Pháp luật
Lao động trái phép ở nước ngoài: Tiềm ẩn nhiều rủi ro
09:17, 12/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 10.000 lao động tự do ở nước ngoài, trong đó tập trung ở các nước như: Lào (hơn 6.000 người), Malaysia (gần 3.000 người), Thái Lan (gần 400 người) và Campuchia (gần 150 người)…, trong số này, có hàng trăm lao động bất hợp pháp. Do cư trú trái phép ở nước ngoài, không có giấy tờ hợp lệ nên công dân Việt Nam bị phân biệt đối xử và không được đảm bảo các quyền, lợi ích của người lao động.
Theo tìm hiểu được biết, công dân Việt Nam nói chung và công dân Nghệ An nói riêng đang cư trú, lao động trái phép ở nước ngoài chủ yếu xuất cảnh dưới hai hình thức: Đi thăm thân hoặc du lịch. Khi hết thời hạn, người lao động không trở về nước theo quy định mà tiếp tục ở lại nước ngoài (cư trú bất hợp pháp - P.V) tìm kiếm công việc…
Thực tế cho thấy, những năm qua, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh đã trở nên giàu có, khấm khá hơn kể từ khi có nguồn ngoại hối được gửi về thường xuyên từ người lao động ở nước ngoài. Thế nhưng, bên cạnh những gia đình giàu lên, có không ít gia đình trở nên lao đao, “tiền mất tật mang” vì người lao động bị mắc lừa các trung tâm xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm không có uy tín. Do không có “hợp đồng lao động” hoặc bị đưa ra nước ngoài theo đường tiểu ngạch, nên nhiều lao động bị cảnh sát nước ngoài bắt giam rồi trục xuất về nước hoặc phải sống “chui rúc”, làm công việc nặng nhọc nhưng tiền lương không đủ sống, không có tiền trở về nước… Thậm chí, nhiều lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài đã phải bỏ mạng nơi xứ người vì bệnh tật hoặc do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Một lao động Việt Nam tử vong tại Ănggôla |
Cách đây không lâu, vào thời điểm cuối tháng 12/2014, chị Thái Thị Tr. (SN 1994) trú tại xã Xuân Thành, huyện Yên Thành đã không may phải bỏ mạng nơi xứ người (Moskow - Nga) trong khi tìm cách trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Hay như, tại đất nước Ănggôla hiện có rất nhiều lao động Nghệ An đang cư trú và lao động bất hợp pháp, ban ngày họ phải làm việc dưới cái nắng gay gắt, nhưng đêm về lại phải chống chọi với lạnh giá.
Việc ăn uống cũng không đảm bảo sức khỏe, thiếu nước và rau xanh nên nhiều lao động tại đây phải bỏ về nước và cũng có không ít người vì đau ốm, bệnh tật mà phải bỏ mạng nơi xứ người. Một thanh niên từng lao động ở Ănggôla cho biết: Ban đêm, những lao động Việt Nam bất hợp pháp phải chống chọi với nạn trộm, cướp hoành hành hoặc sự lục soát của cảnh sát địa phương. Nếu ai đó không may bị bắt thì phải nộp một khoản tiền chuộc không hề nhỏ.
Hiện nay, tại Nghệ An, chưa có đơn vị nào được cấp phép đưa lao động sang Thái Lan và Ănggôla làm việc. Trong thời gian gần đây, Thái Lan đang tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài, đặc biệt là thanh tra lao động bất hợp pháp. Đối với lao động Việt Nam, Thái Lan thực hiện việc đăng ký lao động để tiến tới ký Biên bản hợp tác lao động Việt Nam và Thái Lan, nhằm giải quyết vấn đề lao động tự do còn tồn đọng và nhận lao động Việt Nam trong nước sang làm việc theo thỏa thuận.
Theo đó, phía Thái Lan cũng đã thông báo tiến trình đăng ký lao động Việt Nam theo các bước như sau: Thanh tra, rà soát số lao động bất hợp pháp người nước ngoài nói chung và người Việt Nam nói riêng; yêu cầu các doanh nghiệp Thái Lan triển khai đăng ký lao động Việt Nam, yêu cầu kê khai tình hình và nhu cầu sử dụng lao động; khuyến khích lao động Việt Nam đăng ký với chính quyền, tiến hành đăng ký lao động bất thường Việt Nam; cấp giấy phép lao động tạm thời có giá trị 1 năm cho những người đủ điều kiện (có hộ chiếu Việt Nam, làm việc giản đơn trong lĩnh vực cho phép tại Thái Lan trước thời điểm công bố danh sách đăng ký lao động); cấp giấy phép lao động chính thức theo quy định trong MOU (Biên bản ghi nhớ) sẽ được ký kết giữa hai nước.
Khảo sát thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, nhu cầu tìm kiếm việc làm ở nước ngoài của người lao động Nghệ An ngày càng gia tăng, dẫn tới cung vượt quá cầu. Do vậy, nhiều lao động khi hết thời hạn đã không trở về nước theo quy định của pháp luật mà tìm cách bám trụ ở lại nước sở tại để tiếp tục làm việc. Bên cạnh đó, nhiều người muốn ra nước ngoài làm việc nhưng do không có hợp đồng lao động chính thống, đã tìm cách đi bằng con đường tiểu ngạch. Không có giấy tờ hợp lệ dẫn tới tình trạng bị phân biệt đối xử ở nước bản địa và luôn tiềm ẩn những hệ lụy xấu là những nguy cơ đáng báo động mà người lao động tại nước ngoài bất hợp pháp phải đối mặt.
Đức Thắng