng An ninh điều tra các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã tập trung đánh mạnh vào các ổ nhóm, đối tượng chuyên đứng ra tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái phép. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2016, Công an Hà Tĩnh đã điều tra, phát hiện, ngăn chặn 7 ổ nhóm, 12 đối tượng tổ chức đưa 40 người trốn đi nước ngoài trái phép; đã khởi tố 4 vụ, bắt tạm giam 4 đối tượng. Từ đầu năm đến nay, Phòng An ninh điều tra Công an Nghệ An đã khởi tố 3 vụ, bắt giữ 4 đối tượng về hành vi tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài. Đường dây này không chỉ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Đài Loan mà còn đưa người sang Đức trái phép.
Thiên Thảo