Pháp luật
Hiến pháp đang đi vào cuộc sống
(Congannghean.vn)-Ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi năm 2013), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Sau gần 2 năm triển khai Hiến pháp, có thể thấy, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc hiện thực hóa những nội dung văn bản quy phạm pháp luật và chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn chuyên sâu từng nội dung của Hiến pháp đến mọi tầng lớp nhân dân.
Đẩy mạnh tuyên truyền tại cơ sở
Ông Hoàng Quốc Hào, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Hiến pháp năm 2013 là văn kiện pháp lý đặc biệt quan trọng thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; là cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước trong thời kỳ mới.
UBND tỉnh trao giải thưởng cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” cho các tác giả có bài dự thi xuất sắc |
Để Hiến pháp đi vào cuộc sống, Sở luôn chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của mỗi công dân. Qua đó, người dân đã tham gia góp ý vào dự thảo luật, các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp; rà soát văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Sau khi Hiến pháp 2013 chính thức có hiệu lực thi hành, tỉnh Nghệ An đã thực hiện việc tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân. Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền như: Xây dựng phóng sự, tọa đàm; chương trình hỏi đáp Hiến pháp trên truyền hình; đăng số lượng lớn tin bài tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Hiến pháp.
Ngoài ra, tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về Hiến pháp và các văn bản pháp luật mới thông qua các mô hình sáng tạo, phát huy hiệu quả như: Tổ chức “Ngày hội pháp luật”, lồng ghép tuyên truyền pháp luật thông qua sinh hoạt chi bộ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hoá trong nhà trường, thông qua sinh hoạt câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật, Thanh niên với pháp luật...
Từ đầu năm đến nay, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã thực hiện 2.286 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp cho 359.598 lượt người, tổ chức 10 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 33.500 lượt người tham gia, phát hành 57.332 tài liệu phổ biến pháp luật miễn phí và có 442 tin bài về pháp luật được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ở cấp huyện, đã tổ chức 2.775 cuộc phổ biến pháp luật cho 303.878 lượt người, phát miễn phí 99.825 bản tài liệu phổ biến pháp luật các loại, trong đó có 333 bản bằng tiếng dân tộc thiểu số. Tổ chức 347 cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng nhiều hình thức, thu hút 74.298 lượt người tham dự. Thực hiện 15.638 lượt phát sóng chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trên đài truyền thanh xã và 1.065 tin, bài về pháp luật được đăng tải, phát trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương. Một trong những hình thức tuyên truyền thiết thực là tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, thu hút được sự hưởng ứng tích cực của toàn thể cán bộ, nhân dân, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Sau 2 năm triển khai cuộc thi, các xã, phường, thị trấn đã nhận được hơn 100.000 bài dự thi, các huyện, thành phố, thị xã nhận được 52.832 bài dự thi và đã lựa chọn 392 bài xuất sắc tham dự cuộc thi cấp tỉnh.
Qua cuộc thi đã góp phần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung của Hiến pháp đến các tầng lớp nhân dân. Qua đó, nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng, chấp hành, bảo vệ Hiến pháp, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhân rộng các hình thức sinh hoạt chính trị, pháp lý của mọi tầng lớp nhân dân.
Người dân tham gia buổi tuyên truyền về Hiến pháp do Sở Tư pháp tổ chức |
Đến nay, công tác tuyên truyền, đưa Hiến pháp vào thực tiễn cuộc sống đã được các cơ quan chức năng tỉnh nhà khẩn trương thực hiện nghiêm túc, để mọi người có điều kiện tiếp cận các nội dung của Hiến pháp, đồng thời nhận thức rõ những điểm mới và tiến bộ của Hiến pháp.
Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân đã được nâng lên rõ rệt. Từ sự chuyển biến về nhận thức, nhiều người dân đã tự nguyện tham gia các tổ hòa giải ở cơ sở, qua đó góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.
Tiếp tục đưa Hiến pháp vào cuộc sống
Việc đưa Hiến pháp dần đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội là nhiệm vụ quan trọng, liên quan trực tiếp đến tất cả các cấp, các ngành và toàn bộ hệ thống chính trị.
Nhiệm vụ đặt ra trước mắt là tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tinh thần, nội dung của Hiến pháp đến tất cả cán bộ và nhân dân. Cần có sự chủ động trong việc phối hợp với các lực lượng làm công tác tuyên truyền của tỉnh, như các cơ quan báo chí, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các cơ quan tuyên giáo, tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội…, từ việc xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện.
Trong đó, tập trung vào các nội dung cơ bản, những điểm sửa đổi, bổ sung; đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, phê phán nhận thức sai lệch về Hiến pháp. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan tư pháp trong tổ chức thực thi Hiến pháp; tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân nâng cao ý thức, tinh thần tự giác chấp hành Hiến pháp và pháp luật…
Cùng với công tác tuyên truyền, các cơ quan, đơn vị có chức năng nghiên cứu, giảng dạy và tuyên truyền cần tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu về nội dung Hiến pháp để thấy rõ hơn ý nghĩa, vai trò to lớn của Hiến pháp trong đời sống xã hội.
Đặc biệt là những kế thừa của Hiến pháp mới từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 tới Hiến pháp 1992, những căn cứ lý luận và thực tiễn của việc sửa đổi bổ sung lần này và những nội dung thực tế mà Hiến pháp thể hiện, thể chế hóa được đường lối phát triển của đất nước ta trong thời kỳ đổi mới. Đồng thời, thể hiện mong muốn, nguyện vọng, ý chí của các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp mới phù hợp với vị thế của đất nước ta trong thời kỳ mới.
Cùng với các hoạt động trên, cấp ủy, chính quyền và cơ quan tham mưu các cấp căn cứ vào chủ trương của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương để tổ chức triển khai thi hành các quy định cụ thể của Hiến pháp thông qua các hoạt động xem xét điều chỉnh, sắp xếp lại bộ máy Nhà nước, từ thẩm quyền, chức năng, cơ cấu tổ chức cho tới phương thức hoạt động sao cho đảm bảo phù hợp với Hiến pháp mới.
Bên cạnh đó, rà soát lại hệ thống các văn bản pháp luật đang được thực thi tại địa phương, qua đó phản ánh, kiến nghị Trung ương kịp thời loại bỏ, điều chỉnh những quy định pháp luật, văn bản pháp luật trái với Hiến pháp.
Căn cứ vào Hiến pháp và những văn bản luật mới ban hành của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để nghiên cứu, xây dựng bổ sung mới những văn bản pháp quy của tỉnh, cụ thể hóa những điểm mới của Hiến pháp. Qua đó từng bước phát huy tính dân chủ của nhân dân, đảm bảo các quyền của con người, quyền cơ bản của công dân, để Hiến pháp thực sự là nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới toàn diện đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng trong thời kỳ mới.
Cao Loan