Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201511/kiem-duyet-ho-so-tuyen-dung-cong-chuc-vien-chuc-cap-xa-da-chat-che-648103/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201511/kiem-duyet-ho-so-tuyen-dung-cong-chuc-vien-chuc-cap-xa-da-chat-che-648103/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Kiểm duyệt hồ sơ tuyển dụng công chức, viên chức cấp xã đã chặt chẽ? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 21/11/2015, 15:13 [GMT+7]

Kiểm duyệt hồ sơ tuyển dụng công chức, viên chức cấp xã đã chặt chẽ?

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng, các cơ quan báo chí đã “phanh phui” rất nhiều trường hợp cán bộ công chức, viên chức cấp xã sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để được làm việc tại các cơ quan Nhà nước. Thậm chí, nhiều trường hợp sau khi được “tuyển dụng” đã học lên trình độ cao hơn và nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng ở địa phương.

Việc sử dụng giấy tờ giả mạo để lừa dối cá nhân, tổ chức là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Điều 267, Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới 7 năm”.

Như vậy, Luật đã quy định rõ, không chỉ người làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức bị xử phạt mà ngay cả trường hợp sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ làm giả để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân cũng bị xử lý hình sự. Thế nhưng, trên thực tế, tại Nghệ An, việc sử dụng giấy tờ giả, cụ thể là bằng cấp giả tại các địa phương không còn là chuyện hiếm!

 Cùng khóa thi nhưng 2 tấm bằng tốt nghiệp THPT của 2 cán bộ xã này lại hoàn toàn khác nhau
Cùng khóa thi nhưng 2 tấm bằng tốt nghiệp THPT của 2 cán bộ xã này lại hoàn toàn khác nhau

Cách đây chưa lâu, trước thềm Đại hội Đảng bộ xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, có 3 cán bộ của xã này bị tố sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả trong hồ sơ tuyển dụng công chức, viên chức. Đó là các ông: Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã, phụ trách Văn xã; Dương Trọng Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã, phụ trách Kinh tế và Phan Trường Thi, Chủ tịch Hội Nông dân xã.

Sau khi xác minh cụ thể về thời gian, địa điểm học tập, học bạ, thời điểm dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT…, các cơ quan chức năng xác định, cả 3 người này đều chưa tốt nghiệp THPT và bằng tốt nghiệp THPT của họ là giả. Và dĩ nhiên, 3 người này không thể có tên trong danh sách bầu cử Đại hội Đảng bộ xã Thịnh Thành nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Trước đó, vào năm 2014, một loạt cán bộ cấp xã ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, gồm các ông, bà: Đậu Thị Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Đức; Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hạnh Lâm; Lê Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Mỹ; Nguyễn Đình Kỷ, cán bộ khuyến nông xã Thanh Ngọc… cũng bị tố sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả. Qua xác minh thông tin, những người này đều nằm trong danh sách “hỏng thi” nhưng lại có bằng tốt nghiệp THPT.

Mới đây, bà Đặng Thị Thanh, cán bộ tư pháp xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, cũng bị phản ánh về việc sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả? Tại Công văn số 1820/CV-SGDĐT-TTr ngày 6/10/2015 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An gửi UBND xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, có nội dung: Qua kết quả kiểm tra, rà soát, xác minh tại hồ sơ lưu trữ các văn bản thanh tra của Sở GD&ĐT và Bộ GD&ĐT đã ban hành liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp PTTH của bà Đặng Thị Thanh, Giám đốc Sở GD&ĐT xác nhận như sau: “Trong kết quả điểm thi của Trường PTTH Tương Dương, khóa thi các ngày 6, 7/6/1989, do ông Trần Đình Tiêu ký ngày 3/7/1989, có tên bà Đặng Thị Thanh với kết quả điểm thi: Tổng số điểm 13 (Ngữ văn 3, Vật lý 2, Toán 3, Nga văn 5), kết quả thi: H (hỏng).

Tại các hồ sơ khác liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp PTTH của Trường PTTH Tương Dương, khóa thi các ngày 6, 7/6/1989 hiện đang lưu trữ tại Sở GD&ĐT Nghệ An và Bộ GD&ĐT thì không có tên của bà Đặng Thị Thanh.

Như vậy, bà Đặng Thị Thanh có tham dự kỳ thi tốt nghiệp PTTH, khóa thi các ngày 6, 7/6/1989 tại Hội đồng thi PTTH Tương Dương với kết quả thi không đạt (không đỗ tốt nghiệp). Vì vậy, văn bằng tốt nghiệp PTTH khóa thi các ngày 6, 7/6/1989 của bà Đặng Thị Thanh là không hợp pháp. Ngoài ra, kết quả xác minh thông tin về kỳ thi tốt nghiệp và kết quả tốt nghiệp PTTH của bà Đặng Thị Thanh tại cơ quan lưu trữ Bộ GD&ĐT cũng trùng khớp với kết quả trả lời của Sở GD&ĐT Nghệ An.

Qua một loạt trường hợp bị phát hiện cho thấy, việc cán bộ công chức, viên chức, bán chuyên trách cấp xã ở Nghệ An sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả là khá nhiều, gây bức xúc trong dư luận. Vậy, câu hỏi đặt ra là, quá trình xét duyệt, thẩm định hồ sơ đối với cán bộ công chức, viên chức, cán bộ bán chuyên trách cấp xã thời gian qua đã thực sự chặt chẽ hay chưa?

Hiện nay, các loại giấy tờ giả được làm hết sức tinh vi và rất khó phát hiện bằng mắt thường, do vậy trong quá trình tuyển dụng, nếu không soát xét một cách cẩn trọng, tỉ mỉ thì sẽ rất dễ để lọt. Tuy nhiên, nếu tiến hành đối chiếu danh tính của người được cấp bằng với cơ sở đào tạo thì tin chắc rằng, mọi hành vi sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả sẽ được làm sáng tỏ.

.

Đức Thắng

.