Pháp luật
Nhìn nhận đúng âm mưu của 2 linh mục cực đoan tại Nghệ An (bài 3)
**Bài 1: Những con tàu 67 mạnh mẽ vươn khơi
**Bài 2: Những bãi biển tấp nập du khách
(Congannghean.vn)-Lợi dụng sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung vào năm 2016, 2 linh mục cực đoan trên địa bàn Nghệ An, gồm: Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc và linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu đã kích động bà con giáo dân tiến hành nhiều hoạt động cố ý gây phức tạp tình hình, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Vậy có thật sự “biển đã chết” hay “tôm, cá không còn” như 2 linh mục trên đã rao giảng? Không. Sự thật là việc ô nhiễm chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp và thời gian ngắn. Nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành và của chính mỗi người dân đã giúp cho biển trong xanh trở lại. Những chuyến tàu đầy ắp cá bạc vẫn cần mẫn cập bờ. Những ngư dân “ăn sóng nói gió” vẫn bền bỉ ra khơi. Cuộc sống của người dân miền biển ngày càng đủ đầy, khấm khá… Và càng ngày, người dân càng nhận ra việc linh mục Nguyễn Đình Thục và linh mục Đặng Hữu Nam đẩy con chiên ra đường thưa kiện chỉ là cái cớ cho mục đích đê hèn, xấu xa.
Lực lượng Công an các cấp tích cực tuyên truyền bà con ngư dân chấp hành quy định pháp luật |
Bài 3: Hậu phương an toàn, vững chắc
Quỳnh Lưu những ngày đầu tháng 6 âm lịch, nhiều chuyến tàu vẫn chưa trở về bến. Nghề khai thác đánh bắt thủy sản của ngư dân Quỳnh Lưu vốn đã có truyền thống lâu đời. Đến nay, Quỳnh Lưu đã hình thành đội tàu hơn 1.200 chiếc với trang thiết bị máy móc hiện đại, công suất lớn, có đầy đủ hệ thống định vị, máy dò, máy thông tin liên lạc, phát triển đa dạng nghề như chụp 2 sào, chụp 4 sào, vây rút chì, nghề câu cá hố. Nghề làm biển quanh năm lênh đênh giữa trùng khơi đã trở nên quen thuộc với nhiều thuyền viên Quỳnh Lưu nói riêng và Nghệ An nói chung.
Có mặt trên chuyến tàu chuẩn bị rời bến ra khơi, thuyền viên Hồ Văn Thường (xóm Đức Xuân, xã Tiến Thủy) tâm sự: Với anh em thuyền viên chúng tôi, việc vất vả, lênh đênh giữa sóng gió thành công việc quen thuộc rồi. Nhưng đi đâu, làm gì, lúc rảnh rỗi, chúng tôi lại nhớ vợ con, gia đình ở quê nhà. Chỉ mong mọi người ở nhà đoàn kết, gắn bó, chung tay giúp đỡ nhau khi thiếu vắng bàn tay trụ cột gia đình.
Nỗi niềm của anh Thường cũng chính là tâm sự của rất nhiều thuyền viên mà tôi có điều kiện gặp gỡ, trò chuyện. Những câu chuyện về tình đoàn kết giữa bà con lương giáo, của tình làng nghĩa xóm không phân biệt tín ngưỡng vẫn được nhắc đi kể lại nhiều lần. Cùng hoàn cảnh chồng xa nhà nên những người vợ, người mẹ có chung nỗi niềm dễ trở nên thân thiết, coi nhau như người thân trong gia đình. Đó là những buổi chầu cùng cha xứ, là những lần sửa cái cổng, dựng cánh cửa đã không còn vững chắc…
Mọi việc chỉ dần dần đổi khác khi linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc và linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên, xã An Hòa có những hành vi chia rẽ mối đoàn kết lương giáo. Bước đầu là những chiêu bài về cái cớ sự cố môi trường Formosa, kế tiếp là những hành vi kích động bà con giáo dân có những hành vi vi phạm pháp luật, đỉnh điểm là xuyên tạc lịch sử, phủ nhận xương máu của nhiều thế hệ đã hy sinh vì độc lập, tự do và chủ quyền dân tộc. Bằng hàng loạt hành động có chủ ý, 2 linh mục trên đã gây ảnh hưởng đến tình nghĩa keo sơn từ bao đời nay giữa bà còn lương giáo trên mảnh đất hiền hòa này.
