Pháp luật

Thi công cầu treo Rạng (Thanh Chương, Nghệ An)

Chưa nghiệm thu đã phát sinh bất cập

07:11, 24/10/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Được xác định, sau khi “nối nhịp”, cầu treo Rạng nối xã Thanh Tiên với xã Thanh Hưng hoàn thiện mở ra nhiều kỳ vọng cho người dân xã Thanh Tiên và cả vùng Cát Ngạn. Thế nhưng, sau hơn 5 năm triển khai, công trình cầu treo Rạng ở huyện Thanh Chương chưa được bàn giao sử dụng trong khi đã bộc lộ hư hỏng, xuống cấp.

Cầu treo Rạng nối xã Thanh Tiên - Thanh Hưng, huyện Thanh Chương đã bị xuống cấp (ảnh chụp tháng 9/2016)
Cầu treo Rạng nối xã Thanh Tiên - Thanh Hưng, huyện Thanh Chương đã bị xuống cấp (ảnh chụp tháng 9/2016)

Công trình cầu treo Rạng ở huyện Thanh Chương được UBND tỉnh Nghệ An cho phép đầu tư và phê duyệt tại Quyết định 3119/QĐ.UBND.CN ngày 9/8/2011, do UBND huyện Thanh Chương làm chủ đầu tư, với quy mô cầu treo dân sinh, thiết kế bán vĩnh cữu, tần suất đảm bảo không bị ngập lũ.

Cầu có tổng mức đầu tư 17 tỉ đồng, sau điều chỉnh năm 2015 lên đến trên 40 tỉ đồng; trong đó chi phí xây lắp hơn 36 tỉ đồng từ nguồn Trung ương và huy động các nguồn hợp pháp khác. Nhà thầu thi công công trình là Công ty cổ phần Cơ điện và Xây lắp thủy lợi Nghệ An, thời hạn thi công 18 tháng. Theo thiết kế thi công được phê duyệt, cầu chịu tải trọng 2,5 tấn, đường 2 đầu cầu theo hạng đường giao thông nông thôn, nền đường rộng 5 m, mặt đường rộng 3,5 m. Giải pháp kỹ thuật chính ngoài thượng bộ, hạ bộ cầu, đường hai đầu cầu còn có nút giao với QL46.

Cuối tháng 9/2016, chúng tôi có mặt trên chiếc cầu này, chứng kiến được sự phấn khởi của người dân nơi đây bởi cầu đã được thông suốt. Tuy nhiên, người dân cho rằng, chất lượng công trình chưa được đảm bảo. Qua quan sát của phóng viên, trên công trình cầu treo Rạng ở phần mố T2 cầu trụ giữa bị nứt với mạch rộng; các khớp nối bảng cầu cũng bị nứt và ở mố neo (phía xã Thanh Tiên) cũng không đảm bảo.

Đem những phản ánh của người dân và quá trình ghi nhận được trao đổi với nhà thầu thi công, ông Trần Xuân Đông, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện và Xây lắp thủy lợi Nghệ An cho biết: Những phản ánh của người dân là có cơ sở và đã được phía Công ty tiếp thu để có giải pháp khắc phục. Mặc dù công trình đã hoàn thành và sử dụng được 2 năm nhưng đến nay chưa được nghiệm thu, bàn giao. Nguyên nhân là lĩnh vực đầu tư xây dựng có sự thay đổi trong quy định phân cấp thẩm định. Bởi trước đó với thiết kế nhịp dẫn dưới 15 m nhưng Thông tư hướng dẫn mới quy định thì công trình này (nhịp L= 20m - P.V) nên thuộc quyền thẩm định của Tổng cục Đường bộ.

“Một công trình dù chưa nghiệm thu bàn giao nhưng sau 2 năm có sự biến dạng như phản ánh là điều dễ xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, lý do khách quan là do việc khảo sát địa chất ban đầu chưa đến nơi đến chốn nên mới gặp phải. Trước sự việc này, chúng tôi cũng đã báo cáo với các bên liên quan, ngay cả việc chủ đầu tư hiện đang nợ nhà thầu thi công gần 7 tỉ đồng”, ông Đông lý giải thêm.

Trong khi đó, ông Lê Minh Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng - đại diện phía chủ đầu tư là UBND huyện Thanh Chương, lại cho rằng: Tôi mới lên nhận vị trí này nên không nắm rõ. Thế nhưng khi chúng tôi hỏi cơ quan chức năng và trách nhiệm của Ban đối với việc thay mặt chủ đầu tư trong thi công công trình là gì thì ông Hải mới biện hộ: “Sắp tới phía Cục Quản lý xây dựng đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ vào kiểm tra hiện trường công tác nghiệm thu, sau đó có kết luận cụ thể cho các bên chúng tôi mới biết trách nhiệm thuộc về ai?”.

Xuân Thống

Các tin khác