Pháp luật
Trẻ em không đội MBH: Sẽ bị phạt hành chính
14:26, 31/03/2015 (GMT+7)
Ông Nguyễn Đức Kha - Chánh Văn phòng Ban ATGT TP. Hà Nội cho biết, các trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với trẻ em sẽ xử phạt hành chính 100.000-200.000 đồng và gửi thông báo về trường.
Từ ngày 6-9/4/2015, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm của học sinh trên cả nước. |
Theo kế hoạch hành động về thực hiện quy định đội MBH với trẻ em năm 2015 mà Ủy ban ATGT Quốc gia công bố, từ ngày 6-9/4/2015, lực lượng chức năng sẽ nhắc nhở tại các trường học, phê bình giáo viên, cán bộ, học sinh vi phạm quy định về đội MBH.
Sau đó, bắt đầu từ ngày 10/4/2015, các lực lượng chức năng có liên quan sẽ tổ chức ngày cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em, tập trung vào khu vực xung quanh trường học, các tuyến đường gần trường học, nhà giữ trẻ... Sau đó duy trì theo kế hoạch tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT.
Ông Nguyễn Đức Kha cho biết Ban ATGT TP. Hà Nội đã triển khai đúng kế hoạch đã đề ra của Ủy ban ATGT Quốc gia với các hoạt động như: treo băng rôn và tiến hành tuyên truyền tại các trường học.Việc xử phạt sẽ tiến hành từ 10/4 theo đúng quy định pháp luật. Lực lượng CSGT sẽ đứng ở các cổng trường để xử lý các trường hợp trẻ em không đội MBH. Hình thức xử phạt là phạt hành chính từ 100.000-200.000 đồng và gửi thông báo về trường.
“Hình thức xử phạt này không nặng mà theo đúng quy định của pháp luật để tất cả mọi người, các bậc phụ huynh chú ý đến việc đội MBH cho trẻ em. Bản thân các em khi lái xe (xe đạp điện, xe máy điện) cũng phải tự có ý thức bảo vệ sinh mạng của mình”, ông Nguyễn Đức Kha nói.
Còn ông Trương Việt Hùng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên lại bày tỏ lo lắng về cách thức xử phạt. “Xử phạt người lớn không đội MBH thì dễ rồi. Nhưng bây giờ, xử phạt các bậc phụ huynh trước mặt con trẻ vì không đội mũ cho các cháu thì phải tính cách làm để tránh phản cảm, để người lớn không bị "mất mặt" trước con trẻ nhưng vẫn nhận thức được vấn đề. Tôi nghĩ, quan trọng nhất là phải tuyên truyền để mọi người thực hiện một cách tự giác”, ông Hùng nói.
Về phía Ủy ban ATGT Quốc gia, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Uỷ ban cho biết, một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đã từng triển khai việc xử phạt này, tuy nhiên chưa duy trì được lâu. Vì thế, lần triển khai này sẽ được triển khai đồng thời tại các địa phương trên cả nước, chú trọng tuyên truyền trước, sau đó mới tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm.
“Điều quan trọng là nhà trường, các bậc phụ huynh và lực lượng CSGT cần kiên trì thực hiện nghiêm quy định vì tính mạng, sự an toàn của con em mình. Các địa phương cũng cần chủ động kiểm tra, nhắc nhở những nơi chưa thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong nhận được những phản ánh, đóng góp về thực trạng để có những chấn chỉnh kịp thời”, ông Nguyễn Trọng Thái bày tỏ.
Nguồn: Chinhphu.vn