Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201703/tai-xa-dien-ngoc-huyen-dien-chau-tinh-nghe-an-dat-nong-nghiep-bi-lan-chiem-chuyen-nhuong-trai-phep-725618/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201703/tai-xa-dien-ngoc-huyen-dien-chau-tinh-nghe-an-dat-nong-nghiep-bi-lan-chiem-chuyen-nhuong-trai-phep-725618/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đất nông nghiệp bị lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 02/03/2017, 08:13 [GMT+7]
Tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An

Đất nông nghiệp bị lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép

(Congannghean.vn)-Lợi dụng sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, hàng trăm hộ dân đã lấn chiếm, mua bán, chuyển nhượng trái phép hàng nghìn mét đất nông nghiệp. Sự việc xảy ra hàng chục năm nay song các cấp chính quyền lại thờ ơ, không xử lý.

Ồ ạt “hô biến” đất nông nghiệp thành đất ở

Theo phản ánh của nhân dân xã Diễn Ngọc, sự việc các hộ dân trong xã lấn chiếm, mua bán, chuyển nhượng và cơi nới trái phép các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, diễn ra chủ yếu ở 3 xóm là Ngọc Tân, Đồng Bể và Đồng Vòng. Sự việc bắt đầu diễn ra từ khoảng tháng 6/2004 đến nay.

Hiện trạng các hộ dân lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp dọc phía Tây QL1A
Hiện trạng các hộ dân lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp dọc phía Tây QL1A

Cụ thể, tại 3 xóm nói trên, có 121 hộ gia đình thực hiện việc lấn chiếm, mua bán, chuyển nhượng trái phép đất nông nghiệp để xây nhà ở, nhà kho và công trình phụ, với tổng diện tích 28.946 m2. Trong số đó, có 42 gia đình lấn chiếm và chuyển nhượng trái phép đất nông nghiệp, với diện tích khoảng 10.002,28 m2, bao gồm đất trồng lúa, đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng màu và khoảng 352 m2 đất 5% do UBND xã quản lý.

Xóm Ngọc Tân, đoạn liền kề Quốc lộ 1A (trước nhà máy cấp nước huyện Diễn Châu) có đến 10 hộ gia đình lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép với diện tích 2.989,6 m2 để xây dựng nhà ở, nhà kho và tường bao.

Tại xóm Đồng Bể, có 8 hộ nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của các hộ liền kề, tự lấn chiếm đất nông nghiệp để xây nhà ở trên đất trồng màu của các xã viên HTX Nông nghiệp Ngọc Liên với diện tích khoảng 4.549,1 m2.

Xóm Đồng Vòng đoạn phía nam đồng muối Hải Thượng có 24 hộ gia đình nhận thầu khoán nuôi trồng thủy sản từ năm 2004. Sau đó, các hộ này đã tự xây dựng bờ bao, nhà cửa để lấn chiếm đất hoặc chuyển nhượng cho người khác, với diện tích khoảng 2.968,58 m2.

Theo Báo cáo số 50/BC-UBND ngày 23/10/2014 của UBND xã Diễn Ngọc gửi UBND huyện và Huyện ủy Diễn Châu, qua kiểm tra việc vi phạm xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai tuyến Quốc lộ 1A (xóm Ngọc Tân), trong khoảng thời gian từ ngày 15/10/1993 - 1/7/2004 có 67 hộ, đến năm 2014 có thêm 4 hộ vi phạm; tại xóm Đồng Bể trong khoảng thời gian nói trên có 79 hộ và xóm Đồng Vòng là 22 hộ, trong đó có 16 hộ trước kia nhận thầu khoán đất của HTX để nuôi trồng thủy sản hiện đang để đất trống.

Kết luận Thanh tra số 68/BC-ĐTT ngày 18/10/2011 của UBND huyện Diễn Châu về quy hoạch và quản lý đất đai tại xã Diễn Ngọc từ năm 2001 - 2010 đã chỉ rõ: Cấp ủy Đảng, chính quyền xã Diễn Ngọc thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai, để cho các hộ lấn chiếm và xây dựng trái phép trên đất sản xuất nông nghiệp có tính phổ biến và kéo dài trong nhiều năm nhưng không báo cáo lên cấp trên, không có biện pháp xử lý. Trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính xã, nhiệm kỳ 2003 - 2008.

