Pháp luật

Vì sao dự án nâng cấp đập Hống Vàng dang dở?

07:46, 19/11/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Đập Hống Vàng có vai trò khá quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho 60 ha ruộng lúa tập trung ở 5 xóm của xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, Dự án nâng cấp, cải tạo đập đã được khởi công gần 5 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất nông nghiệp của người dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Tân, Chủ tịch UBND xã Thanh Khê, huyện Thanh Cương cho biết: Đập Hống Vàng đã có từ rất lâu, cung cấp nguồn nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và nhu cầu sinh hoạt cho bà con trong vùng.

Từ năm 2011, dự án nâng cấp đập được triển khai, do UBND huyện làm chủ đầu tư, địa phương là đơn vị được hưởng lợi. Tổng mức đầu tư xây dựng là gần 7 tỉ đồng, đơn vị thi công là Công ty CP Tư vấn thiết kế Duy Hưng (trụ sở tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An - P.V). Tuy nhiên, cho đến nay, sau gần 5 năm khởi công xây dựng, công trình này vẫn chưa hoàn thành, một số hạng mục còn dang dở.

Phần mái đập đang thi công dang dở
Phần mái đập đang thi công dang dở

Theo thiết kế ban đầu, thân đập sẽ được đắp đất đồng chất độ chặt K95, mái đập ở phía thượng lưu có hệ thống khung vây bằng giằng bê tông, cốt thép mác 200 để giữ ổn định, phần mái ghép đá hộc, độ dày 25 cm, tiếp đến là lớp đá dăm dày 10 cm…Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi tại hiện trường cho thấy, bờ ta luy thân đập còn dở dang, sắt giằng khung bê tông thừa ra ngoài bị hoen rỉ, cây cỏ mọc chen lên bờ thân đập, phần cống tràn chưa thi công.

Theo thiết kế, phần khung giằng bê tông để ghép đá hộc có 4 thanh thép lõi bê tông là phi 10, vòng thép (đai) là phi 8. Thế nhưng, quan sát phần sắt thừa đang hoen rỉ và một số chỗ bị hư hỏng thì thấy rằng, phần lõi bê tông được sử dụng thép phi 8 và phần thép vòng (đai) là phi 6; phần rải đá dăm theo thiết kế được thay bằng đá cuội. Phải chăng đơn vị thi công đã thay đổi phần kết cấu này?

Ông Nguyễn Khắc Tân cũng cho biết thêm, hiện tại phần thân đập xuất hiện tình trạng rò rỉ nước, nếu quan sát kỹ mới phát hiện ra. Mặt khác, cống xả nước lại đặt cao hơn nhiều so với phần đáy của đập, điều này đã làm giảm hiệu quả điều tiết nước của đập.

Nói về nguyên nhân kéo dài thời gian thi công công trình cải tạo, nâng cấp đập Hống Vàng, Chủ tịch UBND xã Thanh Khê cho rằng, nhiều khả năng dự án đang thiếu vốn. Hiện tại nhà thầu còn nợ chi phí vận chuyển vật liệu và tiền công của công nhân là người trong xã.

Mặt khác, khi có dự án, UBND xã nhận nhiệm vụ giải phóng, bồi thường hỗ trợ mặt bằng. Đến nay, UBND xã đã trích kinh phí gần 63 triệu đồng để bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Hiện tại, đập đã tích nước ở cao trình 24,2 m, còn nếu thi công đập theo đúng thiết kế ban đầu, có cao trình lên đến 28,4 m thì sẽ gây ngập thêm nhà ở của 2 hộ dân, 1 trang trại lợn. Đồng thời, diện tích cây lâm nghiệp đã giao cho người dân cũng bị ngập quá lớn (khoảng 45 ha), trong khi đó kinh phí đền bù của xã hiện không thể đáp ứng nổi.

Vì vậy, mới đây, UBND xã Thanh Khê đã có văn bản đề nghị UBND huyện Thanh Chương và Ban Quản lý dự án huyện, với nội dung: “Đập khe Hống Vàng là khe có nguồn nước tự chảy nên không cần phải nâng đập lên độ cao như thiết kế mà vẫn đảm bảo nước phục vụ tưới cho 50 ha đất trồng lúa, còn 10 ha đất cao cưỡng chuyển sang trồng màu”.

Từ thực tế trên cho thấy, quá trình thiết kế dự án cải tạo, nâng cấp đập Hống Vàng ở một số hạng mục chưa phù hợp với thực tế. Nếu thi công đến cao trình 28,4 m thì sẽ gây ngập trên diện rộng; cống lấy nước đặt cao hơn so với đáy đập, ảnh hưởng đến quá trình điều tiết nước; việc giám sát thi công chưa chặt chẽ, dẫn đến một số hạng mục chưa đúng với thiết kế ban đầu…

Qua trao đổi, ông Lê Minh Hải, Trưởng ban Quản lý xây dựng huyện Thanh Chương cho biết: “Hiện nay, dự án nâng cấp, cải tạo đập Hống Vàng đã giải ngân cho nhà thầu 4 tỉ đồng. Sắp tới, những hạng mục nào thi công không đúng thiết kế thì chúng tôi sẽ yêu cầu nhà thầu làm lại”.

Đ. T

Các tin khác