(Congannghean.vn)-Với mục đích mở rộng tầm nhìn, vòng cua tại dốc đá Vòng Quanh tại Km10+00, QL48C đoạn qua xóm Liên Tân, xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp) để xóa bỏ vĩnh viễn một “điểm đen” về tai nạn giao thông. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án, đơn vị thi công nổ mìn không đúng với phương án phê duyệt ban đầu, đá rơi vào nhà dân, khiến nhiều người hoang mang, lo lắng.
Người dân bức xúc trình bày sự việc với phóng viên |
Không có chức năng nổ mìn, vẫn trúng thầu dự án phá đá
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án xử lý “điểm đen” tại dốc đá Vòng Quanh, thuộc Km10+00, QL48C đoạn qua xóm Liên Tân, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp được Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật tại Quyết định số1061/QĐ-TCĐBVN ngày 13/5/2016. Nội dung và quy mô xây dựng: Cải thiện bán kính đường cong, tăng tầm nhìn chạy xe nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, đảm bảo ANTT, khắc phục ùn tắc giao thông tại vị trí “điểm đen” Km10+00, Quốc lộ 48C.
Dự án này cùng với công trình cầu vượt đi bộ ngã tư Đại học Vinh đều nằm trong một gói thầu, với tổng mức đầu tư là 7,6 tỉ đồng. Trong đó, dự án xóa “điểm đen” tại huyện Quỳ Hợp có số vốn hơn 4,166 tỉ đồng. Công ty TNHH Thịnh Hưng (có trụ sở trên đường Cao Xuân Huy, phường Vinh Tân, TP Vinh) là đơn vị trúng thầu thi công. Biện pháp thi công được duyệt là sử dụng vật liệu nổ để nổ mìn thi công phần nền công trình theo kết quả thẩm định hồ sơ số 287/TĐ-SCT.KTATMT ngày 22/8/2016 của Sở Công thương.
Sau khi trúng thầu dự án, do không có chức năng phá đá nổ mìn nên ngày 12/9/2016, Công ty TNHH Thịnh Hưng đã thuê “nhà thầu phụ” là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại 669 (trụ sở tại huyện Quỳnh Lưu) xử lý thuốc nổ và phá đá. Tuy nhiên, đơn vị thi công này chỉ nổ mìn được tất cả 9 lần và sau đó buộc phải dừng lại cho đến nay, do người dân phản ứng về việc nổ mìn không đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của dân.
Cụ thể, theo phản ánh của anh Nguyễn Đình Thuyết (SN 1973) trú tại xóm Liên Tân, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp: “Người dân ở đây rất ủng hộ chủ trương của Nhà nước về việc mở rộng vòng cua, xóa “điểm đen” tai nạn giao thông ở dốc đá Vòng Quanh. Gia đình tôi ở đây đã lâu, chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông thương tâm ở khu vực này. Tuy nhiên, người dân ở đây chỉ yêu cầu một việc duy nhất là phương án thi công phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho dân”.
Cũng theo anh Thuyết, ngay từ loạt nổ mìn đầu tiên, đơn vị thi công tổ chức chắn đường hai đầu để phá đá, thế nhưng người dân sinh sống gần đó lại không được thông báo? Sau khi mìn nổ, đá rơi vào vườn, vào mái nhà làm mẻ ngói, móm mái tôn, nứt tường rào… nên 12 hộ dân xóm Liên Tân đã làm đơn kiến nghị gửi UBND xã. Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày, đơn của dân cũng không được các cấp giải quyết, đơn vị thi công vẫn tiếp tục nổ mìn. Chỉ đến khi lần nổ thứ 9 vào ngày 9/9/2016 xong, đá bay vào nhà dân, người dân phản ứng mạnh quá, lúc đó họ mới tạm dừng cho đến nay.
