Pháp luật
Phòng, chống ma túy vùng dân tộc thiểu số
Cần giải pháp hỗ trợ đặc thù
08:30, 21/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Nhìn nhận đúng thực trạng ma túy và tệ nạn liên quan đến ma túy ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) để tìm giải pháp kìm giữ; lựa chọn phương thức sản xuất kinh tế cũng như cơ chế đặc thù hỗ trợ người dân thoát nghèo để đẩy lùi ma túy ra khỏi cộng đồng... Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra thảo luận tại Hội thảo đánh giá kết quả công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, HIV/AIDS vùng DTTS, vừa được tổ chức tại TP Vinh.
Hơn 7,8% vụ án ma túy liên quan đến đối tượng DTTS
Những năm qua, Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành đã luôn quan tâm chỉ đạo các địa phương tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao đời sống của đồng bào DTTS. Đồng bào DTTS sống tập trung ở các tỉnh miền núi phía Tây, tỉnh giáp biên giới, tỉnh “trọng điểm” về ma túy đã tích cực, đoàn kết giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy... Tuy nhiên, tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng.
Công an huyện Quỳ Châu tuyên truyền về phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy cho người dân và thanh thiếu niên trong đồng bào DTTS |
Dân số các huyện miền núi ở Nghệ An là 1,2 triệu người, trong đó đồng bào các DTTS là hơn 40 vạn người. Trong thời gian qua, một bộ phận đồng bào DTTS trong tỉnh đã bị các đối tượng lôi kéo hoạt động phạm tội liên quan đến ma túy. Đặc biệt là người Mông với lối sống du canh du cư, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế còn khó khăn, sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên dễ bị các phần tử xấu rủ rê tham gia vận chuyển thuê ma túy. Trong khi đó, từ vùng Tam giác Vàng vào Nghệ An, các tổ chức tội phạm về ma túy đã hình thành nhiều đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy.
Các đối tượng thường thuê người dân tộc Mông ở hai bên biên giới có quan hệ anh em họ hàng, thân tộc và thông thuộc địa hình rừng núi để vận chuyển ma túy vào tỉnh Nghệ An. Thủ đoạn là thuê nhiều người, mỗi người mang một lượng nhỏ, vận chuyển theo đường mòn, từ đó hình thành nên các đường dây vận chuyển ma túy khép kín. Tính chất, mức độ và hành vi liên quan đến tội phạm ma túy ở Nghệ An còn thể hiện ở chỗ, khi bị lực lượng chức năng phát hiện, chúng sẵn sàng chống trả quyết liệt, sử dụng tối đa các phương tiện, vũ khí "nóng" hiện có.
Thực tế cho thấy, tội phạm ma túy ở Nghệ An còn xuất hiện các đường dây do người DTTS cầm đầu. Một số điểm “nóng” về ma túy tại khu vực biên giới thuộc các xã Lượng Minh, Nga My, Yên Na, huyện Tương Dương; tại các xã Mường Nọc, Tri Lễ, Châu Thôn, huyện Quế Phong; các xã Mỹ Lý, Mường Lống, huyện Kỳ Sơn…, một số đối tượng người Lào cấu kết với số đối tượng trốn truy nã phạm tội liên quan đến ma túy và một số người DTTS được trang bị vũ khí “nóng” dựng lều lán để tổ chức mua bán trái phép chất ma túy, gây bức xúc cho chính quyền và nhân dân địa phương.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong vòng 10 năm qua, lực lượng Cảnh sát về ma túy các cấp ở Nghệ An đã khởi tố 7.903 vụ, bắt 12.426 đối tượng, trong đó có 917 đối tượng là người DTTS, chiếm tỉ lệ 7,81%. Nhiều vụ án, chuyên án ma túy lớn đã được triệt phá có sự tham gia của nhiều "mắt xích" là đối tượng người DTTS đã cho thấy tính chất phức tạp của tệ nạn này đối với đời sống xã hội.
Cần những chính sách, cơ chế hỗ trợ hợp lý
Theo ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, những đối tượng tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy là người DTTS nghèo khó. Do vậy, trước tiên cần đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Có như vậy mới giải quyết được tận gốc vấn đề. Tiếp đến là chú trọng công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy; tuyên truyền, vận động bà con không trồng và không tái trồng cây có chứa chất ma túy; tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục các đối tượng phạm tội ma túy từ bỏ con đường lầm lạc.
Đó là một trong những ý kiến tâm huyết, khách quan được đưa ra tại Hội thảo đánh giá kết quả công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, HIV/AIDS vùng DTTS, vừa được tổ chức tại TP Vinh, tạo được sự đồng thuận cao trong đại đa số đại biểu. Bởi thực tế hiện nay, do đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào con đường phạm pháp; trình độ dân trí của bà con còn thấp, giao thông vùng miền núi hiểm trở, đi lại khó khăn khiến cho công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn do mạng lưới đường biên giới dài, địa hình phức tạp…
Vì vậy, công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy cần phải được chú trọng. Các ngành, đơn vị liên quan cần biên soạn tài liệu dễ đọc, dễ nhớ, phù hợp với đặc điểm tâm lý của bà con người DTTS và nhân dân miền núi, đồng thời cử những cán bộ có năng lực, giàu kinh nghiệm và biết tiếng dân tộc để làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực miền núi, biên giới về phòng, chống ma túy. Trên cơ sở đó, phát động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện và tố giác tội phạm ma túy thông qua phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Việc đồng bào địa phương từ chỗ bị lợi dụng vào việc mua bán trái phép chất ma túy đến việc trở thành những “đầu mối” mua bán ma túy qua biên giới là một thực trạng đáng báo động. Vì vậy, cùng với việc đấu tranh, bắt giữ các đối tượng, đường dây tội phạm, cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, HIV/AIDS trong đồng bào DTTS ở khu vực sát biên giới.
Đấu tranh phòng, chống ma tuý nói chung và ở vùng DTTS nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Mỗi đơn vị phải có trách nhiệm tìm ra giải pháp cho địa phương mình. Đồng thời, ngoài các chính sách chung của Nhà nước nên có những dự án đặc thù để hỗ trợ các địa phương nhằm tạo chuyển biến tại các xã, các thôn, bản bị ma tuý xâm nhập, tàn phá, tạo điều kiện để các địa phương có nguồn lực để phát triển kinh tế, góp phần trực tiếp vào việc đẩy lùi các tệ nạn xã hội, bảo vệ vững chắc an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội.
Thống kê của Văn phòng thường trực BCĐ phòng, chống tội phạm và ma túy cho biết: Chỉ riêng trong năm 2014, các lực lượng chức năng đã phát hiện 21.619 vụ, bắt giữ 31.551 đối tượng; thu 922 kg hêrôin, 46,2 kg cocain, 32 kg thuốc phiện, 442 kg cần sa khô, 1.248 kg cần sa tươi, 352 kg và 297.285 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều phương tiện, tài sản, vật chứng khác. Theo số liệu của Bộ Công an, tội phạm ma túy chiếm tới 34% tội phạm cả nước. Trong đó, người dân tộc Kinh phạm tội chiếm tới 80%, số đồng bào DTTS chiếm 20%. (Trích báo cáo tại Hội thảo do Ủy ban Dân tộc và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức).
Xuân Thống