Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201207/21735-lap-ho-so-khong-rut-tien-ngan-sach-396163/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201207/21735-lap-ho-so-khong-rut-tien-ngan-sach-396163/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lập hồ sơ khống, rút tiền ngân sách - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 18/07/2012, 08:00 [GMT+7]
21735

Lập hồ sơ khống, rút tiền ngân sách

Cách GPMB “lạ” ở một xã nghèo
 
Dự án đầu tư xây dựng đường tả ngạn sông Lam (Quốc lộ 7B) trước đây do Sở Giao thông Vận tải Nghệ An thực hiện. Từ năm 2008, dự án này đã được chuyển giao cho UBND huyện Anh Sơn làm chủ đầu tư.
 
Đây là tuyến đường quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đối với các xã nằm tả ngạn sông Lam của huyện Anh Sơn. Toàn tuyến có chiều dài 35 km, đi qua 8 xã của huyện Anh Sơn, với tổng đầu tư 283 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ.
 
Tháng 3/2009, dự án chính thức khởi công và theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong thời gian 1 năm. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 3 năm, không những dự án không hoàn thành như tiến độ đề ra mà trong quá trình thực hiện, đã phát sinh những tiêu cực, sai phạm nghiêm trọng.
 
Tại xã Hùng Sơn, trong quá trình đền bù, GPMB để phục vụ dự án đi qua địa phương, bộ sậu chính quyền nơi đây đã âm mưu lập 19 bộ hồ sơ khống với ý định chiếm đoạt tiền từ ngân sách Nhà nước với số tiền gần 1 tỷ đồng. 
 
Dự án đường tả ngạn sông Lam đoạn đi qua xã Hùng Sơn có chiều dài hơn 6 km, 290 hộ dân nằm trong diện phải giải tỏa. Để đẩy nhanh việc giải phóng và bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công, ngày 29/10/2009, xã Hùng Sơn ban hành Quyết định 32 về việc thành lập tổ công tác GPMB với 14 thành viên, do Chủ tịch UBND xã Võ Văn Hiền làm tổ trưởng, các thành viên còn lại đều là cán bộ xã và trưởng thôn, hoàn toàn không có sự tham gia của người dân.
 
Một ngày sau khi thông báo trên hệ thống loa truyền thanh về việc GPMB, mặc dù chưa có quyết định thu hồi đất, chưa lập danh sách và niêm yết kinh phí bồi thường nhưng UBND xã Hùng Sơn vẫn tiến hành san ủi vào ngày 16/4/2010.
 
Ồ ạt đến độ, chỉ trong thời gian 5 ngày, đã có 279 hộ dân phải tháo dỡ để bàn giao mặt bằng cho dự án. Thậm chí, trong thời gian này, mặc cho nhiều hộ dân không có mặt ở nhà, xã vẫn tiến hành tháo dỡ, giải tỏa. 
 
Lật tẩy âm mưu lập hồ sơ khống rút tiền ngân sách
 
Sai phạm nghiêm trọng nhất trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng dự án Quốc lộ 7B đoạn qua xã Hùng Sơn là việc quan xã nơi đây đã đồng thuận cùng nhau lập hồ sơ ảo để chiếm tiền thật.
 
Cụ thể, sau khi tiến hành kiểm đếm xong cho các hộ dân bị ảnh hưởng, thấy thừa ra một số diện tích đất thuộc đất 5% do xã quản lý nên ngày 28/10/2010, xã tiến hành họp bàn việc nhờ một số hộ dân đứng tên đất 5% của UBND xã quản lý để hưởng thêm tiền đền bù chênh lệch và được hội nghị nhất trí cao.
 
Ngày 22/11/2010, xã họp với 19 hộ dân nhờ đứng tên, sau khi nghe xã quán triệt mục đích lấy tiền là để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương, nhằm giảm bớt phần đóng góp cho nhân dân, 19 hộ dân đã đồng ý đứng tên với tổng diện tích đất thu hồi là 12.044m2. 
 
Ngổn ngang Quốc lộ 7B đoạn qua xã Hùng Sơn
 
Do giá đất nông nghiệp UBND xã quản lý khi bị thu hồi không được hỗ trợ thêm 2 lần nên với diện tích trên, số tiền đền bù chỉ là 373.364.000 đồng. Còn nếu mượn nông dân đứng tên, số tiền đền bù sẽ là 1.120.092.000 đồng. Như vậy, nhờ 19 hộ dân, xã Hùng Sơn sẽ rút ngân sách Nhà nước số tiền chênh lệch là 746.728.000 đồng.
 
Trong số này, có nhiều hộ dân có đất ở và đất vườn không nằm trên trục đường tả ngạn sông Lam, như hộ bà Nguyễn Thị Huệ ở xóm 1, với số tiền đền bù là hơn 18,5 triệu đồng; hộ ông Võ Văn Tỵ, cư trú tại xóm 6 nhưng lại có đất đền bù tại xóm 2 với số tiền 126 triệu đồng. Thậm chí, trong số này có những bộ hồ sơ đã được lập theo kiểu lập lờ, đánh đố như trường hợp hồ sơ mang tên Nguyễn Quang, với số tiền 108,5 triệu đồng.
 
Đến khi danh sách được công khai, người dân rà soát lại thì thấy cả xã Hùng Sơn không ai có tên như vậy mới có ý kiến. Lúc này, xã mới chữa cháy bằng giải thích rất ngô nghê, là do lỗi của vi tính. Nguyễn Quang thực chất là hộ ông Nguyễn Quang Trung ở xóm 1. Tuy nhiên, khi lập danh sách, đánh máy đã sơ suất thiếu tên chủ hộ là “Trung” mà chỉ đánh “Nguyễn Quang”. Tương tự như vậy là 3 bộ hồ sơ mang tên “Nguyễn Nguyên”, mà không có tên chủ hộ. 

Việc làm nhập nhèm này của Đảng ủy, chính quyền xã Hùng Sơn chỉ bị phát giác khi danh sách được thông báo công khai tại các nhà văn hóa xóm vào tháng 6/2011. Người có công phát hiện là chị Nguyễn Thị Trung ở xóm 5. Cũng vì chuyện này mà khi ra UBND xã xin xác nhận hồ sơ lý lịch cho con, gia đình chị Trung đã bị trù dập bằng xác nhận “không chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương” của ông Phó Chủ tịch UBND xã Trần Minh Hoàn.
 
Điều đáng nói là việc xã Hùng Sơn lập 19 hồ sơ khống, khi trình lên vẫn được Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Anh Sơn phê duyệt. Chỉ đến khi bị phát giác, Thanh tra huyện vào cuộc và đến ngày 14/9/2011 đã có Kết luận số 09/KL.UBND về những sai phạm của xã này.
 
Ngay sau đó, huyện Anh Sơn ra quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 3 cán bộ xã là Bí thư Đảng ủy Trần Đức Châu, Chủ tịch Võ Văn Hiền và Phó Chủ tịch Trần Minh Hoàn.
 
Việc làm này gây bất bình cho nhân dân, một số công dân thấy chưa thỏa đáng tiếp tục có ý kiến và mới đây nhất vào tháng 6/2012, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu huyện Anh Sơn nhanh chóng vào cuộc để xử lý dứt điểm vụ việc lình xình xảy ra tại xã Hùng Sơn.

Thiên Thảo - Trường Khuyên
.