Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201207/21819-bat-cap-quan-ly-su-dung-lao-dong-nuoc-ngoai-396109/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201207/21819-bat-cap-quan-ly-su-dung-lao-dong-nuoc-ngoai-396109/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bất cập quản lý, sử dụng lao động nước ngoài - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 22/07/2012, 14:00 [GMT+7]
21819

Bất cập quản lý, sử dụng lao động nước ngoài

Kỳ II: Xử lý khó, kiểm soát không dễ
 
Theo quy định: Khi chủ đầu tư có nhu cầu ký hợp đồng lao động, nhà thầu cần lao động ngoài nước phải đi tuyển dụng; khi đó phải có ý kiến của UBND tỉnh đồng ý cho phép tuyển dụng lao động nước ngoài và có quy định số lượng lao động cụ thể; đồng thời, nhà thầu phải có thông báo năng lực lao động trong nước không đảm bảo mới có thể tuyển lao động nước ngoài. Lao động nước ngoài hợp pháp phải có yêu cầu về kinh nghiệm 5 năm làm việc do cơ quan nước sở tại xác nhận.
 
Mặc dù hàng năm, Sở LĐ-TB&XH đều tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện Luật Lao động, trong đó có cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay, việc triển khai thực hiện theo đúng quy định chưa nghiêm túc.
 
Theo quy định, đối với lao động nước ngoài ở các khu kinh tế, khu công nghiệp: Trưởng ban khu kinh tế (khu công nghiệp) có quyền cấp phép khi được Sở LĐ-TB&XH ủy quyền và hướng dẫn giám sát tổ chức thực hiện theo pháp luật lao động; định kỳ báo cáo cho cơ quan chuyên môn của Sở.
 
Pháp luật cũng quy định, người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nước ngoài vào Việt Nam làm việc; người nước ngoài phải nghiên cứu đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam do người sử dụng lao động cung cấp, đồng thời phải chuẩn bị các giấy tờ, thủ tục cần  thiết và thực hiện theo đúng quy định như khi có nhu cầu tuyển lao động nước ngoài phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc qua trung tâm giới thiệu việc làm.
 
Lao động nước ngoài ở các khu mỏ, khai thác đá khó kiểm soát
 
Cùng với đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý lao động nước ngoài chưa đồng bộ, còn chồng chéo với các văn bản chuyên ngành khác đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý lao động nước ngoài. Một trong những “chiêu” lách luật mà chủ đầu tư, nhà thầu "dùng" là khai báo lao động dưới 3 tháng, rồi "quay vòng" để trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ và thủ tục liên quan.
 
Bởi theo quy định lao động sang làm việc tại Việt Nam dưới 3 tháng không phải cấp phép. Lao động này chỉ có thông báo đầy đủ và đưa hồ sơ về Sở LĐ-TB&XH. Trên thực tế, ở một số doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động ngoài nước lại không thông báo về cơ quan lao động. Lợi dụng sơ hở này, các doanh nghiệp "lách" vẫn cho vào làm việc, đến khi hết hạn lao động doanh nghiệp cho về sau đó lại tuyển lao động khác.
 
Theo ông Nguyễn Đăng Dương - Trưởng phòng lao động - việc làm, Sở LĐ-TB&XH: So với các địa phương khác như Hải Dương, Quảng Ninh thì Nghệ An tình trạng trên ít xảy ra hơn. Tuy vậy, một khó khăn cho địa phương là ở câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An từ khi chủ trương lên "đấu trường" chuyên nghiệp thì hàng năm đều có các cầu thủ "ngoại" đăng ký thi đấu sau khi CLB hợp đồng, chuyển nhượng, nhưng thực tế qua các đợt kiểm tra ở đây đều thiếu các thủ tục cần thiết nên không được cấp phép bị trục xuất theo quy định.
 
Trên địa bàn tỉnh, ngoài một số đơn vị chấp hành nghiêm túc như ở các Nhà máy thủy điện, Nhà máy sữa TH, Công ty mía đường T&L... thì ở các mỏ đá, doanh nghiệp khai thác đá, việc thực hiện theo đúng quy định về khai báo cũng như tuân thủ pháp luật còn chưa được người sử dụng lao động coi trọng.

Theo Thượng tá Trần Xuân Vinh - Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (PA72) Công an tỉnh, để được cấp phép lao động, cần có nhiều thủ tục, như: Hộ chiếu xuất khẩu, chứng chỉ bằng cấp chuyên môn, hợp đồng lao động, giấy chứng nhận sức khỏe và lý lịch tư pháp. Đối với lý lịch tư pháp phải qua một số thủ tục chứng thực và mất nhiều thời gian, vì vậy đã ảnh hưởng tiến độ cấp giấy phép lao động.
 
Mặt khác, quy định cho phép người sử dụng lao động nhập lao động phải có giấy xác nhận kinh nghiệm từ 5 năm trở lên, lại do chính nước sở tại xác nhận nên ta khó kiểm soát được độ tin cậy, vì khó có thể nắm được họ có kinh nghiệm hay không để có đủ điều kiện cấp phép. Đối với những hành vi vi phạm, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý phù hợp với pháp luật Việt Nam.
 
Thủ tục nhập cảnh, hành lang pháp lý cần thiết đối với lao động nước ngoài
 
Những hành vi nghiêm trọng đều bị dùng biện pháp mạnh để ngăn chặn, buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các biện pháp, chế tài chưa đủ sức răn đe nên nhiều doanh nghiệp "sẵn sàng" nộp phạt và tiếp tục vi phạm.
 
Để hạn chế những bất cập trên, đồng thời tạo một hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ nhằm tăng cường quản lý đối với lao động nước ngoài trên tinh thần chủ trương thu hút đầu tư, thu hút lao động có chuyên môn cao của tỉnh, thời gian tới, các cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường kiểm tra, rà soát những doanh nghiệp có lao động là người nước ngoài đang cư trú và làm việc để có hướng quản lý, kiểm soát chặt chẽ.
 
Đồng thời chú trọng đến công tác tuyển dụng, quản lý lao động nước ngoài, cùng với đó là các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật Việt Nam đến người lao động; tăng cường công tác thanh kiểm tra, rà soát thực hiện quy định của pháp luật Việt Nam về tuyển dụng, cấp phép, gia hạn giấy phép đối với LĐNN; kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bên liên quan như Công an tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Sở KH&ĐT và các đơn vị sử dụng lao động, nhất là với các KKT, KCN.

Xuân Thống
.