(Congannghean.vn)-Sau khi đưa người lao động ra nước ngoài, do không đáp ứng đủ tiền lương hàng tháng như cam kết nên lao động đã bỏ việc, đến xin “lánh nạn” tại đại sứ quán để nhờ can thiệp. Mặc dù đã phải nộp thêm 34 triệu đồng để được đưa về nước nhưng đã nhiều tháng trôi qua, sự việc vẫn chưa được giải quyết, thậm chí lao động còn bị đẩy vào trại tị nạn.
Từ đại sứ quán đến trại tị nạn.
Chị Phan Thị Thể (SN 1977), hiện là giáo viên mầm non tại xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn có đơn tố cáo Công ty CP Quốc tế Nhật Minh (Công ty Nhật Minh), chi nhánh 1A đường Phạm Đình Toái, phường Hà Huy Tập, TP Vinh với nội dung: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên năm 2014, em trai chị Thể là Phan Văn Trung (SN 1985) trú tại thôn Thống Nhất, xã Mậu Đức, huyện Con Cuông đã đến Công ty Nhật Minh, do ông Nguyễn Trường Giang làm Giám đốc làm thủ tục xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Ả rập Xê út. Sau khi thỏa thuận, hai bên thống nhất nộp lệ phí ban đầu là 40 triệu đồng, làm việc trong thời hạn 3 năm. Công việc của anh Trung là công nhân bốc xếp tại một siêu thị, tiền lương là 1.400 Rian/tháng, tương đương khoảng 8,5 triệu đồng tiền Việt Nam.
Trụ sở chi nhánh Công ty Nhật Minh tại Nghệ An |
“Ngày 19/5/2014, em tôi đặt chân đến Ả rập Xê út và bắt đầu làm việc. Trong 4 tháng đầu, phía Công ty chỉ trả 1.280 Rian. 8 tháng sau đó, mỗi tháng giảm 50 Rian, thậm chí có tháng chỉ trả từ 700 - 800 Rian. Đến tháng 3/2015, số tiền lương hàng tháng mà em tôi nhận được chỉ là 200 Rian, vừa đủ tiền ăn mà không hiểu lý do vì sao”, đơn chị Thể viết. Do quá vất vả, ngày 11/5/2015, anh Trung và 10 lao động người Việt khác đã bỏ việc, đến Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập Xê út để nhờ can thiệp. Tại đây, nhóm lao động này đã được phía Đại sứ quán tạo điều kiện giúp đỡ, cho ở nhờ trong thời gian hơn 4 tháng, từ ngày 11/5 - 13/9/2015. Trong thời gian này, phía Công ty Nhật Minh đã thông báo với gia đình anh Trung và 3 gia đình khác về việc phải nộp thêm 34 triệu đồng để làm thủ tục đưa các lao động này về nước, đồng thời hứa rằng sau 2 ngày kể từ khi nộp tiền sẽ đưa được người về.
Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng vì không nỡ để con bơ vơ nơi xứ người, gia đình anh Trung đã vay mượn đủ số tiền nói trên để nộp cho Công ty vào ngày 8/9/2015. Tuy nhiên, một tuần sau đó, anh Trung bị chuyển vào trại tị nạn và bị cảnh sát nước sở tại thu hết giấy tờ tùy thân, hộ chiếu. Do cuộc sống trong trại tị nạn rất khó khăn, lại đông người nên đến nay, sau gần 4 tháng sống trong điều kiện thiếu thốn, sức khỏe anh Trung có dấu hiệu suy kiệt.
Do lao động hay phía công ty thiếu trách nhiệm?
Sau khi tiếp nhận thông tin trên, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty Nhật Minh. Ông Giang cho rằng, tố cáo của gia đình là chưa đúng bản chất sự việc. Theo ông này, 10 lao động làm việc trong siêu thị xin vào tá túc tại Đại sứ quán là những người vi phạm hợp đồng lao động (trộm cắp đồ và trốn việc để ngủ), trong đó có anh Phan Văn Trung. Riêng việc anh Trung bị cảnh sát nước sở tại bắt là do vướng vào một vụ đánh nhau nên đã bị di lý về trại tị nạn để điều tra, còn những trường hợp khác đến nay đã được Công ty đưa về nước an toàn.
Về số tiền 34 triệu đồng, ông Giang giải thích, đó là tiền gửi sang để nộp phạt, được người nhà anh Trung thông qua Công ty nhờ chuyển sang Đại sứ quán và trên thực tế, số tiền đó đã được sử dụng vào việc nộp phạt, nhưng vì anh Trung vướng vào pháp luật nên chưa giải quyết được. Riêng về việc lao động không được trả lương theo đúng cam kết, ông Giang cho biết, do lao động vi phạm hợp đồng nên phía chủ đã tự động cấn trừ vào lương hàng tháng.
Khi chúng tôi hỏi về các văn bản, giấy tờ liên quan đến việc đã nộp tiền phạt hoặc thông báo về việc vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng lao động của anh Phan Văn Trung và các lao động tại Ả rập Xê út từ phía nước sở tại, Công ty Nhật Minh không xuất trình được bất cứ loại giấy tờ nào ngoài thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập Xê út gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 7/6/2014 với nội dung: “Hiện nay, trong khuôn viên Đại sứ quán có 10 lao động Việt Nam, bỏ trốn chủ, đến lưu trú và đề nghị can thiệp cho về nước trước thời hạn. Mặc dù Đại sứ quán đã thông báo cho các doanh nghiệp cung ứng lao động (trong đó Công ty Nhật Minh có 3 lao động) và Cục Quản lý lao động ngoài nước, tuy nhiên đến nay, vụ việc chưa được giải quyết”.
Theo thông lệ, sau khi lao động bỏ trốn, chủ sử dụng lao động của nước sở tại sẽ lập tức thông báo và nộp lại hộ chiếu cho các cơ quan chức năng để tránh phải nộp phạt một khoản tiền lớn, đồng thời từ bỏ trách nhiệm với lao động của mình. Sau đó, Đại sứ quán sẽ can thiệp để lấy lại hộ chiếu cho lao động hoặc cấp giấy thông hành để về nước, bởi lao động bỏ chủ là vi phạm Luật Cư trú và phải bị trục xuất ngay về nước. Vì vậy, đề nghị Công ty Nhật Minh phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập Xê út và các ngành chức năng liên quan sớm giải quyết các vướng mắc và đưa người lao động về nước, tránh gây thiệt hại cho lao động cũng như ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh của lao động Việt Nam tại nước ngoài.