An toàn giao thông
Mua xe trả góp, bị CSGT xử phạt lỗi không mang theo giấy tờ gốc là đúng
(Congannghean.vn)-Với việc cho vay đến 80%, thậm chí là 100% giá trị khi vay tiền tại các ngân hàng để mua xe môtô, ôtô trả góp, nguồn vốn giải ngân cho gói tín dụng này đã và đang được hàng nghìn khách hàng lựa chọn. Mặc dù vậy, với việc ngân hàng giữ lại giấy tờ gốc cho đến khi tất toán, khi tham gia giao thông vi phạm luật, chủ sở hữu các phương tiện này vẫn bị CSGT xử phạt lỗi không mang theo giấy tờ xe theo luật định đang khiến cho người dân hoang mang, lo lắng.
Người dân mua xe trả góp, lưu thông trên đường bị xử phạt lỗi không mang theo giấy tờ gốc là đúng quy định - Ảnh: Thiên Thảo |
Mua xe trả góp, bị xử phạt lỗi không mang theo giấy tờ
Tháng 3/2017, anh Trần Ngọc K. trú tại phường Lê Lợi, TP Vinh có nhu cầu mua 1 chiếc xe ôtô để đi lại nhưng khả năng tài chính có hạn, anh đến một ngân hàng trên địa bàn phường Quang Trung (TP Vinh) để vay gói tín dụng dành riêng cho mua xe ôtô. Tại đây, anh được nhân viên ngân hàng tư vấn là sẽ giữ lại giấy tờ gốc (đăng ký xe ôtô) cho đến khi anh này trả hết nợ vay trong thời hạn 7 năm. Thay vào đó, ngân hàng sẽ giao giấy tờ phôtô công chứng và xác nhận của ngân hàng để anh sử dụng. Khi nghe nhân viên này khẳng định, giấy tờ phôtô công chứng có giá trị ngang với bản gốc nên anh yên tâm làm thủ tục vay vốn, mua xe.
Tuy nhiên, đầu tháng 7/2017, trong lúc lưu thông, anh K. vi phạm Luật Giao thông đường bộ nên bị CSGT xử phạt. Quá trình kiểm tra giấy tờ, anh này còn bị phạt thêm lỗi không mang theo giấy tờ gốc khi lưu thông, mặc dù anh K. đã trình bản phôtô có xác nhận của ngân hàng nhưng không được chấp nhận.
Trường hợp của anh Nguyễn Ngọc K. cũng là thắc mắc, thậm chí trở thành lo lắng, hoang mang của hàng nghìn người trên địa bàn Nghệ An đang mua xe trả góp. Nhiều người cùng thắc mắc cho rằng, quá trình làm thủ tục vay vốn, nhân viên ngân hàng không tư vấn hay khuyến cáo về việc này nên họ không nắm được thông tin.
Qua tìm hiểu của phóng viên được biết, Nghệ An là một trong những tỉnh, thành có số lượng ôtô được mua nhiều nhất trong cả nước, với tỉ lệ cứ 10 hộ gia đình thì có 1 hộ sở hữu xe ôtô. Số liệu thống kê của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho thấy, từ ngày 1/1 - 10/3/2017, Nghệ An có thêm 3.057 ôtô dưới 9 chỗ được đăng ký mới. Nếu như năm 2015, số phương tiện đăng ký mới dưới 9 chỗ là 5.737 chiếc, tăng 2.028 chiếc so với năm 2014 thì đến năm 2016, toàn tỉnh đăng ký mới 11.884 chiếc.
Cũng theo số liệu từ Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, mặc dù nhu cầu sở hữu xe ôtô cao nhưng không phải ai cũng tự chủ được tài chính, rất nhiều xe mới được đăng ký được mua theo hình thức trả góp, nhất là các dòng xe phân khúc trung bình dưới 800 triệu đồng.
Ngân hàng giữ giấy tờ gốc là phạm luật
Thông tin về việc bị xử phạt lỗi không có giấy đăng ký gốc, không ít người đã mua và đang sử dụng xe trả góp không khỏi giật mình, lo lắng. Thậm chí nhiều người khi bị xử phạt lỗi trên, do không nắm bắt được các luật định, đã có hành vi chống đối lực lượng chức năng khi bị ra quyết định xử phạt.
Về vấn đề này, ngày 31/5/2017, Cục CSGT (Bộ Công an) đã có Văn bản số 2916/C67-P9, hướng dẫn Công an các địa phương về việc xử phạt các phương tiện khi lưu thông không có giấy tờ gốc.
Văn bản nêu rõ: “Thời gian qua, Cục CSGT nhận được công văn của Công an một số đơn vị, địa phương về việc xử lý vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng bản sao giấy đăng ký xe ôtô có xác nhận của ngân hàng. Sau khi có công văn trao đổi thống nhất với Ngân hàng Nhà nước, Cục CSGT hướng dẫn như sau: Đối với những phương tiện thế chấp ngân hàng khi tham gia giao thông thì bên thế chấp (người mua xe) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực theo đúng quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo và Công văn số 3851/NHNH-PC ngày 24/5/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Do đó, Cục CSGT khẳng định, việc xử phạt là đúng với quy định của pháp luật hiện hành.
Về vấn đề này, trước đó, vào ngày 24/5/2017, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ra Văn bản 3851/NHNN-PC yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc các quy định về việc thế chấp tài sản, nhất là phương tiện giao thông.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước căn cứ Điều 7a và Điều 20a, Nghị định 163/2006/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung (trong trường hợp tài sản thế chấp tàu bay, tàu biển hoặc phương tiện giao thông thì bên thế chấp (người vay) giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực). Do đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng ngoài nước thực hiện nghiêm túc quy định này theo Nghị định 163.
Như vậy, việc CSGT xử phạt người tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ lỗi không có giấy đăng ký khi không mang theo giấy tờ gốc, mà chỉ mang bản sao có xác nhận của ngân hàng là đúng luật. Bản sao giấy đăng ký xe kèm theo xác nhận của ngân hàng không có giá trị sử dụng trong tham gia giao thông. Việc các ngân hàng giữ bản gốc giấy đăng ký xe, chỉ cấp bản sao có xác nhận của ngân hàng là trái luật, gây ra những phiền toái, hệ lụy cho khách hàng.
Về vấn đề này, qua trao đổi thực tế tại các ngân hàng đang cho vay mua xe trả góp trên địa bàn TP Vinh, đại diện các ngân hàng đều cho rằng, nếu không giữ bản gốc đăng ký xe, ngân hàng buộc phải yêu cầu khách hàng thế chấp bằng tài sản khác tương đương số tiền vay. Do phần lớn khách hàng đều đồng ý với việc thế chấp bản gốc đăng ký xe, nên để được vay mua xe, khách hàng sẽ phải ký giấy đề nghị giữ hộ đăng ký bản gốc. Do đó, theo lý giải của ngành ngân hàng, về mặt pháp lý, ngân hàng không sai vì người thế chấp tự nguyện. Trong khi đó, nhiều khách hàng cho rằng, họ không hề được tư vấn về việc sẽ bị CSGT xử phạt nếu lưu thông phạm luật khi trình bản sao đăng ký xe.
Thiện Thành