Pháp luật

Báo động sự gia tăng các cơ sở dễ phát sinh tệ nạn mại dâm

09:22, 23/10/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Tệ nạn mại dâm đã và đang gây ra nhiều hệ lụy lâu dài cho xã hội. Với xu hướng phát triển mạnh của các cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí (karaoke, khách sạn, nhà nghỉ…) như hiện nay, Nghệ An tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng các đối tượng phạm tội liên quan đến tệ nạn này và nếu không quan tâm giải quyết thì sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với tình hình ANTT trên địa bàn và tác động xấu tới quá trình phát triển KT-XH của địa phương.

Sự gia tăng các cơ sở kinh doanh dịch vụ trá hình liên quan đến mại dâm tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nhiều loại tội phạm và tệ nạn xã hội
Sự gia tăng các cơ sở kinh doanh dịch vụ trá hình liên quan đến mại dâm tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nhiều loại tội phạm và tệ nạn xã hội

Diễn biến phức tạp

Trên thực tế, một trong nhiều hệ lụy đáng lưu tâm của tệ nạn mại dâm là việc gia tăng loại tội phạm như tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên.

8 tháng đầu năm, tình hình mại dâm và tội phạm có liên quan đến mại dâm trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp và có sự gia tăng với nhiều hình thức mại dâm biến tướng, “chuyên nghiệp” như: Du lịch tình dục, mại dâm đồng tính, môi giới mại dâm thông qua các trang mạng xã hội, người chuyển giới bán dâm…

Từ đầu năm đến nay, đã có thêm 28.677 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm được thống kê, nâng tổng số cơ sở thuộc loại hình này lên hơn 126.000 cơ sở với gần 100.000 nữ nhân viên làm việc có nguy cơ cao nếu không được quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên.

Cùng với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…, Nghệ An là một trong những địa phương có tụ điểm, địa bàn phức tạp liên quan đến tệ nạn này. Theo đó, các mô hình kinh doanh dịch vụ khép kín (nhà hàng - khách sạn - karaoke) ngày càng phổ biến, tập trung ở TP Vinh.

Điều 25, Nghị định 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội… quy định:

1. Phạt tiền từ 15.000.000 - 20.000.000 đồng đối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ do thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm ở cơ sở do mình quản lý.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh.

3. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh trong thời hạn từ 6 - 12 tháng.

Qua khảo sát, tính đến cuối tháng 8/2016, trên địa bàn tỉnh có 6.690 cơ sở làm nghề kinh doanh dịch vụ, với 8.954 người phục vụ, 13 chủ chứa, 68 đối tượng môi giới mại dâm, 70 người bán dâm có hồ sơ quản lý, 332 đối tượng nghi có hoạt động bán dâm (trong đó có 3 đối tượng nam giới). Điều đáng lưu tâm là có tới 90 cơ sở nghi có hoạt động mại dâm.

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan chức năng và toàn xã hội, tệ nạn này đã từng bước “hạ nhiệt”; tuy nhiên, với gần 1.000 khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở massage, quán karaoke, quán bar hoạt động trên địa bàn, trong thời gian tới, mối lo về sự gia tăng và diễn biến phức tạp của tệ nạn này vẫn luôn hiện hữu, nhất là trong bối cảnh du lịch tỉnh nhà đang trên đà phát triển như hiện nay.

6 tháng đầu năm, Công an tỉnh và Công an các huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức nhiều đợt truy quét, triệt phá nhiều ổ nhóm, đường dây hoạt động mại dâm có tổ chức; qua đó phát hiện, bắt 28 vụ, 68 đối tượng… Điều đáng nói là, việc gia tăng các đường dây, đối tượng mua bán ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán người (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái) tại một số địa phương cũng liên quan chặt chẽ đến tệ nạn mại dâm. Theo thống kê, có tới 60% người nhiễm HIV là gái mại dâm nghiện ma tuý.

Tình trạng các đối tượng mua, bán dâm sử dụng ma túy đá và các chất gây nghiện khác cũng có xu hướng tăng. Theo Chi cục Phòng. chống tệ nạn xã hội tỉnh, một trong những nguyên nhân khiến các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm là do đơn vị chỉ chịu trách nhiệm kiểm tra nhưng không có thẩm quyền xử phạt, dẫn tới hiệu quả của công tác phòng ngừa chưa cao.

Kiểm soát chặt chẽ

Xét về mặt xã hội, những người làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh nạn mại dâm là nhóm người dễ bị tổn thương (bị ngược đãi, bạo lực, bị chà đạp nhân phẩm, bị bóc lột, lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục, phân biệt đối xử, không tiếp cận được các dịch vụ y tế, xã hội).

Để phòng, chống tệ nạn mại dâm, thời gian tới, theo Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, các tỉnh, thành phố có số lượng lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn này sẽ được lựa chọn thí điểm thực hiện mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động làm việc tại các cơ sở "nhạy cảm" này.

Theo đó, họ sẽ được ký hợp đồng lao động và hưởng lương đầy đủ chứ không phải ký hợp đồng lao động theo hình thức như hiện nay; đồng thời được bảo vệ khỏi bị bóc lột, được hưởng các chế độ BHXH và được chăm sóc sức khỏe về y tế.

Cuộc chiến phòng, chống tệ nạn mại dâm vẫn còn lắm gian nan, phức tạp khi mà số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng và khó kiểm soát hoạt động như hiện nay. Từ thực trạng trên, để đưa loại hình kinh doanh này từng bước đi vào khuôn khổ pháp luật, cần nhiều hơn nữa sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành và mỗi người dân trong việc tố giác các hành vi, địa chỉ liên quan đến môi giới và tổ chức hoạt động mại dâm với cơ quan chức năng. Thực hiện tốt việc làm trên là một trong những hành động thiết thực nhất góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn và đẩy lùi căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS khỏi cộng đồng.

Hồng Hạnh

Các tin khác