Pháp luật

Cấp phép khai thác khoáng sản

Cần có sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân

14:52, 13/08/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, tại một số điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác nhưng lại vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân địa phương. Người dân cho rằng, nếu những mỏ khai thác này hoạt động sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, môi trường và nhiều quyền lợi khác của người dân trong vùng.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hàng trăm mỏ khoáng sản được cấp phép đang hoạt động. Trong số đó, có nhiều điểm mỏ đã hoạt động nhiều năm nhưng đến nay, người dân vẫn đang liên tục phản ánh lên các cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm môi trường, sạt lở, giao thông hư hại… Tuy nhiên, tình trạng trên hầu như vẫn chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân xung quanh điểm khai thác. Gần đây, người dân sinh sống gần một số điểm mỏ đã phản ứng quyết liệt ngay từ khi doanh nghiệp mới bắt đầu được cấp phép khai thác.

Lèn Vũ Kỳ đã được cấp phép khai thác nhưng hiện đang bị đình chỉ do sự phản đối quyết liệt của người dân
Lèn Vũ Kỳ đã được cấp phép khai thác nhưng hiện đang bị đình chỉ do sự phản đối quyết liệt của người dân

Đầu năm 2015, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 19/GP-UBND cho Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hoàng Đình Lâm, cho phép khai thác cát, sỏi tại khu vực bãi bồi xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. Theo đó, DNTN Hoàng Đình Lâm sẽ được khai thác trên diện tích 10 ha, trữ lượng 427.535 m³ với công suất 20.000 m³/năm, độ sâu khai thác gần 40 m. Thời hạn được cấp phép trong vòng 10 năm.

Sau khi nhận được hồ sơ, giấy phép khai thác mỏ cho doanh nghiệp trên, UBND xã Nghĩa Dũng đã thông báo cho cấp ủy và người dân xóm Gia Đề, là nơi có mỏ được biết. Tuy nhiên, khi biết được thông tin này, người dân xóm Gia Đề đã có những phản ứng quyết liệt, không đồng tình về việc cấp giấy phép khai thác mỏ cho DNTN Hoàng Đình Lâm tiến hành khai thác cát, sỏi trên địa bàn; đồng thời ngăn cản không cho doanh nghiệp này vận chuyển cát, sỏi đi qua địa bàn. Người dân cho rằng, việc khai thác trên sẽ làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Mặc dù các cấp chính quyền ở huyện Tân Kỳ đã vào cuộc, tìm hướng tháo gỡ vướng mắc, tuy nhiên người dân ở đây vẫn không đồng thuận với cách giải quyết của huyện.

Trước đó, vào tháng 6/2015, người dân một số xóm của hai xã Đồng Thành và Phúc Thành, huyện Yên Thành cũng đã có những phản ứng quyết liệt khi biết tin lèn đá Vũ Kỳ tiếp tục được cấp phép khai thác. Người dân 5 xóm, xã Đồng Thành, bao gồm các xóm Đồng Phúc, Vũ Kỳ, Hồng Kỳ, Đồng Long và Nam Viên cùng các họ tộc có người thân đang yên nghỉ tại nghĩa trang sát chân lèn đá Vũ Kỳ đã đồng loạt viết đơn phản đối, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An không cấp phép cho bất kỳ đơn vị nào khai thác đá tại lèn Vũ Kỳ với nhiều lý do. Điển hình như, nơi đây có chùa Thiên Tạo là di tích lịch sử văn hóa; lèn Vũ Kỳ trước đây còn là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược của quân đội ta trong thời chiến tranh; hiện tại còn có trường bắn của Ban chỉ huy quân sự huyện Yên Thành và đặc biệt là có nghĩa địa của 5 xóm, xã Đồng Thành với hàng trăm ngôi mộ cũ, mới ngay sát chân lèn Vũ Kỳ.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 3744/UBND-TN về việc "Tạm đình chỉ nội dung của giấy phép khai thác đá xây dựng tại lèn Vũ Kỳ, huyện Yên Thành" với nội dung, tạm đình chỉ việc thực hiện các nội dung của Giấy phép số 1492/GP-UBND ngày 17/4/2015 đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp cho Công ty TNHH Vũ Kỳ khai thác đá xây dựng tại khu vực lèn Vũ Kỳ, huyện Yên Thành kể từ ngày 9/6/2015.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Thiện, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Yên Thành và ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tân Kỳ đều khẳng định, quy trình khảo sát, lập hồ sơ của các mỏ khoáng sản nói trên đều tuân thủ đúng trình tự, quy định của pháp luật. Thế nhưng, khi người dân có phản ánh thì việc khai thác ở các mỏ này đều phải tạm đình chỉ để chờ kết quả kiểm tra, xác minh của cơ quan chức năng.

Theo quy định thì tài nguyên khoáng sản cát, sỏi là do Nhà nước quản lý nên quy trình không nhất thiết phải thông qua người dân. Trước khi tiến hành khảo sát, thăm dò, cơ quan chức năng có văn bản thông báo cho chính quyền địa phương về địa điểm thăm dò chứ không thông báo đến tận người dân, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết thêm.

Thực tế trên đặt ra vấn đề, người dân xung quanh khu vực mỏ sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất, trực tiếp nhất khi việc khai thác khoáng sản diễn ra. Vậy nhưng, trong một thời gian dài, việc thăm dò, khảo sát của cơ quan chức năng để cấp phép khai thác mỏ thì họ lại không được biết. Chỉ đến khi doanh nghiệp đã được cấp phép, người dân biết thông tin, mới phản đối quyết liệt. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của cả người dân và doanh nghiệp, đồng thời tác động tiêu cực đến việc đảm bảo ANTT tại địa phương.

Đ.T

Các tin khác