Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201610/tai-huyen-quy-hop-tinh-nghe-an-bai-rac-5-nam-dap-chieu-vi-vuong-mot-ho-dan-704109/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201610/tai-huyen-quy-hop-tinh-nghe-an-bai-rac-5-nam-dap-chieu-vi-vuong-mot-ho-dan-704109/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bãi rác 5 năm 'đắp chiếu' vì vướng… một hộ dân - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 16/10/2016, 08:46 [GMT+7]
Tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An

Bãi rác 5 năm 'đắp chiếu' vì vướng… một hộ dân

(Congannghean.vn)-Trong suốt 5 năm qua, dù đã được phê duyệt kế hoạch, các cấp chính quyền quyết liệt trong việc triển khai để giải quyết “bài toán” ứ đọng rác thải trên địa bàn, song đến nay, dự án hàng chục tỉ đồng này mới hoàn thiện được phần đường. Nguyên nhân chỉ vì một hộ dân nhận khoán đất do lâm trường quản lý, dù đã hết hiệu lực hợp đồng nhưng đến nay vẫn chưa thể thanh lý.

Thi công bãi rác 5 năm,  mới xong phần đường

Sau 5 năm triển khai, mới hoàn thiện xong phần đường dẫn vào bãi rác
Sau 5 năm triển khai, mới hoàn thiện xong phần đường dẫn vào bãi rác

Nhằm giải “bài toán” rác thải ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn, ngày 13/10/2010, UBND huyện Quỳ Hợp có Quyết định 2446 về việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công và dự toán xây dựng Dự án “bãi xử lý rác thải thị trấn Quỳ Hợp và vùng phụ cận xã Thọ Hợp”.

Theo đó, bãi rác thải này có diện tích 6,5 ha, do UBND huyện Quỳ Hợp làm chủ đầu tư. Thiết kế công trình bao gồm các hạng mục chôn lấp, hệ thống thu gom và xử lý rác thải, hệ thống thoát nước khí thải, đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa và các công trình phụ trợ. Tổng mức đầu tư theo dự toán ban đầu là hơn 31,3 tỉ đồng. Ngày 30/12/2010, UBND tỉnh có Quyết định 6413 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án. Đến ngày 19/1/2011, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định 193/QĐ-UBND phê duyệt Dự án.

Tiếp đó, ngày 11/5/2011, UBND huyện Quỳ Hợp có Tờ trình số 103 gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An với nội dung đề nghị thu hồi 5,1 ha đất lâm nghiệp thuộc quản lý và sử dụng của Lâm trường Quỳ Hợp để chủ đầu tư thực hiện Dự án xây dựng bãi xử lý rác thải tại vị trí Khoảnh 1, Tiểu khu 294 tại Thung Khặng, xã Thọ Hợp.

Ngày 9/5/2011, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sông Hiếu (Công ty quản lý Lâm trường Quỳ Hợp) đã có công văn trả lại 5,1 ha đất lâm nghiệp của Lâm trường tại Thung Khặng đề làm Dự án và đề nghị này đã được Sở NN&PTNT chấp thuận tại Công văn 1401 ngày 28/6/2011.

Ngay sau khi UBND tỉnh có quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang xây dựng bãi rác, huyện Quỳ Hợp đã gấp rút triển khai việc giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến hành kiểm đếm, chi trả tiền đền bù cho 16 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 7 hộ ảnh hưởng trực tiếp.   

Quá trình triển khai, có 6 hộ dân đã đồng ý nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng, riêng hộ ông Ngô Sỹ Toản trú tại xóm 7 Thung Khặng không chấp nhận mức giá đền bù nên Dự án kéo dài suốt 5 năm qua. Thậm chí, quá trình sau đó còn phát sinh thêm hộ bà Nguyễn Thị Xuân cũng kê khai để yêu cầu Ban bồi thường GPMB của huyện phải chi trả đền bù đất và tài sản trên đất.

Về việc xác minh nguồn gốc của 5,1 ha đất bị thu hồi để làm Dự án này, theo Công văn số 98 ngày 12/5/2012 của Lâm trường Quỳ Hợp, diện tích mà huyện thu hồi để làm Dự án xử lý rác thải, được Lâm trường Quỳ Hợp quản lý, sử dụng và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước từ năm 1963 đến nay và được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2003. Năm 1993, Lâm trường thầu khoán bảo vệ, chăm sóc, thu hoạch cà phê trên diện tích 7 ha với ông Ngô Sỹ Toản (hợp đồng số 4 ngày 20/7/1993) và đến năm 1999, theo đề nghị của ông này, Lâm trường ký tiếp phụ lục hợp đồng đến năm 2010. Tuy nhiên, theo đại diện Lâm trường, từ khi ký hợp đồng đến nay, ông Toản không thực hiện các khoản nghĩa vụ liên quan nên Lâm trường đã yêu cầu thanh lý hợp đồng.

Năm 2005 và 2006, Lâm trường đã 4 lần đề nghị nhưng ông Toản không hợp tác, thậm chí ông này còn trồng cây keo là loại cây không đúng mục đích lên phần đất nhận khoán, dù Lâm trường đã đình chỉ. Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Lâm trường Quỳ Hợp khẳng định, diện tích mà ông Ngô Sỹ Toản nhận thầu khoán, bảo vệ là thuộc quyền quản lý của Lâm trường.

