Pháp luật

'Nóng' tình trạng buôn bán động vật quý hiếm

08:20, 26/01/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong thời gian gần đây, trên khắp các trang mạng xã hội lan truyền nhiều hình ảnh liên quan đến hành vi buôn bán, giết thịt động vật hoang dã quý hiếm, khiến cộng đồng hết sức bức xúc. Theo các cơ quan chức năng, việc ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ tình trạng này gặp rất nhiều khó khăn.

Xuất phát từ nhu cầu sử dụng xương cốt động vật quý hiếm như hổ, báo, khỉ, trăn để nấu cao, nhiều đối tượng đã bất chấp quy định của pháp luật để buôn bán, vận chuyển loại hàng cấm này, sau đó nhập cho nhiều cơ sở nấu cao trái phép để bán cho những người có nhu cầu. Thậm chí, nhiều lò nấu cao còn “treo đầu dê, bán thịt chó” để đánh lừa người dân và cả cơ quan chức năng. Nhiều cơ sở buôn bán, giết thịt động vật quý hiếm còn ngang nhiên rao bán sản phẩm công khai trên các trang mạng xã hội, thậm chí còn đặt biển hiệu quảng cáo trước cơ sở của mình.

Trong những ngày đầu tháng 1/2016 vừa qua, trước việc xuất hiện bức ảnh một nam thanh niên tên là Chu Văn Cường (SN 1992) trú tại xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An ngang nhiên công khai các hình ảnh tái hiện cảnh giết thịt, buôn bán cá thể khỉ trên mạng Facebook, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ.

Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh bắt vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu vào ngày 16/4/2015
Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh bắt vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu vào ngày 16/4/2015

Theo ông Lê Hữu Ngọc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm TX Hoàng Mai, sau khi Cường đăng tải những bức ảnh về cảnh giết thịt, nấu cao khỉ, cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh nguồn gốc số cá thể khỉ nói trên. Qua đó phát hiện chủ nhân của lô hàng trên là Lê Bá Thuận (SN 1951) trú tại xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đối tượng này mua mỗi cá thể khỉ với giá 3 triệu đồng để về nấu cao.

Sáng 7/1, Hạt kiểm lâm TX Hoàng Mai đã phối hợp với cơ quan Công an tiến hành kiểm tra nơi ở của Chu Văn Cường, thu giữ 1 con chim cắt (động vật hoang dã quý hiếm) để điều tra.

Cũng trong những ngày đầu tháng 1/2016, trên mạng Facebook xuất hiện hình ảnh rao bán cao hổ của Hồ Minh Chính (SN 1992) trú tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sáng 9/1, sau khi phát hiện hàng loạt hình ảnh rao bán cao hổ, tay gấu…, Hạt kiểm lâm huyện Quỳnh Lưu đã phối hợp với Công an địa phương tiến hành kiểm tra nơi ở của Hồ Minh Chính nhưng không phát hiện các dấu hiệu chứng minh hành vi mua bán, làm thịt, nấu cao hổ, tay gấu và mật gấu. Theo cơ quan chức năng, rất có thể sau khi đăng tải các hình ảnh tay gấu, cao hổ… trên mạng xã hội, Hồ Minh Chính đã tẩu tán tang vật nhằm trốn tránh pháp luật.

Qua tìm hiểu được biết, hành vi đăng tải hình ảnh giết thịt động vật quý hiếm trên các trang mạng xã hội với mục đích rao bán của các đối tượng nói trên chỉ là “phần nổi” của hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã.

Cơ quan chức năng làm việc với Lê Bá Thuận và Chu Văn Cường
Cơ quan chức năng làm việc với Lê Bá Thuận và Chu Văn Cường

Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã bắt giữ hàng loạt vụ việc liên quan đến hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép động vật quý hiếm. Tuy nhiên, vì các đối tượng hoạt động hết sức kín kẽ, tinh vi nên việc ngăn chặn, bắt giữ các vụ việc nói trên của cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, tình trạng giết thịt, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn, trong đó có các loài quý hiếm thuộc nhóm 1B vẫn diễn ra trong thời gian qua. Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và nhân dân.

Theo ông Hoàng Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, hiện nay, tình trạng nói trên đang “nóng” hơn bao giờ hết. “Hiện nay, đơn vị đang triển khai kế hoạch ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Đặc biệt, dịp cuối năm, lợi dụng việc số lượng phương tiện lưu thông trên địa bàn tăng cao, nhiều đối tượng vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm có dấu hiệu gia tăng hoạt động. Đơn vị cũng đang chỉ đạo Hạt kiểm lâm các địa phương đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn tình trạng này. Nếu phát hiện hành vi nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc loại hàng cấm theo quy định của pháp luật thì sẽ xử lý nghiêm”, ông Hoàng Quốc Việt cho biết thêm.

Cũng trong thời gian qua, để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, quý hiếm, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh cũng đã xác lập nhiều chuyên án đấu tranh.

Đại tá Trần Hữu Hồng, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường cho biết: Trước việc xuất hiện những hình ảnh liên quan đến hình vi giết thịt động vật trái phép tại TX Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu, đơn vị đã phối hợp với Công an các địa phương nói trên tiến hành điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, vì hành vi trên chưa đủ để cấu thành tội phạm hình sự nên việc khởi tố các đối tượng liên quan chưa thể tiến hành. Ngoài ra, vì những cá thể khỉ trong các vụ việc nói trên không thuộc loài động vật nhóm 1B nên chỉ tiến hành xử lý hành chính.

Được biết, để bảo vệ các loài động vật hoang dã, quý hiếm, các cơ quan chức năng đang lên kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn trong thời gian tới. Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, để “giảm nhiệt” tình trạng buôn bán, giết thịt động vật hoang dã phục vụ mục đích nấu cao, người dân không nên sử dụng các loại sản phẩm này. Việc “nói không” với cao được nấu từ động vật hoang dã, quý hiếm cũng là cách để bảo vệ môi trường sống cho các loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng hiện nay.

Ngày 20/1/2016, Hạt kiểm lâm TX Hoàng Mai đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nuôi, mua, giết động vật rừng trái phép đối với Chu Văn Cường (SN 1992) và Lê Bá Thuận (SN 1951), cùng trú tại thôn Lam Sơn, xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.

Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 21 Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ về “Quy định xử phạt hành chính về quản lý rừng, phát triển và bảo vệ rừng, quản lý lâm sản”, Hạt kiểm lâm TX Hoàng Mai đã ra quyết định xử phạt hành chính Chu Văn Cường với số tiền 5.250.000 đồng về hành vi nuôi động vật là chim rừng không có giấy phép.

Cũng theo Nghị định 157 nói trên, Lê Bá Thuận bị xử phạt 12.750.000 đồng về hành vi mua động vật rừng trái phép (theo Điểm b, Khoản 1, Điều 21).

 

Ngọc Thái - Quang Ngọc

Các tin khác