(Congannghean.vn)-Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, mùa hè năm 2016 sẽ có nhiều đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất có thể lên tới trên 400 C. Các khu rừng trong toàn tỉnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ cháy cao.
Các vụ cháy rừng xảy ra sẽ dẫn tới thiệt hại lớn về kinh tế, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, để chủ động ngăn ngừa nguy cơ cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản, bên cạnh sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan chức năng, cần nâng cao ý thức phòng, chống cháy rừng của người dân.
Cần tăng cường công tác quản lý để phòng chống cháy rừng |
Năm 2015, so với các địa phương khác trong toàn tỉnh, Nam Đàn là huyện xảy ra nhiều vụ cháy rừng với gần 10 vụ lớn, nhỏ. Đây là huyện có diện tích rừng thông lớn, các loại thực bì dưới tán rừng khô dày, rất dễ bén lửa và tốc độ cháy lan nhanh, tạo ra những đám cháy lớn và gây nhiều khó khăn trong công tác chữa cháy.
Khi các vụ cháy rừng xảy ra, các địa phương đã huy động nhiều lực lượng như: Quân sự, kiểm lâm, chủ rừng, dân quân tự vệ, Công an, biên phòng và người dân địa phương tham gia chữa cháy. Bên cạnh thiệt hại lớn về kinh tế, các vụ cháy rừng còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đặc biệt, các vụ cháy rừng xảy ra liên tiếp trên diện rộng đã ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của những người trực tiếp tham gia chữa cháy và người dân các địa phương sinh sống gần khu vực bị cháy.
Có thể nói, yếu tố thời tiết là một trong những tác nhân chính gây ra các vụ cháy rừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không thể không đề cập tới nguyên nhân chủ quan xuất phát từ ý thức phòng, chống cháy rừng của người dân.
Mặc dù hàng năm, người dân sinh sống tại các địa bàn gần khu vực rừng đã được tuyên truyền, tập huấn về công tác phòng, chống cháy rừng nhưng người dân ở một số nơi vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Giữa lúc thời tiết nắng nóng, gió phơn Tây Nam thổi mạnh, một số người dân vẫn “vô tư” vào rừng đốt thực bì, khiến nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao.
Trong khoảng 2 năm qua, Nghệ An hiếm khi xảy ra những vụ cháy rừng lớn trên diện rộng, điều này đã tạo ra tâm lý chủ quan trong công tác phòng, chống cháy rừng ở các địa phương.
Mỗi khi có sự cố cháy rừng xảy ra, sự phối hợp trong công tác chữa cháy giữa các lực lượng chức năng và người dân chưa thực sự đồng bộ, nhất quán; các bên còn bị động, chưa lường trước các tình huống có thể xảy ra nên thường phải mất thời gian tương đối dài, ngọn lửa mới được khống chế. Mặt khác, công tác giao đất khoán rừng còn một số bất cập, chưa giải quyết triệt để các mâu thuẫn trong nhân dân nên vẫn tiềm ẩn hành vi đốt rừng.
Theo thông báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn, mùa hè năm 2016 có khả năng sẽ xuất hiện nhiều đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Do đó, để đảm bảo công tác phòng, chống cháy rừng, các ngành chức năng, trong đó đứng đầu là lực lượng kiểm lâm cần thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng ở các địa phương; đầu tư trang thiết bị phục vụ chữa cháy; lên phương án phòng, chống cháy rừng sát với tình hình thực tế theo phương châm “4 tại chỗ” để khi xảy ra cháy không bị động, bất ngờ và dập tắt đám cháy trong thời gian ngắn nhất.
Với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng về công tác phòng, chống cháy rừng, thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, cần nhanh chóng điều tra, khởi tố, nhằm kịp thời răn đe và giáo dục phòng ngừa.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương, điều quan trọng hơn cả là mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng, tránh để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.