Trên địa bàn cả nước, hoạt động của các băng, ổ nhóm côn đồ vẫn diễn biến phức tạp, là mầm mống cho những hoạt động của tội phạm có tổ chức (TPCTC), đòi hỏi cơ quan chức năng cần tăng cường triệt xóa. Đây là yêu cầu của Bộ Công an đặt ra trong thực hiện kế hoạch tấn công TPCTC.
Từ cách đây hơn 3 năm, tình hình TPCTC diễn ra khá “nóng” với hàng loạt vụ án cho thấy mức độ manh động của tội phạm: Sử dụng vũ khí, tấn công đông người, giữa ban ngày… Trước tình hình đó, Bộ Công an đã triển khai Kế hoạch số 03/KH-BCA (ngày 6/1/2014) với mục tiêu huy động tổng lực tấn công TPCTC. Cụm từ “tội phạm có tổ chức” được đặt ra như một đối tượng hiện hữu cần tấn công quyết liệt. Và cho đến nay, kế hoạch đạt được những kết quả nhất định.
Trước tiên, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cán bộ, chiến sĩ Công an đối với công tác này được nâng lên. Hoạt động của các băng nhóm tội phạm, nhất là băng nhóm có tổ chức hoạt động theo kiểu "xã hội đen" đã được kiềm chế. Nhiều băng nhóm tội phạm tồn tại, hoạt động trong thời gian dài nay đã bị triệt phá.
Súng quân dụng và súng tự chế của các đối tượng phạm tội bị Lực lượng 141 Hà Nội thu giữ |
Gần đây, TPCTC dạt ra vùng ngoại thành để tránh sự chú ý của Công an. Tuy nhiên, một số địa bàn, các đối tượng lưu manh côn đồ vẫn tụ tập đông người, sử dụng vũ khí nóng, dao kiếm ẩu đả đã xảy ra, điển hình như tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Kiên Giang, Tiền Giang, Phú Thọ, Hải Dương… diễn biến nhanh, gây khó khăn cho Công an trong công tác nắm tình hình. Mạng xã hội, internet cũng là môi trường để TPCTC trong lĩnh vực công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia móc nối, hoạt động…
Để đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm lên mức cao hơn, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch 03 của Bộ Công an yêu cầu, lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương, nhất là lực lượng Cảnh sát hình sự phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phòng chống tội phạm, nghiên cứu, đổi mới nội dung, biện pháp đấu tranh cho phù hợp với những thay đổi trong hoạt động của TPCTC hiện nay.
Bộ Công an cũng yêu cầu, toàn lực lượng Công an cần nhận thức đầy đủ sự nguy hiểm và quy luật phát triển của TPCTC trong cơ chế thị trường, đấu tranh ngay từ khi mới manh nha. Bên cạnh việc dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân và hệ thống chính trị, Công an các cấp cần kết hợp nhuần nhuyễn các biện pháp, thực hiện tốt công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các hoạt động kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, ngăn chặn không để TPCTC theo kiểu “xã hội đen” nước ngoài xâm nhập… Đấu tranh với băng nhóm tội phạm và TPCTC không chỉ trong một chiến dịch mà là nhiệm vụ thường xuyên, dài lâu, cần huy động tổng lực để ngăn chặn, đẩy lùi, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
3 năm (2014-2016), Cảnh sát hình sự toàn quốc đã triệt phá 6.300 băng nhóm, 31.528 đối tượng TPCTC. Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng khởi tố, điều tra được nhiều vụ án lớn, tập trung đánh mạnh vào các băng nhóm tội phạm thuộc các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, đặc biệt các băng nhóm núp bóng dưới hình thức các công ty kinh doanh đa cấp.
Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 47.038 vụ, 72.364 đối tượng liên quan đến tội phạm ma túy, trong đó có nhiều băng nhóm, đường dây ma túy lớn, liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia. Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phá hơn 40 chuyên án, bắt hơn 400 đối tượng.
.