Cũng tại kết luận này, đoàn Thanh tra đã kiến nghị Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét và có hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Đậu Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc nhiệm kỳ 2003 - 2008; đồng thời giao Phòng Nội vụ huyện Diễn Châu tham mưu hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Dương, cán bộ địa chính thời kỳ này. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, không những không bị kỷ luật mà ông Đậu Xuân Thủy còn được cân nhắc lên vị trí cao hơn, hiện đang giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Diễn Ngọc.

Huyện Diễn Châu có bao che sai phạm?

Ngày 20/7/2011, Huyện ủy Diễn Châu sau khi làm việc với Đảng ủy xã Diễn Ngọc về vấn đề này, chỉ “giơ cao đánh khẽ” bằng việc chỉ đạo xã không để việc lấn chiếm và sử dụng trái phép, sai quy hoạch đất diễn ra, lập quy hoạch và tiến hành giao đất ở để giải quyết bức xúc và nhu cầu đất ở cho dân.

Sau khi để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng nói trên, UBND xã Diễn Ngọc tiếp tục có đề xuất phương án xử lý các hộ dân xây dựng trái phép, cơi nới để hợp thức hóa nộp tiền ngân sách. Đối với các hộ ở khu vực Đồng Bể đã làm nhà ở ổn định, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, UBND xã đang làm thủ tục kê khai xin cấp GCNQSDĐ tồn đọng để thu tiền nộp về ngân sách. Riêng khu vực Đồng Vòng, hiện các hộ cũng đã ở ổn định, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất nên đề nghị huyện và Phòng Tài nguyên Môi trường tiếp tục có phương án xử lý.

Cũng với phương án giải quyết này, ngày 31/1/2012, UBND xã Diễn Ngọc có Tờ trình 02/TT-UBND gửi UBND huyện Diễn Châu, xin hợp thức hóa đất lấn chiếm và cơi nới khu vực Đồng Bể và tuyến Quốc lộ 1A. Tiếp đó, ngày 28/2/2012, UBND xã Diễn Ngọc có Báo cáo số 03/BC-TN-MT gửi UBND huyện Diễn Châu, đề xuất xem xét hợp thức hóa các trường hợp vi phạm, nhất là các trường hợp đã cho nhà như ở khu vực làng nghề, tuyến Quốc lộ 1A và xóm Đồng Vòng.

Ngày 8/5/2014, UBND huyện Diễn Châu đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất tại xã Diễn Ngọc đến năm 2020. Theo phê duyệt này thì vùng Đồng Bể, Đồng Vòng và phía Tây tuyến Quốc lộ 1A, trước đây vốn là đất nông nghiệp, bị lấn chiếm, cơi nới, sang nhượng trái phép đã được quy hoạch, chuyển đổi từ đất sản xuất nông nghiệp sang đất ở nông thôn.

Như vậy, hàng nghìn m2 đất sản xuất nông nghiệp bị người dân lấn chiếm, sang nhượng trái phép trước sự thờ ơ và vô trách nhiệm của chính quyền địa phương đã được cấp có thẩm quyền cao hơn “hô biến” từ trái phép trở thành hợp pháp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, những sai phạm nghiêm trọng của người đứng đầu bộ máy chính quyền địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai đã không được đưa ra xem xét, xử lý, dù trước đó Thanh tra đã vào cuộc, chỉ rõ sai phạm và kiến nghị kỷ luật. Đó là chưa nói đến việc, theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất là UBND cấp tỉnh chứ không phải cấp huyện.

Ngoài ra, hiện nay UBND tỉnh Nghệ An chưa có quy định cụ thể giải quyết các trường hợp lấn chiếm đất, tự ý chuyển mục đích sử dụng vì đang chờ Nghị định bổ sung của Chính phủ, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Do vậy, UBND huyện Diễn Châu liệu có “vượt rào” khi chuyển đổi hàng nghìn m2 đất sản xuất nông nghiệp sang đất ở? Và việc làm này liệu có điều gì “khuất tất”? Câu trả lời xin gửi về UBND huyện Diễn Châu và cơ quan chức năng liên quan.

.

Thiên Thảo

.