Pháp luật

Tiềm ẩn nguy cơ phạm pháp từ súng tự chế

17:03, 27/01/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, đã xảy ra không ít vụ án mạng do súng tự chế. Mặc dù cơ quan chức năng đã tuyên truyền, cảnh báo về sự nguy hiểm của loại vũ khí này song nhiều người vẫn lén lút chế tạo, cất giấu hoặc mua bán trái phép. Đặc biệt, điều đáng lo ngại là hiện nay, tại một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng thanh thiếu niên sử dụng loại súng này để giải quyết mâu thuẫn.

    Mất mạng, thương tật vì súng tự chế

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cố ý gây thương tích và tai nạn thương tâm do súng tự chế gây ra. Điển hình: Vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 18/12/2015, cháu Quang Bảo Khang (SN 2007) rủ bạn là Hà Đức Lăng (SN 2005) đều trú tại bản Mướng Mừn, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An về nhà mình chơi. Vì không có ai ở nhà nên Khang đã lấy khẩu súng kíp đặt trên gác bếp ra rồi tháo súng, kiểm tra đạn, chỉ cách bắn và đưa cho Lăng chơi. Trong lúc cầm súng, Lăng vô tình bóp cò nên súng nổ và Khang ngồi đối diện bị bắn trúng vào trán. Nghe tiếng súng nổ, người dân xung quanh đã chạy đến và đưa Khang đến bệnh viện cấp cứu nhưng cháu đã tử vong trên đường đi.

Không chỉ có những vụ tai nạn đáng tiếc do chơi súng mà còn có trường hợp sử dụng loại vũ khí này để làm phương tiện gây án.  Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 8/8/2015, trong lúc cán bộ nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quế Phong đang làm việc thì có 1 đối tượng mang theo súng tự chế, xông vào phòng giao dịch khống chế nhân viên, khách hàng và yêu cầu đưa cho đối tượng 20 triệu đồng. Chỉ tính từ tháng 1/2012 - 10/2015, toàn tỉnh đã phát hiện 320 vụ, 354 đối tượng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để gây án.

Công an huyện Yên Thành vận động nhân dân giao nộp nhiều súng tự chế
Công an huyện Yên Thành vận động nhân dân giao nộp nhiều súng tự chế

Mặc dù đã có quy định cấm nhưng hiện nay, tình trạng sử dụng súng tự chế vẫn xuất hiện trong đời sống xã hội, tiềm ẩn nguy cơ chết người. Đáng lo ngại hơn, thời gian gần đây, trên mạng Internet phát tán nhiều thông tin, video clip hướng dẫn tỉ mỉ cách chế tạo súng và đạn. Nguyên vật liệu, nguyên lý hoạt động, giá cả... đều được chỉ dẫn chi tiết kèm theo hình ảnh.

  Cần kiểm soát chặt chẽ

Đại tá Hoàng Văn Tấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh cho biết: Các loại súng tự chế có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, là loại vũ khí cấm cá nhân sở hữu, tàng trữ. Thời gian qua, Phòng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đề nghị Công an các huyện, thành, thị rà soát, thu hồi các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó có súng tự chế. Năm 2015, toàn tỉnh đã vận động, thu hồi 27 khẩu súng quân dụng, 181 khẩu súng thể thao, 532 khẩu súng săn, 641 khẩu súng tự chế, 10 quả bom, 28 quả lựu đạn, 1.382 viên đạn các loại, 40 đầu đạn cối, 76,35 kg thuốc nổ, 169,4 kg pháo, 140 kíp nổ; 217,2 m dây cháy chậm, 55 công cụ hỗ trợ, 1.219 vũ khí thô sơ, 5.575 đồ chơi nguy hiểm bị cấm...

Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thu hồi súng tự chế nhưng trên thực tế, nhiều cá nhân vẫn lén lút tàng trữ, sử dụng loại vũ khí này để săn bắn chim, thú và coi là vật phòng thân khi đi rừng.

Trước tình trạng trên, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã có văn bản đề nghị Công an các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân giao nộp và ký cam kết không tàng trữ, sử dụng súng tự chế; đồng thời mở các đợt cao điểm thu hồi loại vũ khí này. Tuy nhiên, do nhận thức của một số người dân còn hạn chế, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, nhất là ở các thôn, xóm còn thiếu quyết liệt nên việc thu hồi gặp nhiều khó khăn. Hiện, Phòng đã tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh về kế hoạch chỉ đạo tiếp tục rà soát, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và các loại súng tự chế trôi nổi.

Để ngăn ngừa hiểm họa từ súng tự chế, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của loại vũ khí này. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần quan tâm, làm tốt công tác khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân, tập thể trong công tác phát hiện, thu hồi các loại vũ khí, vật liệu nổ; khuyến khích người dân tố giác hành vi chế tạo, mua bán, sử dụng súng trái phép; đồng thời kiên quyết xử lý đối với những trường hợp vi phạm.

Việc tàng trữ trái phép vũ khí là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị khởi tố theo quy định tại Điều 233, Bộ luật Hình sự về tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ. Nếu sử dụng súng tự chế dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị khởi tố hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng.

Cao Loan

Các tin khác