An toàn giao thông
Tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn hành vi chống đối lực lượng CSGT
Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn quốc đã xảy ra gần 30 vụ chống đối lại lực lượng CSGT trong khi làm nhiệm vụ, làm 02 đồng chí hy sinh, nhiều đồng chí bị thương. Công an các địa phương đã khởi tố 6 vụ, 09 đối tượng với tội danh chống người thi hành công vụ.
Thời gian qua, tình trạng người vi phạm TTATGT không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, chống lại lực lượng CSGT diễn ra hết sức nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương, xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của cán bộ, chiến sỹ thi hành công vụ và tính nghiêm minh của pháp luật.
Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi chống đối lực lượng CSGT |
Trước tình hình trên, Bộ Công an đã có điện chỉ đạo thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác đảm bảo TTATGT. Trong đó, kiên quyết phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT. Đối với người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, chống đối người thi hành công vụ, lực lượng làm nhiệm vụ được phép sử dụng mọi phương tiện, biện pháp công tác của lực lượng Công an nhân dân để ngăn chặn hành, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và quy trình công tác. Đồng thời có biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn về tài sản của Nhà nước, tính mạng, sức khỏe của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ khi thi hành công vụ.
Ngày 6/7, Cục CSGT có điện chỉ đạo CSGT các đơn vị, địa phương tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi chống đối lực lượng CSGT khi đang thực thi công vụ.
Công điện đã chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác đào tạo, sát hạnh, cấp giấy phép lái xe và quản lý lái xe nhiều năm nay bị buông lỏng, một bộ phận không nhỏ lái xe thiếu đạo đức, manh động, khi bị kiểm tra tra thì có hành vi chống đối, lăng mạ lại CSGT.
Bên cạnh đó các quy định của pháp luật về xử lý các hành vi chống đối lại người thi hành công vụ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Các vụ chống lại CSGT chưa được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, một số trường hợp thường chỉ xử lý vi phạm hành chính, do đó tính giáo dục, răn đe còn hạn chế. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ khởi tố hình sự chỉ chiếm hơn 21% so với số vụ xảy ra.
Mặt khác, vẫn còn có một số bộ phận nhỏ cán bộ, chiến sỹ dù đã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và văn hóa ứng xử nhưng kinh nhiệm tuần tra kiểm soát còn ít, tác phong chưa chuẩn mực; cách xử lý tình huống, giải quyết công việc còn chưa cương quyết, khôn khéo nên khi thực hiện nhiệm vụ còn lúng túng, thiếu ý thức cảnh giác, nhanh nhạy.
Để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an, Cục CSGT chỉ đạo lực lượng CSGT tiến hành rà soát, bảo đảm việc xây dựng phương án, kế hoạch tuần tra, kiểm soát phải bố trí đủ lực lượng, trang bị vũ khí, phương tiện, công vụ hỗ trợ, đội hình tuần tra kiểm soát bảo đảm vừa tuần tra, kiểm soát có hiệu quả đồng thời phòng ngừa và đấu tranh trấn áp, bắt giữ kịp thời khi có tội phạm xảy ra.
Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa lực lượng CSGT và các lực lượng nghiệp vụ khi giải quyết các tình huống chống lại CSGT. Tổ chức vận động quần chúng cùng tham gia phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm.
Lãnh đạo, chỉ huy CSGT Công an các đơn vị, địa phương phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực tế cán bộ, chiến sỹ làm công tác tuần tra kiểm soát để nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời. Chú trọng bồi dưỡng, huấn luyện cho CBCS sử dụng vũ khí, võ thuật, công cụ hỗ trợ, bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát đủ số lượng, có sức khỏe, tinh thông nghiệp vụ, có bản lĩnh, đủ sức đảm đương được nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
Tổ chức phổ biến và rút kinh nhiệm cho cán bộ, chiến sỹ, nhất là cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát thông qua các vụ việc vừa xảy ra để phòng ngừa, xử lý các vụ việc, tình huống xảy ra tương tự, không để xảy ra thương vong cho cán bộ, chiến sỹ. Trong khi làm nhiệm vụ cán bộ chiến sỹ cần có thái độ đúng mực đồng thời phải nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động ngăn chặn, khống chế các đối tượng khi bị kiểm tra có thái độ cản trở, lăng mạ, chống đối lại CSGT; cần thiết phải áp dụng biện pháp nghiệp vụ để khống chế, bắt giữ đối tượng, không để đối tượng tấn công bất ngờ.
Khi xảy ra các vụ tấn công cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ phải báo cáo lãnh đạo Công an các các địa phương chỉ đạo, kịp thời trấn áp các đối tượng chống đối theo đúng quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp cố tình chống đối, dùng phương tiện giao thông quay ngang ra đường gây ách tắc giao thông, cần huy động lực lượng phân luồng, khống chế đối tượng, nhanh chóng giải quyết trật tự đám đông, không để vụ việc kéo dài gây bức xúc dư luận./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông