(Congannghean.vn)-Là một trong những hạng mục do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ để làm thay đổi diện mạo đô thị Vinh, tuy nhiên, quá trình thực hiện Dự án cải tạo mương Thành cổ Vinh đoạn qua khối 8, phường Cửa Nam đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến 12 hộ dân. Nhà cửa bị nứt nẻ, thậm chí sụt lún khiến một số hộ gia đình phải bỏ nhà ra ở trọ nhưng việc đền bù vẫn bị phía đơn vị thi công thờ ơ.
Thi công hào Thành cổ Vinh, đoạn làm 12 hộ dân bị nứt nẻ, sụt lún nhà cửa |
Hàng chục hộ gia đình bị sụt lún, nứt nhà
Nâng cấp và cải tạo tuyến mương xung quanh Thành cổ Vinh (VH2-23) là một trong những gói thầu nằm trong dự án phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án TP Vinh. Dự án có tổng diện tích quy hoạch 6,475 ha, đi qua địa bàn các phường Cửa Nam, Quang Trung và Đội Cung (TP Vinh) với tổng đầu tư khoảng 130 tỉ đồng.
Theo phương án đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), có 299 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 100 hộ phải tái định cư. Theo tiến độ, Dự án sẽ phải hoàn thành sau 18 tháng kể từ ngày khởi công. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Dự án không những còn ngổn ngang, vướng mắc cả ở khâu đền bù, GPMB mà quá trình thi công, đơn vị đóng cọc nhồi làm hàng chục ngôi nhà tại khối 8, phường Cửa Nam bị nứt gãy trầm trọng.
Theo phản ánh của bà Võ Thị Lan, chủ căn hộ số 76C Phạm Ngũ Lão, quá trình thi công, do không đảm bảo các biện pháp an toàn nên đơn vị thi công là Công ty TNHH Thịnh Hưng (địa chỉ tại 46 Lê Huân, TP Vinh), đã khiến cho ngôi nhà của bà bị nứt toác, tách làm đôi. Thậm chí, vào khoảng 22 giờ ngày 7/8/2016, khi mọi người đang ngủ thì bất ngờ bức tường phía sau giáp với mương đang thi công đã bị đổ sụp.
“Gia đình có tất cả 6 nhân khẩu, vì không đảm bảo an toàn nên 3 đứa trẻ cùng con dâu và tôi đã phải chuyển đi chỗ khác thuê trọ, chỉ để lại đứa con trai lớn ở lại trông nhà. Phía đơn vị thi công hỗ trợ cho gia đình mỗi tháng 1 triệu đồng tiền thuê nhà nhưng gia đình tôi chưa đồng ý”, bà Lan cho biết.
Bức tường của nhà bà Võ Thị Lan bị đổ sụp vào đêm 7/8/2016 |
Tương tự, căn nhà của ông Nguyễn Đăng Long tại số 74 Phạm Ngũ Lão, bị nứt tường, tách móng và nền có dấu hiệu bị sụt lún. Cạnh đấy, nhà của ông Lê Việt Hưng, 2 tầng, mới xây dựng cách đây chưa lâu thì gian bếp đã tách ra khỏi phòng khách, chân móng tách ra khỏi hiên nhà khiến các thành viên trong gia đình luôn trong tình cảnh “sống trong sợ hãi”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong số 12 ngôi nhà bị ảnh hưởng này, phần lớn quan sát bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy, nhiều ngôi nhà bị kéo về phía sau, đơn cử như nhà của bà Võ Thị Lan, đã bị tách làm đôi. Nguyên nhân có thể là do trong quá trình thi công, nhà thầu dùng các phương tiện, thiết bị trọng tải lớn, ép cọc cừ nhưng không tính đến các biện pháp đảm bảo an toàn nên đã ảnh hưởng đến những hộ dân sống cạnh công trình.
Vì đâu nên nỗi?
Được biết, trước sự việc này, người dân khối 8, phường Cửa Nam đã có đơn khiến nghị gửi các cấp và UBND phường Cửa Nam cũng đã có báo cáo gửi UBND thành phố và chủ đầu tư. Ngày 14/9/2016, UBND TP Vinh đã thành lập Tổ công tác liên ngành tiến hành kiểm tra hiện trường. Theo kết quả kiểm tra tại hiện trường, nhà ở của các hộ dân đều xuất hiện nhiều vết nứt ngang dọc ở các bức tường xung quanh nhà. Một số nhà xuất hiện tình trạng nứt nẻ, sụt lún phần nền nhà, hoặc bị nghiêng, trôi ra phía sau.
