Pháp luật

Mạnh tay với vi phạm trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng

08:42, 18/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Do sự buông lỏng trong quản lý của các cơ quan chức năng nên trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), với các hình thức như chiếm giữ, mua bán, trao đổi bình LPG của các hãng khác không thuộc quyền sở hữu ngoài hợp đồng phân phối để đưa sản phẩm của hãng mình vào nhằm chiếm lĩnh thị trường. Những hành vi trên đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên lĩnh vực kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng.
 
Mạnh tay với các hành vi vi phạm
 
Ngày 17/5, trao đổi với phóng viên, đồng chí Đại tá Trần Ngọc Sơn, Phó trưởng Công an TX Hoàng Mai cho biết, cơ quan CSĐT Công an thị xã đang thụ lý và tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc chiếm dụng trái phép hơn 10.300 vỏ bình gas các loại của Công ty TNHH Dầu khí Thanh Hóa, chi nhánh Hoàng Mai, đóng trên địa bàn để làm rõ sai phạm. 
Công an TX Hoàng Mai phát hiện vụ việc chiếm dụng                                                         hơn 10.300 vỏ bình gas trái phép
Công an TX Hoàng Mai phát hiện vụ việc chiếm dụng hơn 10.300 vỏ bình gas trái phép
Trước đó, từ đơn tố giác của các đơn vị sản xuất, kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng trên địa bàn cùng với nguồn tin do nhân dân cung cấp, về việc Công ty TNHH Dầu khí Thanh Hóa, chi nhánh Hoàng Mai có dấu hiệu chiếm dụng hàng vạn bình gas trái phép, sau khi củng cố nguồn tin, vào hồi 14 giờ ngày 14/5, Công an TX Hoàng Mai đã tiến hành kiểm tra cơ sở sang chiết gas của Công ty này đóng tại xã Quỳnh Lộc, TX Hoàng Mai. Quá trình kiểm tra cho thấy, cơ sở này đã tàng trữ 10.300 vỏ bình gas của 16 hãng khác nhau. Tại thời điểm kiểm tra, Công ty không xuất trình được các giấy tờ hợp pháp, như hợp đồng ký kết trao đổi vỏ gas với đối tác hoặc giấy ủy quyền về việc sử dụng vỏ gas của các hãng khác. Chính vì thế, Công an thị xã đã tạm giữ toàn bộ số vỏ bình gas trên để tiến hành điều tra, làm rõ sai phạm. 
 
Được biết, đây không phải là lần đầu vi phạm của Công ty TNHH Dầu khí Thanh Hóa, chi nhánh Hoàng Mai. Vào tháng 4/2015, Công ty này đã bị xử phạt hành chính 50 triệu đồng về hành vi sang chiết gas lậu. Mới đây nhất, vào ngày 13/5, Công an các huyện Diễn Châu và Nam Đàn cũng đã bắt giữ và xử lý 2 xe ôtô của Công ty khi đang vận chuyển vỏ bình của nhiều hãng gas khác nhau mới được thu gom trên địa bàn.
 
Trước đó, vào ngày 3/8/2014, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Chi cục QLTT Hà Tĩnh đã kiểm tra xe ôtô BKS 49C-039.21 của Công ty TNHH Dầu khí Thanh Hóa, chi nhánh Hoàng Mai, phát hiện 480 bình LPG không thuộc sở hữu của Công ty. Đội đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm có giá trị gần 90 triệu đồng. Ngoài ra, theo đơn tố cáo, nhằm từng bước chiếm lĩnh thị trường, tiến tới phân phối độc quyền, trong thời gian gần đây, Công ty TNHH Dầu khí Thanh Hóa, chi nhánh Hoàng Mai đã có những hoạt động cạnh tranh thiếu lành mạnh, dẫn đến vi phạm về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. 
 
Liệu có buông lỏng quản lý?
 
Được biết, trong những năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng tăng nhanh, tốc độ tăng trưởng gas toàn tỉnh bình quân vào khoảng 20,32%/năm nên số lượng các cửa hàng, đại lý kinh doanh trong lĩnh vực này không ngừng phát triển. Tính đến thời điểm hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có khoảng 700 cửa hàng chuyên kinh doanh gas đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, trong đó có khoảng 100 cửa hàng nằm trong cửa hàng xăng dầu.
 
Ngoài ra, vẫn còn trên 400 cửa hàng kinh doanh gas nhưng chưa có đủ điều kiện, phần lớn trong số này là các cửa hàng tạp hóa quy mô nhỏ, bán gas cùng với các mặt hàng khác. Mặc dù kinh doanh trong lĩnh vực LPG tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, song hệ thống đảm bảo an toàn lại bị xem nhẹ. Kho chứa tại các cửa hàng gas trong toàn tỉnh chỉ ở mức nhỏ và trung bình, phần lớn đều không có hệ thống kho dự trữ, mà chỉ có khu vực bồn chứa ngay tại cửa hàng. 
 
Ngoài ra, trên lĩnh vực hoạt động mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng hiện nay, qua tìm hiểu được biết, sự cạnh tranh giữa các cá nhân, tổ chức kinh doanh mặt hàng này là không đồng đều và xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh nhằm chiếm lĩnh thị trường độc quyền. Cụ thể, trên lĩnh vực kinh doanh gas, từ trước đến nay đang tồn tại tình trạng các đại lý sử dụng vỏ bình gas lẫn lộn giữa hãng này với hãng khác mà chưa có bất cứ văn bản thỏa thuận nào hoặc có sự ký kết giữa các bên, dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh, qua đó, tạo kẽ hở cho vấn nạn gas rởm lộng hành. 
 
Theo các doanh nghiệp đầu mối, cái khó lớn nhất hiện nay ở Nghệ An là chưa có Hiệp hội gas nên quyền lợi của doanh nghiệp chưa được đảm bảo. Nếu Hiệp hội gas Nghệ An ra đời sẽ tạo ra sự đoàn kết, hỗ trợ cùng phát triển để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên, góp phần tạo ra môi trường kinh doanh gas lành mạnh. Đơn cử như đối với vi phạm trong lĩnh vực thu gom vỏ bình gas giữa các hãng với nhau như hiện nay, có thể đảm bảo hợp pháp bằng việc tổ chức cho các cơ sở kinh doanh đã được cấp phép ký bản cam kết chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. Nếu làm được như vậy, không chỉ tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh trên lĩnh vực khí dầu mỏ hóa lỏng mà còn bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.

 

Thiên Thảo - Ngọc Thái

Các tin khác