Pháp luật

Xử lý triệt để các cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Nan giải nguồn kinh phí

08:37, 18/11/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Lâu nay, vấn đề xử lý rác thải, nước thải y tế tại hệ thống các  bệnh viện đang là “bài toán” nan giải. Mới đây, UBND tỉnh ban hành Quyết định 4586 ngày 8/10 về việc phê duyệt danh mục và biện pháp xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng năm 2014 trên địa bàn tỉnh theo Thông tư 04/2012 của Bộ TN-MT. Theo đó, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An và Bệnh viện Điều dưỡng- Phục hồi chức năng tại TX Cửa Lò là 2 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần có biện pháp xử lý. Trước tình hình này, cần sớm tìm ra hướng khắc phục các cơ sở y tế gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Bệnh viện Ung bướu Nghệ An là cơ sở bệnh viện tuyến tỉnh nằm trong lộ trình đầu tư hoàn chỉnh về cơ sở vật chất, thiết bị giai đoạn 2015 - 2020 nhằm phục vụ tốt nhất công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân ung thư. Sau khi đi vào hoạt động năm 2011, Bệnh viện đã thực hiện hiệu quả chức năng. Tuy nhiên, do lượng bệnh nhân ung thư, nghi ung thư trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận ngày một đông nên xảy ra tình trạng quá tải. Để giải quyết trước mắt “bài toán” này, năm 2014, sau khi Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An được chuyển về địa điểm mới, Bệnh viện Ung bướu và một số bệnh viện khác được tiếp nhận cơ sở trên vào việc điều trị nội trú cho bệnh nhân.

Khung sắt xung quanh bể hợp khối thuộc khu xử lý do Bệnh viện                 Ung bướu Nghệ An quản lý                          bị bong gỉ, xuống cấp
Khung sắt xung quanh bể hợp khối thuộc khu xử lý do Bệnh viện Ung bướu Nghệ An quản lý bị bong gỉ, xuống cấp

Tiến sỹ Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết: Được sự quan tâm của tỉnh và các ngành, Bệnh viện đã từng bước khắc phục khó khăn về tình trạng quá tải bệnh nhân. Tuy nhiên, trước thực trạng gia tăng bệnh nhân ung thư như hiện nay, để giải quyết một sớm một chiều là không hề đơn giản. Bệnh viện được cho phép đầu tư xây dựng cơ sở mới tại xã Nghi Liên, TP Vinh nhưng đang còn khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng. Vì vậy, hiện tại mọi hoạt động của Bệnh viện đang sử dụng tại cơ sở cũ và một phần của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cũ.

Theo tìm hiểu và ghi nhận của phóng viên, hiện nay hệ thống xử lý nước thải tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cũ đang được sử dụng chung để thu gom, xử lý nước thải cho các bệnh viện gồm Ung bướu, Chấn thương - Chỉnh hình, Trung tâm Huyết học - Truyền máu và Trung tâm Pháp y. Hệ thống này đang được cấp trên giao cho Bệnh viện Ung bướu Nghệ An quản lý, vận hành. Thế nhưng hiện tại, hệ thống xử lý nước thải đang xuống cấp trầm trọng. Hệ thống thu gom nước thải, hố gas chưa đồng nhất dẫn đến tình trạng lượng chất rắn bị tồn đọng; các thiết bị máy móc xử lý cũng đã xuống cấp. Đáng chú ý là hệ thống xử lý trong các bể hợp khối, bộ phận được xem là trung tâm “xương sống” cho cả hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện không đảm bảo. Do đó, các chất gây ô nhiễm không bị phân hủy nên nước thải ra không đảm bảo tiêu chuẩn.

Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Nghệ An tại TX Cửa Lò nằm trong danh mục cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng năm 2014 theo quyết định của UBND tỉnh
Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Nghệ An tại TX Cửa Lò nằm trong danh mục cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng năm 2014 theo quyết định của UBND tỉnh

Tại kết quả rà soát và tiêu chí xác định cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của các cơ quan chức năng, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An nằm trong danh mục này bởi các lý do: Thông số BOD5 vượt quy chuẩn cho phép 14,2 lần, COD vượt 11,52 lần, sunfua vượt 12,87 lần, amoni vượt 14 lần, phốt phát vượt 10,46 lần; tổng vi khuẩn coliforms vượt 22 lần. “Vấn đề xử lý hệ thống nước thải tại Bệnh viện Ung bướu luôn được ngành y tế và Bệnh viện quan tâm khắc phục nhưng đang gặp khó khăn về nguồn kinh phí.

Thời gian qua, Bệnh viện đã có nhiều đề xuất, tờ trình xin ý kiến để giải quyết vấn đề này. Nếu được phê duyệt về nguồn kinh phí hỗ trợ, Bệnh viện sẽ xây dựng phương án, kế hoạch khắc phục ô nhiễm, sau đó báo cáo Sở TN-MT. Theo quyết định của UBND tỉnh, Bệnh viện sẽ khắc phục hệ thống xử lý nước thải trong giai đoạn 2015 - 2018”, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Quang Trung cho biết thêm.

Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh chuyên ngành phục hồi chức năng, với quy mô 200 gường bệnh, 5 khoa chuyên môn. Hàng năm, Bệnh viện khám, điều trị, điều dưỡng và phục hồi chức năng cho hàng nghìn lượt bệnh nhân do các cơ sở y tế trong toàn tỉnh chuyển đến và cả khách du lịch. Là cơ sở y tế đóng trên địa bàn du lịch, Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng luôn chú trọng đến công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân cũng như việc xử lý hệ thống nước thải y tế liên quan đến môi trường.

Thạc sỹ Thái Thị Xuân, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Với chức năng của đơn vị hoạt động trong lĩnh vực y tế thì vấn đề môi trường là yếu tố quan trọng. Trước kia Bệnh viện hợp đồng với Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An nhưng để thống nhất trong phương án xử lý thu gom rác thải, gần đây Bệnh viện phối hợp với Bệnh viện Đa khoa TX Cửa Lò. Sau khi có kết quả từ ngành chức năng và quyết định là cơ sở nằm trong danh mục ô nhiễm môi trường nghiêm trọng năm 2014, với các thông số (BOD5 vượt 10,52 lần, COD vượt 10,73 lần, sunfua vượt 10,05 lần, amoni vượt 10,05 lần, phốt phát vượt 10,46 lần; tổng vi khuẩn Coliforms vượt 12,4 lần), Bệnh viện đã hợp đồng với cơ quan Thí nghiệm, phân tích môi trường lấy mẫu nước thải sinh hoạt sau xử lý bể phốt. Tuy nhiên, năm 2015, Bệnh viện được cho phép lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật để nâng cấp các hạng mục nên việc lên phương án khắc phục hệ thống xử lý bị gián đoạn.

Thực tế cho thấy, TP Vinh là địa bàn tập trung nhiều bệnh viện lớn với quy mô hàng nghìn giường bệnh, nên nguồn rác thải rắn và nước thải ngày một tăng. Công tác xử lý chất thải y tế hiện nay chưa được đồng bộ hoá và còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nhiều cơ sở. Do đó, vấn đề xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh cần được quan tâm đúng mức và thực hiện theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải y tế theo đúng quy định.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bạch Hưng Cử, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT cho biết: Nước thải bệnh viện được xả ra môi trường khi chưa được xử lý luôn đi kèm các chất độc hại với những thông số khác nhau. Các vi sinh vật gây hại trong nước thải sẽ xâm nhập vào môi trường, tạo thành tác nhân gây ra nhiều mầm bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến con người. Do đó, cùng với công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân ở các bệnh viện, thì đảm bảo yếu tố môi trường phải được lãnh đạo đơn vị quan tâm.

Theo quyết định của UBND tỉnh, các chủ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nằm trong danh sách phải lập phương án, kế hoạch khắc phục ô nhiễm. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện sau khi được sự chấp nhận của Sở TN-MT. Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các địa phương và các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện theo kế hoạch khắc phục ô nhiễm môi trường của các cơ sở theo quy định của pháp luật.

Xuân Thống

Các tin khác