Quỳnh Ngọc, An Hòa, Sơn Hải, từ trước đến nay vốn hiền hòa yên ấm. Ngay cả sau khi xảy ra sự việc các linh mục cực đoan kích động bà con giáo dân tụ tập đông người, gây sức ép với chính quyền, ANTT tại làng quê ấy vẫn yên bình. Có được điều đó, không thể không kể đến những nỗ lực của chính quyền các cấp, của lực lượng vũ trang và của chính những người dân địa phương. Họ bức xúc trước hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn của 2 linh mục trên, họ ngại ngần trước một số bà con giáo dân nhưng họ hiểu, mọi việc phải tuân thủ pháp luật.
Tình yêu nước, tự hào dân tộc luôn chảy trong huyết mạch những người con mảnh đất xứ Quỳnh, nhưng họ biết rằng, quan trọng hơn nữa là tình đoàn kết giữa bà con lương giáo. Một bộ phận bà con có hành vi quá khích cũng chỉ bởi bị kích động và vì chưa hiểu rõ mưu đồ của 2 linh mục cực đoan và vì những luận điệu xuyên tạc mà những đối tượng phản động đang ngày ngày cố gắng rao giảng tới bà con giáo dân.
Anh Đào Nam Tạo, Trưởng Công an xã Sơn Hải cho biết: Người dân Sơn Hải có truyền thống đánh bắt hải sản lâu đời nên số lượng thuyền viên trên các tàu rất lớn. Từ trước đến nay, lực lượng Công an các cấp vẫn luôn tích cực bám cơ sở, bám địa bàn, đảm bảo ANTT để mọi người yên tâm sản xuất kinh doanh.
Sau sự việc tại giáo họ Văn Thai, người dân càng ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ pháp luật và tích cực bám biển vươn khơi, chống lại những luận điệu xuyên tạc của những đối tượng phản động có ý đồ xấu. Khi các thuyền viên ra khơi đánh bắt, mọi người ở nhà tập trung phát triển các nghề dịch vụ, hậu cần nghề cá, mở rộng kinh doanh. Tại những buổi sinh hoạt chi bộ, những buổi nói chuyện, những lần cùng nhau sản xuất, mọi người lại thông tin về tình hình trên địa bàn để động viên nhau cùng cố gắng.
Người dân vui mừng khi thuyền về bờ với nhiều hải sản tươi ngon |
Cũng nhờ ANTT được đảm bảo nên rất nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Đời sống của bà con cũng từng bước được nâng lên rõ rệt. Cách đây 5 năm, thu nhập bình quân của bà con giáo dân từ 17 - 19 triệu đồng/người/năm thì nay đã được cải thiện, lên mức 21 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,3%.
Chị Phan Thị Huê (xóm Đức Xuân, xã Tiến Thủy) - một hộ gia đình khá giả, phát triển nhờ biển, tâm sự: Chồng là thuyền trưởng, tôi cùng con ở nhà vừa bán cá, vừa kinh doanh dịch vụ tạp hóa cho các thuyền gần bờ. Những lần chồng không có ở nhà, nhờ bà con chòm xóm, lực lượng an ninh nên có việc gì là được xử lý, giải quyết nhanh chóng. An ninh đảm bảo nên công việc kinh doanh cũng rất thuận lợi.
Nghệ An là tỉnh ven biển nên số lượng các ngư dân tham gia đánh bắt, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản chiếm số lượng lớn. Những chuyến tàu ra khơi không chỉ góp phần làm giàu cho gia đình, quê hương mà còn khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Có được điều đó, một phần lớn là nhờ hậu phương vững chắc tại quê nhà.
Tình đoàn kết, gắn bó lương giáo, tinh thần tự tôn pháp luật của mọi người sẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực của người dân xứ Nghệ trong việc làm thất bại âm mưu, ý đồ xấu của 2 linh mục cực đoan trên địa bàn. Cũng có nghĩa mọi kế hoạch gây rối của Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam đang bị cô lập; bởi 2 linh mục này đã đánh mất thứ quan trọng nhất: Đức tin.
Trần Lâm