Pháp luật
Bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm: SOS!
08:16, 02/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là loài động vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng, thuộc danh mục các loài, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm do Chính phủ quy định. Vai trò và tính cấp thiết cần được bảo tồn, bảo vệ là thế. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng tàng trữ, sử dụng và mua bán các loài động vật này đang diễn ra ở nhiều địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Cuối tháng 1/2015, qua công tác nắm tình hình, tại xã Tam Thái, huyện Tương Dương, Đội công tác Phòng Cảnh sát PCTP về Môi trường Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Tương Dương khám xét khẩn cấp nhà đối tượng Trần Gia Ngũ (SN 1956), còn gọi là Ngũ què, quê quán ở huyện Đô Lương, đăng ký thường trú tại bản Lủng, xã Tam Thái, phát hiện đối tượng đang có hành vi tàng trữ trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm gồm: 53 cá thể khỉ (2 con còn sống), 12 cá thể chồn, 1 con mèo rừng, 14 chân lợn rừng, 2 đầu lợn rừng và một khối lượng lớn thịt lợn rừng.
Tình trạng săn bắt, buôn bán động vật rừng quý, hiếm đang diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi khó lường |
Mới đây, ngày 18/3, đơn vị này đã phối hợp với Công an huyện Con Cuông bắt đối tượng Lê Thị Tú Oanh (SN 1982) trú tại xã Chi Khê, huyện Con Cuông khi đang vận chuyển 1 thùng chứa 6 cá thể mèo rừng quý hiếm (khối lượng 18 kg) đang bị ướp lạnh. Qua đấu tranh, đối tượng khai nhận, số mèo rừng trên được mua từ nhiều đối tượng chuyên đi săn bắn ở Vườn Quốc gia Pù Mát.
Dẫn chứng hai vụ việc trên đây để thấy rằng, tình trạng săn bắn, tàng trữ và mua bán động vật quý, hiếm đang diễn ra ngày càng phức tạp, đe dọa đến môi trường sống, gây mất cân bằng sinh thái và tác động "ngược" đến con người. Nghệ An từ lâu được xem là địa bàn rộng, có hệ thực vật, động vật phong phú, với nhiều chủng loại. Tuy nhiên, theo thời gian, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thay đổi đã ảnh hưởng đến các quần thể nơi các loài động, thực vật sinh sống; trong số đó có các loài đã "di cư" đến các vùng đất mới; có loài thích nghi ở môi trường cũ nhưng lại chịu tác động tiêu cực từ con người.
Tỉnh Nghệ An cũng đã có nhiều biện pháp để bảo vệ, phát triển các vườn quốc gia, các khu bảo tồn nhằm tạo ra một khu sinh quyển phong phú, đa dạng về chủng loại. Thế nhưng, trong quá trình phát triển ở các địa phương, việc người dân vào các địa điểm này khai thác các loài thực vật quý, hiếm để kinh doanh, làm các bài thuốc đã tận diệt nhiều loại dược liệu quý, kèm theo đó là động vật cũng gây biến động không nhỏ tới hệ sinh thái rừng. Thêm vào đó là nạn săn bắn động vật ngày càng tăng, trong khi công tác bảo tồn, bảo vệ chưa được như mong muốn đã gây nên nhiều hệ lụy lâu dài.
Đồng thời, việc khuyến khích áp dụng công nghệ sinh học phù hợp, tổ chức xây dựng trang trại, hộ gia đình nhân nuôi các loài động vật hoang dã, quý hiếm phục vụ công tác bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội dựa trên phương châm cân bằng sinh thái và phát triển bền vững… chưa được thực hiện đã ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, gìn giữ hệ sinh thái.
Ngày 30/3/2006, Chính phủ ban hành Nghị định 32 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Trong đó, nghiêm cấm các hành vi khai thác thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; săn bắn, bẫy, bắt, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trái quy định. Nghị định cũng nghiêm cấm vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trái quy định.
Theo quy định của Nghị định này, trong mọi trường hợp động vật rừng đe dọa, xâm hại tài sản hoặc tính mạng của nhân dân, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải áp dụng trước các biện pháp xua đuổi, không gây tổn thương đến động vật rừng. Trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trực tiếp tấn công đe doạ tính mạng nhân dân ở ngoài các khu rừng đặc dụng, sau khi đã áp dụng các biện pháp xua đuổi nhưng không có hiệu quả thì báo cáo Chủ tịch UBND huyện, xã, hoặc thành phố trực thuộc tỉnh xem xét, quyết định cho phép được bẫy, bắn tự vệ để bảo vệ tính mạng nhân dân.
Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành của pháp luật. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Nghị định này thì căn cứ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành của pháp luật.
Xuân Thống