Pháp luật
Nhìn nhận đúng âm mưu của 2 linh mục cực đoan tại Nghệ An (bài 2)
***Bài 1: Những con tàu 67 mạnh mẽ vươn khơi
***Bài 3: Hậu phương an toàn, vững chắc
(Congannghean.vn)-Lợi dụng sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung vào năm 2016, 2 linh mục cực đoan trên địa bàn Nghệ An, gồm: Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc và linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu đã kích động bà con giáo dân tiến hành nhiều hoạt động cố ý gây phức tạp tình hình, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Vậy có thật sự “biển đã chết” hay “tôm, cá không còn” như 2 linh mục trên đã rao giảng? Không. Sự thật là việc ô nhiễm chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp và thời gian ngắn. Nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành và của chính mỗi người dân đã giúp cho biển trong xanh trở lại. Những chuyến tàu đầy ắp cá bạc vẫn cần mẫn cập bờ. Những ngư dân “ăn sóng nói gió” vẫn bền bỉ ra khơi. Cuộc sống của người dân miền biển ngày càng đủ đầy, khấm khá… Và càng ngày, người dân càng nhận ra việc linh mục Nguyễn Đình Thục và linh mục Đặng Hữu Nam đẩy con chiên ra đường thưa kiện chỉ là cái cớ cho mục đích đê hèn, xấu xa.
Cán bộ Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Nghệ An kiểm định chất lượng nước biển ven bờ |
Bài 2: Những bãi biển tấp nập du khách
Cửa Lò những ngày đầu tháng 7, ngay từ sáng sớm, đã có rất nhiều du khách hòa mình vào biển nước trong xanh, hưởng trọn cơn gió mát lành của biển Đông xứ Nghệ. Anh Nguyễn Viết Long, một du khách từ Hà Nội đang nghỉ dưỡng tại Khách sạn Summer cho biết: “Tôi cùng gia đình vào nghỉ tại đây đã 3 ngày rồi. Về dịch vụ, bãi biển, thực phẩm, tôi đều hài lòng. Năm trước, gia đình cũng có đi một số bãi biển các tỉnh khác nhưng tôi vẫn thích không khí, cảnh quan tại Cửa Lò hơn. Giá cả vừa phải mà đủ các dịch vụ cho gia đình hưởng thụ, nghỉ dưỡng”.
Việc những du khách như anh Long chọn Cửa Lò để nghỉ dưỡng trong dịp hè 2017 không chỉ là tín hiệu mừng với địa phương mà là minh chứng rõ nét cho nỗ lực của các cấp chính quyền Nghệ An trong đẩy mạnh phát triển du lịch biển. Sự cố môi trường biển năm 2016, tuy Nghệ An không nằm trong các địa phương bị tác động nhưng việc kinh doanh, cuộc sống của nhiều người dân bao năm qua “sống nhờ biển” cũng bị ảnh hưởng. Xác định rõ thực tế đó, chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để tập trung đẩy mạnh thu hút du khách về với các bãi biển xứ Nghệ, trung tâm là Cửa Lò.
Trước hết, để đảm bảo bãi biển sạch, UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho Chi cục Kiểm định chất lượng Môi trường thường xuyên, liên tục lấy mẫu nước biển để kiểm định đánh giá.
Theo ông Lê Văn Hưng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Nghệ An: Việc tiến hành lấy mẫu nước biển kiểm định được tiến hành vào thứ 2 hàng tuần tại 4 điểm du lịch biển: Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai), Diễn Thành (Diễn Châu), Cửa Hội, Cửa Lò. Đến thứ 6, sẽ có kết quả chính thức được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và du khách được biết chính xác, cụ thể. Mẫu nước biển sẽ được phân tích liên quan đến các thông số tại hiện trường (khoảng cách so với biển là 10 m) như: Độ PH, nhiệt độ, nồng độ muối, độ đục… Hoạt động này được tập trung từ tháng 4 đến tháng 8. Ngoài ra, thời gian còn lại, Trung tâm cũng định kỳ kiểm định, quan trắc nước biển gần bờ. Theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An, chất lượng môi trường biển ở 4 điểm trên đều an toàn.
Bên cạnh đó, hệ thống nghỉ dưỡng tại các bãi biển cũng ngày càng được đầu tư khang trang và hiện đại hơn. Như tại Cửa Lò, trong 6 tháng đầu năm, đã có khoảng 1.500.000 lượt khách, đạt 82% so với kế hoạch. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch ước đạt 1.220 tỉ đồng. Việc Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Hội đi vào hoạt động đã góp phần tạo sự đa dạng trong hệ thống khách sạn tại Cửa Lò.