“Nguyên nhân ảnh hưởng đến các công trình nhà ở của 12 hộ dân khối 8, phường Cửa Nam là do thi công công trình nâng cấp và cải tạo xung quanh hào Thành cổ Vinh”, đoàn kiểm tra đưa ra kết luận. Ngay sau đó, trách nhiệm bồi thường được giao cho Công ty TNHH Thịnh Hưng, là đơn vị trúng thầu và thi công hào Thành cổ Vinh đoạn qua địa bàn này.
Thông tin từ Ban Quản lý Tiểu dự án đô thị Vinh, hợp phần “Nâng cấp và cải tạo xung quanh hào Thành cổ Vinh” có tổng giá trị xây lắp là 132 tỉ đồng do liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp và Công ty TNHH Thịnh Hưng thực hiện. Trong đó, giá trị xây lắp của Công ty TNHH Thịnh Hưng chiếm khoảng 1/4 khối lượng.
Ông Nguyễn Ngọc Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lý Tiểu dự án đô thị Vinh cho biết, Ban đã nhiều lần yêu cầu Công ty TNHH Thịnh Hưng có biện pháp khắc phục những sự cố gây ra cho các hộ dân trong quá trình thi công gói thầu. Mới đây nhất, vào ngày 19/10, UBND thành phố đã chủ trì buổi làm việc với sự tham dự của các bên liên quan để giải quyết và ngày 21/10, TP Vinh đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu phía nhà thầu phải bồi thường thiệt hại cho nhân dân, nếu không thực hiện sẽ áp dụng biện pháp ngừng thanh toán.
Được biết, dự án Nâng cấp và cải tạo tuyến mương xung quanh Thành cổ Vinh theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 7/2017. Tuy nhiên, đến thời điểm này hợp phần do Công ty TNHH Thịnh Hưng đảm nhận vẫn đang ì ạch thi công, vướng mắc nhiều nơi.
Điều khiến dư luận quan tâm là một dự án quan trọng như vậy, nhưng chủ đầu tư là Ban Quản lý Tiểu dự án đô thị Vinh lại lựa chọn Công ty TNHH Thịnh Hưng thi công, một trong những nhà thầu từ trước đến nay chưa ai biết tên. Được biết, đây cũng không phải là lần đầu tiên các đơn vị thi công dự án phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án TP Vinh bị người dân “tố” làm đảo lộn cuộc sống của họ.
Trước đó, quá trình thi công dự án cải tạo Kênh Bắc do Công ty TNHH Tân Hưng (địa chỉ tại khối Yên Giang, phường Vinh Tân, TP Vinh) thi công cũng đã làm nứt nẻ, sụt lún hàng chục ngôi nhà của người dân ở khối Trung Hòa, phường Hà Huy Tập và khiến mặt đường Nguyễn Sỹ Sách bị nứt nẻ trầm trọng.
Mới đây nhất, khi gói thầu Xây dựng và nâng cấp Kênh Bắc - đoạn 2 do Công ty CPXD Tân An (địa chỉ tại xã Nghi Phú, TP Vinh) thi công vừa hoàn thiện thì bất ngờ bị lún sụt, tạo thành hố ga “tử thần” ở vị trí Ga tách GT9, tại KM 1+115 bờ trái kênh góc đường Phùng Chí Kiên giao đại lộ Lê Nin.
Từ những sự cố liên tục xảy ra đó, dư luận có quyền nghi ngờ về năng lực thực sự của nhà thầu được lựa chọn khi thi công dự án trọng điểm, đặc biệt hơn nữa dự án này lại được thực hiện từ nguồn vốn vay của WB. Và liệu đây có phải là nguyên nhân dẫn đến việc, UBND TP Vinh đã nhiều lần ra “tối hậu thư” để sẵn sàng “trảm” nhà thầu nếu không đảm bảo tiến độ đề ra? Câu trả lời xin gửi về Ban Quản lý Tiểu dự án đô thị Vinh.