Pháp luật
Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ kiểm lâm vi phạm
(Congannghean.vn)-Đó là kết luận của đồng chí Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tại buổi làm việc diễn ra vào sáng 13/8 để xem xét xử lý tình trạng “lâm tặc” chặt phá rừng trái phép tại một số huyện ở Nghệ An trong thời gian gần đây đã được báo chí phản ánh.
Tham dự buổi làm việc có đại diện một số sở, ngành liên quan, các địa phương như Con Cuông, Thanh Chương, Quế Phong và Anh Sơn, trong đó có đại diện Hạt Kiểm lâm và trưởng các trạm kiểm lâm nơi xảy ra vụ việc tàn phá rừng.
Đồng chí Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì buổi làm việc |
Vụ tàn phá rừng gần đây được báo chí phản ánh là vụ “lâm tặc” ngang nhiên khai thác trái phép rừng phòng hộ với tổng khối lượng 23,07 m3 vào ngày 7/7/2015 tại Tiểu khu 1002 thuộc cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Thanh Chương. Bên cạnh đó, còn có vụ khai thác hơn 30 m3 gỗ trái phép xảy ra ngày 28/6/2015 tại xã Mậu Đức, giáp với xã Đôn Phục, huyện Con Cuông; vụ đốn hạ 3 cây samu dầu thuộc loại quý hiếm nhóm 2A tại huyện Quế Phong.
Ngoài những vụ việc trên, trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt 468 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu trên 946 m3 gỗ. Đây là những khu vực “nhạy cảm” vì nơi rừng bị “lâm tặc” tàn phá nằm trên con đường độc đạo có lực lượng chức năng chốt chặn nghiêm ngặt 24/24 giờ; thậm chí có nơi nằm trên đường vành đai tuần tra của Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy.
Nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại trước sự gia tăng tình trạng “lâm tặc” tàn phá rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn. Nếu các vụ tàn phá rừng trên không bị lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh phát hiện, ngăn chặn và các lực lượng Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ cố tình tiếp tay cho “lâm tặc” thì diện tích rừng ở Nghệ An sẽ ngày càng bị thu hẹp. Như tại huyện Con Cuông, “lâm tặc” ngang nhiên sử dụng máy móc hiện đại để tàn phá rừng trong thời gian cả năm trời nhưng không bị phát hiện, bắt giữ là một minh chứng. Khi lực lượng Cảnh sát Môi trường phát hiện, bắt giữ thì chính quyền địa phương và lực lượng chức năng vẫn không hay biết.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá cao những thông tin mà các cơ quan thông tấn báo chí đã phản ánh, đồng thời nêu ra những tồn tại trong công tác kiểm tra, bảo vệ rừng. Việc để xảy ra tình trạng tàn phá rừng trước hết xuất phát từ trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm, BQL rừng phòng hộ, chính quyền địa phương, nhất là cán bộ kiểm lâm quản lý rừng, phụ trách địa bàn thực thi công vụ còn nhiều bất cập, hạn chế.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẩn trương rà soát đội ngũ cán bộ, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ vi phạm; đồng thời chủ động phối hợp với các lực lượng, cơ quan chức năng tăng cường đấu tranh với các hành vi tàn phá rừng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.
Hữu Trọng