Pháp luật

Tại dự án kênh tiêu hồ chứa nước bản Mồng

Có hợp thức hóa việc bán đất 'chui'?

11:45, 28/05/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Quá trình thi công kênh tiêu nước qua địa bàn xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An thuộc dự án hồ chứa nước bản Mồng (Quỳ Hợp), 2 đơn vị thi công là Công ty 36.20 và Công ty 36.32 thuộc Tổng Công ty 36 Bộ Quốc phòng đã gặp phải sự phản ứng của người dân tại đây vì bán đất “chui” cho các hộ dân.

Ngoài ra, việc hợp đồng với nhiều nhà xe bên ngoài chạy công trình đã gây ra tình trạng quá khổ, quá tải, dẫn đến tình trạng đất rơi vãi, bụi công trình, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Nhiều xe dân sự mang logo Công ty 36 Bộ Quốc phòng “ăn đất” tại công trường
Nhiều xe dân sự mang logo Công ty 36 Bộ Quốc phòng “ăn đất” tại công trường

Thi công dự án “hành” dân

Hồ chứa nước bản Mồng là công trình thủy lợi được Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 4,5 nghìn tỉ đồng. Công trình được xây dựng trên địa bàn 2 xã Châu Bình (Quỳ Châu) và Yên Hợp (Quỳ Hợp). Trong đó, hạng mục đập phụ, kênh tiêu thông hồ và kênh tiêu Châu Bình thuộc dự án hồ chứa nước Bản Mồng nằm trên địa bàn xã Châu Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 9/10/2012 với tổng mức đầu tư 756 tỉ đồng.

Năm 2014, hạng mục này được Bộ NN&PTNT phân bổ nguồn vốn 138,35 tỉ đồng, giai đoạn 2014 - 2016 phân bổ tiếp 600 tỉ đồng. Ngày 12/10/2014, các hạng mục này được khởi công, đơn vị thi công là Công ty 36.20 và Công ty 36.32 thuộc Tổng Công ty 36 Bộ Quốc phòng.

Trước đây, công trình này do Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 làm chủ đầu tư, sau này được chuyển giao cho Ban quản lý dự án bản Mồng, thuộc Sở NN&PTNT Nghệ An.

Theo phản ánh của nhân dân tại xã Châu Bình, từ khi thi công các hạng mục trên địa bàn xã, đơn vị thi công đã không tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường; đặc biệt là đã lén lút bán đất cho người dân sau khi lấy từ công trình mà theo nguyên tắc, phần đất này phải được đổ tại khu vực bãi thải số 3, số 6 và 7 đã quy hoạch trước đó.

Ngoài ra, quá trình thi công, chở đất đi đổ, nhiều xe chở khối lượng đất quá mức quy định, gây hư hỏng đường và làm rơi vãi vật liệu, khiến nhân dân sống hai bên Quốc lộ 48A đoạn thi công khốn khổ vì bụi.

Ngày 18/5, phóng viên đã có mặt tại công trường này, qua tìm hiểu nhận thấy phản ánh của người dân là có cơ sở. Tại khu vực thi công, nhiều xe ôtô tải hiệu Howo biển trắng, có dán logo của Công ty 36 chở đất vượt trần, không được che chắn cẩn thận nối đuôi nhau “ăn hàng” tại công trường. Từ sáng đến tối, dù nắng to, bụi phủ trắng cây hai bên đường nhưng lại không có bất cứ xe tưới nước nào đi tưới đường theo như cam kết.

Đặc biệt, tại khu vực thi công kênh tiêu thông hồ do Công ty 36.32 thực hiện, chúng tôi bắt gặp xe tải mang số hiệu CA1089 đang đổ đất ngay trước sân nhà văn hóa của xóm, cách công trường khoảng 200 m.

Chỉ 5 phút sau, có thêm một chiếc xe khác chuẩn bị đổ đất, nhưng khi phát hiện sự có mặt của phóng viên, một công nhân từ công trường đã nhanh chóng chạy đến, ra hiệu xe ngừng đổ để tránh bị ghi hình.

Đổ đất ngay trước nhà văn hóa của xóm
Đổ đất ngay trước nhà văn hóa của xóm

Ngoài ra, có thể kể đến nhiều xe dân sự nhưng dán logo của Công ty 36 có dấu hiệu quá khổ, quá tải như các xe BKS: 35C-049.72, 37C-0915, 37C-163.84, 37N-0986... Chị Lương Thị N., một người dân ở xã Châu Bình cho biết: Người dân nếu có nhu cầu sẽ được mua đất lấy từ công trình với mức giá dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/xe.

Khó kiểm soát

Ông Lương Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Châu Bình xác nhận: Thời gian qua, trong quá trình thi công, có một số phản ánh, đề xuất của nhân dân liên quan đến đời sống dân sinh, đặc biệt là vấn đề môi trường. Sau khi làm việc với đơn vị thi công, đơn vị đã cam kết dùng xe tưới nước để phun nước trên Quốc lộ 48A nhằm giảm thiểu bụi bặm.

Về vấn đề bán đất cho dân, ông Đại cho biết, chỉ san lấp ở những chỗ đất trũng và diện tích cũng như vị trí đổ đất đã được chủ đầu tư là Sở NN&PTNT đến kiểm tra và cho phép.

Theo đó, diện tích đất được đổ trên địa bàn xã Châu Bình, ngoài các bãi thải đã quy hoạch là 18 ha, đây là phần đất nông nghiệp nhưng thuộc vùng trũng, sau khi dự án đi vào hoạt động không thể lấy nước để làm ruộng nên đổ đất để chuyển đổi cây trồng?

Làm việc với đại diện đơn vị thi công, anh Nguyễn Việt Hùng, Chỉ huy trưởng công trình Công ty 36.20 phủ nhận chuyện bán đất từ phía Công ty. Tuy nhiên, anh này cũng cho biết thêm, hạng mục tại xã Châu Bình do 2 đơn vị của Tổng Công ty 36 thi công nên rất khó phân biệt. Ngoài ra, do cả hai đơn vị đều ký hợp đồng với xe dân sự thực hiện nên cũng rất khó kiểm soát.

Anh Hùng cũng cho biết, có duy nhất một lần phía Công ty phát hiện việc các xe ngoài đổ đất không đúng quy định nên đã yêu cầu tiến hành bốc dỡ khỏi hiện trường. Trong khi đó, đại diện Thanh tra giao thông Nghệ An cho biết thêm, việc xe công trình đổ đất sai quy định và có dấu hiệu quá khổ, quá tải “nhộn nhạo” nhất là vào thời gian đầu mới thi công. Thanh tra giao thông đã nhiều lần làm việc với Công ty và UBND huyện để bàn giải pháp xử lý nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục triệt để.

Thiện Thành

Các tin khác