Pháp luật
Thiếu nguồn nước chữa cháy
(Congannghean.vn)-Nguồn nước được coi là “vũ khí” cực kỳ quan trọng để người chiến sỹ chữa cháy thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nước phục vụ việc chữa cháy tại Nghệ An đang thiếu trầm trọng. Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến nhiều ao, hồ tự nhiên cung cấp nguồn nước chữa cháy đã bị san lấp. Vì vậy, nguồn nước chính phục vụ chữa cháy hiện nay chỉ là nước sinh hoạt và nước tại bể chứa của các đơn vị PCCC.
Mới đây, Phòng Cảnh sát PC&CC số 2 (TX Cửa Lò), Cảnh sát PC&CC tỉnh Nghệ An đã có chuyến khảo sát địa bàn để kiểm tra nguồn nước phục vụ chữa cháy tại TX Cửa Lò và huyện Nghi Lộc.
Theo chân đồng chí Đại tá Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng, chúng tôi men theo Tỉnh lộ 543, đường lên vùng Tây Nghi Lộc. Ở đây có rất nhiều ao, hồ, sông, suối. Các CBCS tập trung đo đạc, ghi chép. Nguồn nước từ các ao, hồ, sông nằm ngay sát đường, tưởng chừng rất dễ hút nước; tuy nhiên, theo đồng chí Thủy thì xe chữa cháy không thể tiếp cận được. Bởi đường vào rất khó đi, vừa dốc, vừa nhiều “ổ voi” trong khi mặt nước lại sâu khoảng chừng 10 m, không có bãi đỗ xe chữa cháy nên xe không thể vào hút nước.
Các chiến sỹ Cảnh sát PC&CC gặp rất nhiều khó khăn để lấy được nguồn nước chữa cháy vì ao, hồ… quá sâu, đường dốc, không có bãi đỗ xe |
Quy chuẩn xây dựng quy định nguồn nước tự nhiên từ ao, hồ, sông, suối… phục vụ việc chữa cháy phải có chiều cao từ mặt nước đến họng hút máy bơm của xe chữa cháy không quá 4 m; phải có bãi đỗ xe bằng phẳng, xe có thể quay trở dễ dàng. Vì vậy, với chiều cao từ trục bơm đến mặt nước này thì xe chữa cháy không thể hút được. Đây cũng là thực trạng chung về nguồn nước chữa cháy hiện nay. Sau một ngày khảo sát, chỉ có 3 nguồn nước có thể lấy được nước. Thiếu nước chữa cháy trở thành nỗi lo lắng thường trực của các chiến sỹ PCCC.
Hiện nay, tại Nghệ An, các xe chữa cháy có tẹc nước dự trữ khối tích từ 2 - 4 m3 chỉ duy trì chữa cháy được 5 phút. Trong khi đó, nhiều vụ cháy lớn xảy ra hàng giờ đồng hồ, các trụ nước ở cơ sở không đủ nước, thậm chí không có đã dẫn tới việc chữa cháy không hiệu quả. Từ ngày 15/8/2014 đến nay, trên địa bàn TX Cửa Lò và huyện Nghi Lộc xảy ra 21 vụ cháy. Phần lớn các trường hợp khi nhận tin báo cháy, lực lượng Cảnh sát PC&CC đã kịp thời có mặt để dập lửa, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả vụ cháy. Tuy nhiên, có nhiều vụ cháy nổ, quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng PCCC gặp rất nhiều khó khăn, dẫn tới hiệu quả chữa cháy không cao.
Trong đó nguyên nhân chính là do nguồn nước phục vụ công tác PCCC không đáp ứng được yêu cầu chữa cháy. Hiện nay, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy chủ yếu lấy từ hai nguồn là nguồn nước tự nhiên trong các ao, hồ và các nguồn được bố trí ngầm tại các trụ nước trên các tuyến đường. Nguồn nước tự nhiên có vai trò rất quan trọng bởi chúng ta chưa có mạng lưới đường ống cấp nước riêng phục vụ việc chữa cháy. Hiện nay, nhiều ao, hồ tại các khu dân cư đã bị san lấp.
Đối với những ao, hồ nằm sát các tuyến đường giao thông, không có bến bãi để xe chữa cháy vào lấy nước, vì vậy khi xảy ra cháy, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước. Đáng chú ý, số lượng các trụ nước được lắp đặt hiện vẫn đang quá ít, chỉ cung cấp nước chữa cháy cho một số tuyến đường trung tâm hoặc một số khu vực mới được quy hoạch, cải tạo lại hệ thống cấp nước.
Qua khảo sát, toàn TX Cửa Lò và huyện Nghi Lộc chỉ có 6 trụ nước chữa cháy đô thị, 10 ao, hồ công cộng mà xe chữa cháy có thể hút được nước. Trong khi đó, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PC&CC số 2 cho biết, TX Cửa Lò cần ít nhất 140 trụ nước, 20 ao, hồ; huyện Nghi Lộc cần ít nhất 30 trụ nước, 40 ao, hồ phục vụ việc chữa cháy. Đại tá Nguyễn Xuân Thủy cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị chính quyền các địa phương quan tâm xây dựng các bến lấy nước chữa cháy để phục vụ công tác PCCC".
Để giảm bớt những thiệt hại do cháy gây ra, việc quy hoạch hệ thống cấp nước chữa cháy là vô cùng quan trọng, đặc biệt là ở các khu dân cư, khu công nghiệp, khu du lịch. Bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để nhân dân thực hiện tốt công tác PCCC, các ngành chức năng cần đầu tư nguồn kinh phí thỏa đáng để nâng cao chất lượng nguồn nước chữa cháy đạt tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu PCCC trong thời điểm hiện nay.
Huyền Thương - Bích Điệp