Pháp luật

Để những cánh rừng không còn 'chảy máu'

16:00, 12/08/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, tình trạng chặt phá rừng đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp. Bên cạnh những áp lực về gia tăng dân số, yêu cầu bức thiết về đất ở và đất canh tác, còn có một nguyên nhân quan trọng khác dẫn tới tình trạng phá rừng tràn lan ở nhiều địa phương trên cả nước là món lợi lớn thu được từ việc khai thác, buôn bán các loại lâm sản, nhất là các loại gỗ quý.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm cả nước mất gần 32.000 ha rừng, trong đó nguyên nhân lớn là do nạn chặt phá rừng trái phép. Dù Chính phủ đã triển khai thực hiện các chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc nhưng diện tích rừng trồng mới vẫn không bù lại được diện tích rừng đã bị tàn phá. Đất trống, đồi trọc xuất hiện ngày càng nhiều, kéo theo vô số hệ lụy, điển hình là tình trạng lũ lụt, hạn hán bất thường diễn ra ở nhiều địa phương khắp các vùng, miền trong cả nước. Rất nhiều cây gỗ quý, có tuổi đời hàng chục, thậm chí hàng trăm năm đã bị “lâm tặc” ngang nhiên đốn hạ.

Thời gian qua đã phát hiện hàng trăm vụ tàn phá rừng  gây bức xúc trong dư luận
Thời gian qua đã phát hiện hàng trăm vụ tàn phá rừng gây bức xúc trong dư luận

Cùng với việc trồng mới, công tác bảo vệ, giữ gìn màu xanh của rừng đóng vai trò hết sức quan trọng. Không thể phủ nhận một thực tế là, trong “cuộc chiến” bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm chính là những người “đứng mũi chịu sào”. Mặc dù lực lượng mỏng, trang thiết bị kỹ thuật để thực thi nhiệm vụ còn thiếu thốn, lại thường phải quản lý một địa bàn rộng nhưng nhiều cán bộ kiểm lâm vẫn cần mẫn với nghề, âm thầm chịu đựng gian khổ, sống heo hút giữa rừng sâu để bảo vệ rừng.

Vì những món lợi lớn, “lâm tặc” đã tìm mọi cách chống đối lực lượng kiểm lâm. Trong khi lực lượng kiểm lâm còn mỏng, trang thiết bị, phương tiện làm việc còn hạn chế thì “lâm tặc” thường trang bị máy móc hiện đại phục vụ việc chặt phá rừng, thậm chí luôn thủ sẵn trong người nhiều loại vũ khí nguy hiểm như dao, kiếm, súng…, sẵn sàng chống trả lực lượng kiểm lâm. Cũng bởi vậy mà trong không ít cuộc đối đầu với “lâm tặc”, các cán bộ kiểm lâm bị rơi vào “thế yếu”. Để bảo vệ, giữ gìn màu xanh của những cánh rừng, không ít mồ hôi và cả máu của lực lượng kiểm lâm đã đổ xuống.

Tuy nhiên, đáng buồn là, bên cạnh những cán bộ kiểm lâm tận tụy, tâm huyết với nghề thì vẫn có một bộ phận không nhỏ đã bị tha hóa, biến chất. Họ “nhắm mắt” làm ngơ để “lâm tặc” ngang nhiên hoành hành, thậm chí có một số trường hợp còn trực tiếp tham gia tiếp tay vận chuyển gỗ lậu cho “lâm tặc”. Nhà nước giao cho lực lượng kiểm lâm quản lý, bảo vệ rừng nhưng một bộ phận trong số đó lại làm cho rừng xanh đang từng ngày “chảy máu”. Không ít vụ việc kiểm lâm tiếp tay cho “lâm tặc” trong thời gian qua cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập trong công tác bảo vệ rừng tại địa phương. Dù biết rằng, đó chỉ là “những con sâu làm rầu nồi canh” nhưng vấn đề là, phải có những biện pháp quyết liệt để loại bỏ những “con sâu” ấy.

Bùi Minh Tuấn

Các tin khác