Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201601/trang-bi-phuong-tien-pccc-tren-xe-oto-nhu-the-nao-656786/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201601/trang-bi-phuong-tien-pccc-tren-xe-oto-nhu-the-nao-656786/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Trang bị phương tiện PCCC trên xe ôtô như thế nào? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 12/01/2016, 08:39 [GMT+7]

Trang bị phương tiện PCCC trên xe ôtô như thế nào?

(Congannghean.vn)-Những ngày vừa qua, dư luận cả nước đang hướng sự quan tâm tới việc, Bộ Công an ban hành Thông tư 57/2015/TT-BCA về việc trang bị phương tiện PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ ngày 6/1/2016. Việc ban hành Thông tư 57 là phù hợp và đúng quy định, nhất là trong bối cảnh phương tiện giao thông ngày càng tăng nhanh về số lượng như hiện nay.

Bắt đầu từ ngày 6/1, Thông tư 57 quy định về việc bắt buộc phải trang bị phương tiện PCCC trên xe ôtô bắt đầu có hiệu lực. Đối tượng áp dụng là ôtô từ 4 chỗ trở lên, rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc chở khách được kéo bởi xe ôtô, máy kéo; xe vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ. Nếu không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới đối với xe ôtô từ 4 chỗ trở lên, sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng và từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng nếu không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng đối với phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ theo quy định.

Thông tư 57 ra đời xuất phát từ thực tế trong thời gian qua xảy ra rất nhiều vụ cháy nổ liên quan đến ôtô, xe máy nhưng vì không có phương tiện cứu chữa kịp thời nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê, từ năm 2011 đến nay, cả nước xảy ra 600 vụ cháy nổ liên quan đến phương tiện giao thông, trong đó chỉ tính từ năm 2014 đến nay, xảy ra 253 vụ. Việc ban hành Thông tư 57 xuất phát từ thực tế hiện nay, cả nước có trên 2,6 triệu ôtô đang lưu hành nhưng nhiều chủ phương tiện lại coi nhẹ việc trang bị phương tiện PCCC cho xe.

Cảnh sát PC&CC phối hợp với CSGT tuyên truyền, nhắc nhở lái xe trang bị thiết bị PCCC trên xe ôtô (Ảnh: MH)
Cảnh sát PC&CC phối hợp với CSGT tuyên truyền, nhắc nhở lái xe trang bị thiết bị PCCC trên xe ôtô (Ảnh: MH)

Điều 50, Luật PCCC năm 2001 cũng đã quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tự trang bị phương tiện PCCC cho cơ sở, các loại rừng, phương tiện giao thông cơ giới thuộc phạm vi quản lý của mình”. Khoản 1, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC quy định: “Phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên, phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải có phương tiện chữa cháy phù hợp”.

Về độ an toàn của bình chữa cháy khi đặt trên xe ôtô, trên thực tế, bình chữa cháy có thể nổ nhưng chỉ trong trường hợp khi áp suất trong bình tăng quá cao vì van của bình bị hỏng, không còn khả năng điều áp cho bình. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Cảnh sát PC&CC chưa chính thức ghi nhận một vụ nổ bình chữa cháy nào xảy ra bên trong xe ôtô và các phương tiện giao thông cơ giới khác. Bình chữa cháy trang bị trên xe ôtô phải được để ở nơi dễ thấy, dễ lấy như gần vị trí của lái xe hoặc hốc cánh cửa xe, dưới gầm ghế hoặc đằng sau ghế.

Đại tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng Cảnh sát CSGT đường bộ, đường sắt Công an Nghệ An cho biết: Để Thông tư 57 của Bộ Công an đi vào cuộc sống, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, trong những ngày đầu kể từ khi Thông tư có hiệu lực, lực lượng CSGT đã phối hợp với Cảnh sát PC&CC tiến hành kiểm tra kết hợp với tuyên truyền, nhắc nhở chứ chưa có hình thức xử phạt đối với các chủ phương tiện chưa kịp trang bị thiết bị PCCC. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Cục CSGT, trong lúc làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT tuyệt đối không được dừng phương tiện chỉ để kiểm tra thiết bị PCCC của phương tiện.

Theo quan sát của phóng viên tại TP Vinh (Nghệ An), từ sau khi Thông tư 57 có hiệu lực, nhiều cửa hàng đã kinh doanh các loại bình cứu hỏa, đặc biệt là loại bình chữa cháy dưới 4 kg (bình bột) và dung tích dưới 5 lít đối với bình bọt. Mặc dù vậy, lượng khách hàng được dự đoán là sẽ đổ xô đi mua bình cứu hỏa để tránh bị phạt chưa nhiều, thậm chí nhiều chủ phương tiện vẫn còn thờ ơ với việc trang bị phương tiện PCCC trên xe ôtô.

Thượng tá Nguyễn Cảnh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy PC&CC, Cảnh sát PC&CC Nghệ An cho rằng, việc trang bị phương tiện PCCC trên các phương tiện vận tải là việc làm cần thiết và phù hợp với thực tế hiện nay. Qua khảo sát ban đầu cho thấy, hầu hết cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải đã thể hiện sự đồng tình với quy định này. Thời gian tới, Cảnh sát PC&CC Nghệ An sẽ phối hợp với lực lượng CSGT các địa phương tiến hành kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt nghiêm các cá nhân, tổ chức cố tình không thực hiện quy định này. Qua đó, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các phương tiện lưu thông trên đường, đồng thời kịp thời xử lý các sự cố cháy, nổ xảy ra trên xe ôtô.

.

Thiện Thành

.