Theo tìm hiểu của phóng viên, phương án nổ mìn của dự án này được Sở Công thương Nghệ An phê duyệt như sau: Khoảng cách an toàn để nổ mìn đối với vật kiết trúc là 200 m; đối với người là 300 m. Thế nhưng, trên thực tế của dự án này, khoảng cách từ nơi thi công đến nhà dân gần nhất chỉ khoảng 37 m, nhà xa nhất là 80 m. Do không tuân thủ phương án đã được phê duyệt nên tất yếu quá trình thi công đã làm ảnh hưởng, thậm chí đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người dân.
“Điểm đen” TNGT tại Km10+00 QL8C đang xử lý dở dang vì nổ mìn sai thiết kế |
Nổ mìn sai thiết kế, đá văng vào nhà dân
Ông Nguyễn Viết Tuất, Trưởng phòng Dự án 1, Ban Quản lý dự án, Sở GTVT Nghệ An cho biết: Phương án nổ mìn tổng thể khi phê duyệt có tầm ảnh hưởng xa, đối với phạm vi vật kiến trúc là 200 m và người là 300 m. Quá trình nổ mìn đá rơi vào mái tôn, vườn nhà nên người dân không cho nổ. Chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị thi công điều chỉnh lại phương án nổ, giảm bớt thuốc nổ cho phù hợp với hiện trường, tầm ảnh hưởng nhỏ hơn 40 m. Sau khi điều chỉnh lại, đơn vị thi công mời một đơn vị khác có chuyên môn về kiểm tra độ rung chấn, độ an toàn… để tiến hành nổ thử nhưng người dân vẫn không đồng tình.
Theo ông Tuất, người dân yêu cầu, nếu muốn nổ thử thì phải có phương án được phê duyệt, việc nổ thử có đảm bảo an toàn hay không, khi nổ mìn khói bay lên trời, khi trời mưa xuống khói mìn theo nước mưa rơi xuống mái nhà, người dân sử dụng nguồn nước này có đảm bảo hay không? Sở dĩ người dân không đồng thuận việc nổ thử vì phương án này chỉ mới được đơn vị thi công và chủ đầu tư dự án thông qua chứ chưa trình Sở Công thương thẩm duyệt, nên không ai dám chắc có đảm bảo an toàn khi nổ thử hay không.
Về phía Công ty TNHH Thịnh Hưng thừa nhận, trước khi vào thi công đã không làm việc trước với dân, đơn vị thi công chủ quan nổ mìn để đá văng vào nhà dân, do nhân dân ngăn cản và phản ứng nên việc thi công buộc phải dừng lại. Công ty cũng đã cam kết về việc đảm bảo dư chấn, va đập sóng không khí, khói mìn ô nhiễm… song không nhận được sự đồng thuận từ phía người dân.
Theo đại diện của phía đơn vị thi công và chủ đầu tư dự án, nếu không vận động được người dân cho nổ mìn để tiếp tục thi công thì sẽ tìm một địa điểm khác để thay thế, đồng nghĩa với việc dốc Vòng Quanh tại Km10+00 sẽ vẫn là một “điểm đen” về TNGT trên QL 48C, đoạn ngay cửa ngõ vào trung tâm thị trấn Quỳ Hợp.
Trong một diễn biến khác, sau khi nhận được phản ánh của nhân dân, ngày 21/9, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Quỳ Hợp đã xuống hiện trường để làm việc với các đơn vị liên quan. Tại thời điểm kiểm tra, nhà thầu đã cung cấp đẩy đủ về hợp đồng thi công, giấy phép sử dụng vật liệu nổ, giấy phép thi công, chỉ huy nổ mìn, nhưng không xuất trình được thiết kế nổ mìn. Ngày 2/12, UBND huyện Quỳ Hợp đã tổ chức họp bàn xử lý vướng mắc thi công nhưng quá trình nhà thầu xuất trình hồ sơ thiết kế nổ mìn không phù hợp với điều kiện thực tế nên đến nay vẫn chưa tìm được phương án giải quyết.