Pháp luật

Lái taxi, xe ôm xuyên đêm: Nghề nguy hiểm

08:02, 29/01/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Được xem là loại hình kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, những người lái xe taxi và xe ôm thường trở thành mục tiêu mà tội phạm nhắm đến, đặc biệt là những người hành nghề vào ban đêm. Trên thực tế, đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến loại hình dịch vụ này, song vì mưu sinh, nhiều người dù biết hiểm nguy rình rập nhưng vẫn phải “nhắm mắt làm liều”.

Hiểm nguy rình rập từ những chuyến xe đêm

Những ngày vừa qua, người dân tại khối 8, phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An và người thân của anh Nguyễn Anh Tuấn (39 tuổi) - nạn nhân bị sát hại dã man trong vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra trên địa bàn xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh cách đây chưa lâu đã đến động viên, chia sẻ với vợ con anh. Sự việc tài xế này bị sát hại trong đêm khiến không ít tài xế taxi của Công ty CP Vận tải Vạn Xuân nói riêng và các hãng taxi khác nói chung không khỏi hoang mang, lo lắng.

Chị Đặng Thị Quỳnh (35 tuổi), vợ nạn nhân cho biết: Anh Tuấn là nhân viên lái xe của hãng taxi Vạn Xuân đã hơn một năm nay, mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Do đặc thù của công việc nên anh thường xuyên vắng nhà. Đêm 13/1 cũng vậy, thế nhưng, chị và các con không ngờ rằng đó là buổi tối định mệnh của gia đình.

 Người nhà của tài xế taxi Nguyễn Anh Tuấn đau đớn trước việc người thân bị sát hại
Người nhà của tài xế taxi Nguyễn Anh Tuấn đau đớn trước việc người thân bị sát hại

Khi anh Tuấn đang đón khách ở khách sạn Phương Đông (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) thì Nguyễn Xuân Lĩnh (27 tuổi) trú tại TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh - kẻ từng có một tiền án về tội cướp tài sản, vốn có ý định giết người, cướp của nên đã giấu con dao trong người, lừa anh Tuấn chở về TX Hồng Lĩnh, sau đó lên huyện Đức Thọ rồi ra tay sát hại anh này để cướp xe taxi. Tuy nhiên, khi đang trên đường lái xe bỏ trốn, chiếc taxi bị nổ lốp và ngay sau đó, tên sát nhân này đã sa lưới pháp luật. Rồi đây, hắn sẽ phải trả giá đắt trước pháp luật, song nỗi đau mà hắn gây ra cho gia đình anh Tuấn - chị Quỳnh thì không có gì bù đắp nổi. Anh Tuấn ra đi để lại cho người vợ đáng thương 2 đứa con còn nhỏ, trong đó 1 cháu học lớp 8 và cháu còn lại mới lên lớp 3.

Trước đó, tài xế Nguyễn Duy Tuấn (30 tuổi) trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, đón khách lúc 2 giờ tại ngã ba Xuân An, tỉnh Hà Tĩnh về Khu công nghiệp Đông Vĩnh cũng bị 3 đối tượng dùng dao khống chế, ép anh chạy xe lên huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An rồi lục soát để cướp tài sản. Băng nhóm này hoạt động hết sức chuyên nghiệp. Thủ đoạn của chúng là gọi xe taxi lúc nửa đêm rồi điều đến chỗ vắng vẻ để “ra tay”. Chỉ trong vòng một tháng, băng nhóm này đã gây ra 4 vụ cướp xe taxi tại địa bàn 2 huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn (Nghệ An).

Thời gian qua, cũng tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, ông Lê Văn Tư (54 tuổi) trú tại khối 7, phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An chuyên hành nghề xe ôm bị một đối tượng khống chế, cướp tài sản. Theo đó, ông Tư được Trần Đình Hoàng (19 tuổi) trú tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh thuê chở vào xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Khi đến đoạn đường vào Chùa Hương thuộc xã Thiên Lộc, lợi dụng trời tối, vắng người qua lại, Hoàng đã dí dao vào cổ ông Tư để đe dọa rồi cướp xe máy, ví tiền và một chiếc ĐTDĐ. Vài ngày sau, đối tượng này tiếp tục gây ra 1 vụ cướp xe, ví tiền của anh Dương Đức Hải (52 tuổi) trú tại TP Vinh cũng với phương thức, thủ đoạn tương tự.

Tự bảo vệ mình

Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, loại hình kinh doanh vận tải khách bằng taxi hoặc xe ôm tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để đáp ứng yêu cầu công việc, những người hành nghề xe ôm hay taxi buộc phải đáp ứng mọi yêu cầu của khách về địa điểm và bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Vì vậy, họ thường phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Những năm gần đây, số vụ giết người, cướp tài sản liên quan đến hai loại hình này có chiều hướng gia tăng, với thủ đoạn, tính chất phạm tội ngày càng nghiêm trọng.

Anh Nguyễn Trọng Hưng (27 tuổi), tài xế taxi của hãng Phượng Hoàng tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết, mặc dù Công ty đã có khuyến cáo và người thân của các nhân viên cũng khuyên không nên chạy xe vào ban đêm nhưng vì mưu sinh, phần nữa là do đặc thù công việc nên bản thân anh cũng như anh em đồng nghiệp dù biết nguy hiểm nhưng cũng đành “nhắm mắt làm liều”. Khác với chạy xe vào ban ngày, nếu hành nghề vào ban đêm, đặc biệt là khi chở các khách hàng là nam thanh niên và phải chạy ra khỏi khu vực thành phố, tài xế taxi cần cảnh giác hơn để tránh những rủi ro, bất trắc.

Ông Nguyễn Đình Sáu (57 tuổi) trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, người chuyên chạy xe ôm, đứng đón khách tại khu vực ngã sáu, TP Vinh cho biết, bản thân đã có gần 20 năm hành nghề nhưng chưa có bất cứ kinh nghiệm nào để đối phó với các tình huống bất trắc. Ông Sáu cho biết, cũng có lúc ông chở phải những người nghiện, kẻ xấu nhưng những lúc như vậy, ông không sợ mất tài sản mà chỉ mong giữ lại được tính mạng.

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, loại hình xe ôm ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An còn mang tính chất cá nhân, tự phát chứ chưa chuyên nghiệp theo mô hình như ở một số thành phố lớn. Ông Sáu mong muốn, nếu loại hình xe ôm hoạt động theo các mô hình tổ xe ôm tự quản thì sẽ có sự liên kết và lúc đó, giữa các tài xế xe ôm sẽ có sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hành nghề.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Vận tải Vạn Xuân cho biết, việc tài xế Tuấn bị giết, cướp tài sản là sự việc ngoài mong muốn. Công ty đã hỗ trợ gia đình, đồng thời phát động nhân viên Công ty quyên góp, ủng hộ gia đình để vơi bớt nỗi đau. Về cơ chế bảo vệ tài xế đón trả khách xuyên đêm, từ trước đến nay cũng chưa có bất cứ chế độ nào mà chủ yếu là các tài xế tự bảo vệ mình và hỗ trợ, bảo vệ lẫn nhau. Do vậy, để hạn chế những rủi ro liên quan đến việc hành nghề taxi và xe ôm vào ban đêm, các tài xế cần nâng cao tinh thần cảnh giác, hạn chế việc nhận chở khách vào ban đêm, nhất là những hành khách có biểu hiện nghi vấn hoặc đi qua những địa bàn vắng vẻ.

Thiện Thành

Các tin khác