(Congannghean.vn)-Từ ngày 1/7/2016, Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 sẽ có hiệu lực thi hành với điều khoản sửa đổi theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn. Trước đó, từ ngày 18/12/2015, các bộ luật này đã được công bố và một số nội dung đã được thực hiện. Báo Công an Nghệ An xin trích dẫn một số điểm mới của 2 bộ luật này.
Bộ luật Hình sự 2015 đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi sửa đổi và thông qua |
Theo các Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật Hình sự 2015 và Nghị quyết 110/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015 thì kể từ ngày 1/7/2016, Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 sẽ có hiệu lực thi hành. Trong đó, tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, đối với các điều khoản mà Bộ luật Hình sự 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những người phạm tội xảy ra trước thời điểm nói trên mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.
Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 27/11/2015 gồm 26 chương, 426 điều. Bộ luật Hình sự năm 2015 có những điểm mới cơ bản sau: Bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm các tội trong lĩnh vực kinh tế, môi trường; hoàn thiện chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi; thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng các tội danh cụ thể trong lĩnh vực quản lý kinh tế; nội luật hóa các quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bộ luật Hình sự năm 2015 bãi bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm, đồng thời mở rộng đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình. Cụ thể, bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội gồm: Cướp tài sản; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch. Ngoài ra, bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Tội phạm mới được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 bao gồm: Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147); tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154); tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (Điều 167); tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 187); tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212); tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215); tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216); tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Điều 217); tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218).
Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224); tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230); tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234); tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238); tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng, cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285).
Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291); tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292); tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 293); tội cố ý gây nhiễu có hại (Điều 294); tội cưỡng bức lao động (Điều 297); tội bắt cóc con tin (Điều 301); tội cướp biển (Điều 302); tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật (Điều 336); tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (Điều 348); tội vi phạm quy định về giam giữ (Điều 388); tội gây rối trật tự phiên tòa (Điều 391); tội ra mệnh lệnh trái pháp luật (Điều 393) và tội chiếm đoạt hoặc huỷ hoại di vật của tử sỹ (Điều 418).
(còn nữa)