Du khách hòa mình vào dòng nước trong xanh ở Cửa Lò. Ảnh: BM |
Theo ông Ngô Thanh Linh, Bí thư Đảng ủy phường Nghi Hải, TX Cửa Lò: Trong thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh phát triển du lịch, hậu cần nghề cá và những dịch vụ đi kèm để đáp ứng nhu cầu của du khách. Vinpearl Cửa Hội mới đi vào hoạt động nhưng góp phần quan trọng trong tạo việc làm cho người dân địa phương, đồng thời, tạo cú hích để du lịch Cửa Hội phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Để phát triển bền vững và lâu dài, công tác xây dựng thương hiệu cho đặc sản biển cũng được các địa phương chú trọng. Theo ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Kinh tế, UBND TX Cửa Lò: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Chi bộ TX Cửa Lò, từ tháng 12/2016, Cửa Lò đã tập trung thực hiện Đề án “Khai thác và chế biến hải sản gắn với sản phẩm các làng nghề”. Địa phương đã chuyển đổi một số nghề hiệu quả thấp, xây dựng các làng nghề chế biến hải sản gắn với tiêu thụ sản phẩm cho tàu khai thác.
Hiện nay, TX Cửa Lò đã có 4 làng nghề chế biến hải sản gồm: Làng nghề tại khối 7, phường Nghi Thủy; Bảo quản chế biến hải sản tại khối 6, phường Nghi Tân; Chế biến nước mắm Hải Giang 1, phường Nghi Hải và Làng nghề chế biến nước mắm Xí nghiệp 19.5. Thị xã cũng đã có 3 làng nghề được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ cấp bằng công nhận kiểu dáng độc quyền nhãn hiệu tập thể… Nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số lượt khách lưu trú toàn tỉnh đạt 2,1 triệu người, ngành du lịch tỉnh nhà cũng đạt tổng thu 3.015 tỉ đồng.
Du khách tham gia kéo lưới gần bờ với ngư dân tại bãi biển Cửa Hội... |
và thu hoạch những mẻ hải sản an toàn, tươi ngon. Ảnh: Bình Nguyên |
Bãi biển để du khách tắm có sạch hay không, những bãi biển xứ Nghệ có đông khách du lịch hay không? Thực ra, linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc và linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên, xã An Hòa là những người biết rõ nhất. Xã Quỳnh Ngọc, xã An Hòa cũng có rất nhiều ngư dân (gồm cả lương dân và giáo dân) sinh sống và phát triển ngư nghiệp. Rất nhiều người dân, trong đó có các con chiên của linh mục, cũng tới nhiều bãi biển đẹp của huyện Quỳnh Lưu nói riêng và Nghệ An nói chung. Đó là Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Bảng, là Diễn Thành, là Cửa Hội, là những khu nghỉ dưỡng, những khách sạn dọc bãi biển xứ Nghệ. Trên mâm cơm của họ nào là mực, là tôm, cua, nghẹ - những hải sản tươi ngon…
Biển không chết, cá tôm vẫn sinh sôi, du khách vẫn tấp nập. Vậy mà linh mục Đặng Hữu Nam và linh mục Nguyễn Đình Thục vẫn lấy cái cớ biển ô nhiễm để kích động giáo dân đòi đền bù và quyền lợi. Thực chất, mục đích của 2 linh mục này là cố ý làm phức tạp tình hình, tụ tập đông người, gây sức ép với chính quyền. Từ đó, “ghi điểm” với một số tổ chức phản động lưu vong, gây hiểu nhầm cho các tổ chức nhân quyền ở một số quốc gia để họ hỗ trợ tài chính cho các hoạt động chống phá. Thực tế, niềm tin của giáo dân đã bị 2 linh mục này lợi dụng cho mưu cầu lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, dù có chống phá thế nào thì 2 linh mục cũng không thể che mắt được thực tiễn. Rằng, hàng chục nghìn ngư dân vẫn cần mẫn, nỗ lực từng ngày, từng giờ ra khơi bám biển, làm giàu cho gia đình và quê hương.
Một câu hỏi đặt ra là, tại sao trong những lần kéo ra đường gây rối ANTT, chỉ có một bộ phận giáo dân, mà không có lương dân? Và tại sao chỉ tập trung chủ yếu ở giáo xứ Song Ngọc và giáo xứ Phú Yên, nơi 2 linh mục làm nhiệm vụ quản xứ?
Theo một khảo sát chưa đầy đủ, trên địa bàn Nghệ An, có khoảng 120.000 lao động khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy sản. Trong đó, số lao động là giáo dân chỉ chiếm một bộ phận nhỏ trong tổng số ngư dân Nghệ An. Những người lương dân làm ngư nghiệp, họ có bị tác động bởi sự cố môi trường năm 2016 không? Họ có mong muốn được hỗ trợ trong phát triển sản xuất kinh doanh không? Tất nhiên là có. Nhưng tại sao họ không bị kích động để có những hành động vi phạm pháp luật? Bởi họ biết “nước có phép nước, nhà có gia phong”, việc gì cũng phải tuân thủ pháp luật. Họ nhận ra rằng, Chính phủ, các ngành, các cấp đang tìm mọi cách để hỗ trợ ngư dân vượt qua khó khăn, vươn khơi bám biển. Họ cũng tự hiểu rằng, đức tin là điều rất đỗi thiêng liêng, nhưng cao hơn hết vẫn là lợi ích quốc gia, là đoàn kết dân tộc. Không thể vì bị lợi dụng đức tin để biến mình trở thành con rối của một số linh mục cực đoan trên địa bàn.
Trần Lâm (còn nữa)