Sau nhiều lần tiến hành giải quyết nhưng không có kết quả, đến ngày 1/6/2016, Lâm trường Quỳ Hợp đã có thông báo về việc chấm dứt hợp đồng khoán thầu, bảo vệ, chăm sóc tại Tiểu khu 294 giữa Lâm trường với ông Ngô Sỹ Toản vì lý do, trong thời gian nhận khoán, ông Toản đã có các vi phạm hợp đồng.

Cụ thể, ông này đã trồng cây keo không phải là cây nông nghiệp và công nghiệp theo các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Liên tiếp trong các ngày từ 22 - 31/3/2016, ông Toản đã đưa người và máy đến Tiểu khu 294 chặt phá 112 cây trẩu trong tổng số 276 cây mà ông nhận khoán, ước tính thiệt hại trên 20 triệu đồng. Trên thực tế, hợp đồng kinh tế này đã hết hiệu lực từ năm 2010, thế nhưng đến nay ông Toản vẫn không hợp tác trong việc chấm dứt hợp đồng với Lâm trường Quỳ Hợp.

Quá trình thực hiện việc bồi thường, GPMB đã xảy ra một số vướng mắc, trong đó theo ý kiến của Lâm trường Quỳ Hợp là quá trình thực hiện, việc thống kê, thẩm tra tài sản trên tuyến đường vào bãi rác, Hội đồng bồi thường GPMB huyện không thông báo cho Lâm trường biết để phối hợp. Khi Dự án giải ngân (phát tiền) bồi thường cho nhân dân xã Thọ Hợp thì Lâm trường mới biết thông tin.

Qua kiểm tra, đối chiếu, Lâm trường xác định trên đất Lâm trường đang quản lý có một số hộ dân được bồi thường cây cối (cây trẩu và cây tếch) trồng theo chương trình dự án 327 từ năm 1996 và diện tích rừng trồng keo liên doanh giữa Lâm trường với người dân (tỉ lệ 51% và 49%). Thực tế, số tài sản này là tài sản của Lâm trường, người dân chỉ nhận thầu khoán, chăm sóc và bảo vệ. Thậm chí, trong 8 hộ dân được nhận tiền này, có một hộ danh sách bồi thường lại ghi tên khác.

Hiện nay, rác thải đang quá tải trên địa bàn Quỳ Hợp
Hiện nay, rác thải đang quá tải trên địa bàn Quỳ Hợp

Vướng mắc chỉ một hộ dân

Bẵng đi một thời gian bị “đắp chiếu”, đến ngày 3/6/2016, UBND huyện Quỳ Hợp đã có quyết định điều chỉnh phê duyệt phương án bồi thường GPMB đối với Dự án này, với số tiền bồi thường được điều chỉnh mới là gần 333 triệu đồng. Tuy nhiên, “thành quả” sau 5 năm nỗ lực triển khai, là cho đến nay, công trình bãi xử lý rác thải tại Thung Khặng mới làm xong tuyến đường dài hơn 3,6 km, còn hệ thống đường điện vẫn đang thi công.

Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp cho biết: Đất là do các hộ dân sử dụng, nhưng nguồn gốc lại nhận khoán trên đất của Lâm trường đang quản lý. Do đó, quá trình bồi thường, người dân cho rằng đất sử dụng lâu dài không có tranh chấp, phải được bồi thường 100% trong khi trên thực tế chỉ nhận được 40%, nên còn vướng mắc.

Ông Trương Văn Nam, Giám đốc Ban quản lý Dự án xây dựng cơ bản huyện Quỳ Hợp cho biết: Dự án đã kéo dài từ nhiều năm qua đến nay vẫn chưa triển khai được là do phía Lâm trường Quỳ Hợp không triển khai quyết liệt việc chấm dứt hợp đồng với ông Ngô Sỹ Toản. Về phía UBND huyện Quỳ Hợp, dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc nhưng sự việc vẫn đang “dậm chân tại chỗ”. Mới đây nhất, vào ngày 6/9/2016, huyện đã có văn bản chỉ đạo, giao Lâm trường thời hạn 10 ngày phải chấm dứt hợp đồng, báo cáo bằng văn bản nhưng vẫn chưa thấy báo cáo.

Cũng theo ông Nam, ngay từ khi có phương án bồi thường dự án, Ban quản lý đã chuyển tiền cho Hội đồng bồi thường GPMB (từ năm 2012) nhưng từ đó đến nay vẫn chưa tiến hành chi trả, mặc dù Dự án đã 2 lần điều chỉnh và lần điều chỉnh mới đây nhất là gia hạn đến ngày 31/12/2016. Vướng mắc chủ yếu còn lại là từ gia đình ông Ngô Sỹ Toản, còn các hộ dân khác đã thống nhất phương án đền bù. Đây là phần đất giao khoán của Lâm trường, song ông Toản lại yêu cầu đền bù theo giá đất của cá nhân.

Ngoài ra, quá trình nhận khoán, ông Toản còn tự ý chia cho chị vợ của mình là bà Nguyễn Thị Xuân, nay bà Xuân khai báo để nhận đền bù là không có cơ sở để giải quyết.

Hiện nay, rác thải trên địa bàn thị trấn Quỳ Hợp và vùng phụ cận đã quá tải, do không có bãi xử lý, tập kết rác thải tập trung nên từ nhiều năm qua, người dân phải sống chung với ô nhiễm, đối mặt với nguy cơ bệnh tật.

.

Thiên Thảo

.