Pháp luật
Huyện Kỳ Sơn
Nỗ lực trong công tác chống tái trồng cây thuốc phiện
08:51, 29/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Sau nhiều năm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xóa bỏ cây thuốc phiện, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cơ sở, cây thuốc phiện trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã được xóa bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, sản xuất hàng hoá chưa phát triển, kinh tế còn mang tính tự cung, tự cấp, tỉ lệ hộ đói nghèo còn cao (chiếm 52,79%). Do điều kiện địa hình phức tạp, đồi núi chia cắt dẫn tới khó kiểm soát, cùng với đó là lợi nhuận cao mà cây thuốc phiện mang lại đã khiến nguy cơ tái trồng loại cây này vẫn còn tiềm ẩn.
Phát huy kinh nghiệm chống tái trồng cây thuốc phiện và những thành tích đạt được trong những năm qua, năm 2014, công tác chống tái trồng cây thuốc phiện trên địa bàn huyện Kỳ Sơn luôn được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị quan tâm, bằng việc đề ra nhiều giải pháp và xác định đây là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài với mục tiêu không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, gắn với tiêu chí bình xét thi đua, xếp loại khen thưởng hàng năm của tập thể, cá nhân… Nhờ đó, trong năm qua, trên địa bàn huyện không xảy ra hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện.
Để có được kết quả đó, hàng năm, UBND huyện phối hợp với Ban chỉ đạo chương trình đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ chống tái trồng cây thuốc phiện. Đồng thời, giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, xây dựng kế hoạch và giải pháp chống tái trồng cây thuốc phiện, thông qua Ban Thường vụ Huyện uỷ phê duyệt gửi các ban, ngành, UBND 16 xã vùng xoá cây thuốc phiện.
Những mô hình kinh tế hiệu quả đã góp phần cải thiện cuộc sống, đẩy lùi nạn trồng cây thuốc phiện trên địa bàn |
Sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của hội nghị tại huyện trở về, 16/16 xã đã triển khai hội nghị quán triệt kế hoạch, giải pháp chống tái trồng cây thuốc phiện. 10/16 xã đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo chống tái trồng cây thuốc phiện và phân công cán bộ phụ trách chỉ đạo tại các thôn, bản. Các xã tiến hành ký bản cam kết giữa Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch UBND xã về việc không tái trồng cây thuốc phiện trong năm và những năm sau.
Do được tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của cấp uỷ, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở, đã có 10.185 hộ ở 16 xã vùng xoá cây thuốc phiện ký cam kết không tái trồng cây thuốc phiện (giữa hộ gia đình với Trưởng bản, Trưởng bản với Chủ tịch UBND xã), công tác kiểm tra chéo giữa bản với bản, xã với xã cũng được tiến hành thường xuyên.
Để chủ động phòng chống, kiểm soát ma tuý trên địa bàn, Công an huyện đã phối hợp với các ngành, các xã và lực lượng phòng chống tội phạm các cấp xây dựng kế hoạch phòng chống tội phạm trình Ban Thường vụ, UBND huyện và Công an tỉnh phê duyệt. Trong năm 2014, các lực lượng phòng chống tội phạm trên địa bàn đã bắt 63 vụ, 70 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý; thu 49,05 gam hêrôin, 104 viên ma tuý tổng hợp, 15 xe máy, 3 cân tiểu ly và nhiều tang vật khác.
Công tác cai nghiện được đặc biệt chú trọng, trong năm 2014, Trung tâm cai nghiện huyện và Bệnh xá quân dân y Bộ đội Biên phòng Kỳ Sơn đã cai nghiện cho 226 học viên (cai nghiện tập trung cho 156 học viên, cai nghiện tại cộng đồng cho 70 học viên), tại các xã Bảo Thắng, Bắc Lý, Mỹ Lý, Hữu Lập. Trong đó, 50 học viên được đào tạo nghề trồng nấm rơm, 20 học viên được học văn hoá, xoá mù phổ cập tiểu học.
Việc tập huấn cho nông dân về tiến bộ khoa học để áp dụng trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; nâng cao năng lực cán bộ cơ sở, chương trình nông thôn mới được đặc biệt quan tâm; với tổng số 2.190 lượt người tham gia, tập huấn cho 200 lượt người, gồm cán bộ xã, già làng, trưởng bản trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí thực hiện trong năm là 253,4 triệu đồng, nguồn ngân sách tỉnh và các dự án tài trợ.
Hiệu quả mà công tác tuyên truyền và các chương trình, dự án mang lại đã tạo bước chuyển biến về nhận thức của nhân dân về tác hại của thuốc phiện và sự nghiêm minh của pháp luật đối với hành vi trồng cây thuốc phiện. Từ đó, đã tự giác không tái trồng cây thuốc phiện mà thay vào đó là tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…
Để công tác chống tái trồng cây thuốc phiện tiếp tục phát huy hiệu quả trong những năm tiếp theo, ông Mùa Nỏ Xử, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đang tiếp tục thực hiện theo các bước. Bước 1: Triển khai hội nghị ở huyện, xã, bản bàn kế hoạch, giải pháp chống tái trồng cây thuốc phiện và ký cam kết giữa Chủ tịch UBND xã với Chủ tịch UBND huyện, giữa Trưởng bản với Chủ tịch UBND xã, giữa hộ gia đình với Trưởng bản về việc không tái trồng thuốc phiện, không có thêm người nghiện.
Bước 2: Chỉ đạo kiểm tra chéo giữa bản với bản, xã với xã và điều động cán bộ xã tăng cường xuống các bản để chỉ đạo chống tái trồng cây thuốc phiện và phát triển kinh tế. Bước 3: Tổ chức lực lượng xoá nhổ cây thuốc phiện (nếu có tái trồng), tiến hành điều tra, lập biên bản hồ sơ chứng lý làm cơ sở cho việc xử lý theo luật định đối với hộ gia đình tái trồng cây thuốc phiện. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người nghiện tự giác đi cai nghiện, tập trung giải quyết việc làm sau cai nghiện.
Phát động phong trào tố giác tội phạm trong nhân dân, đi đôi với việc tăng cường kiểm soát ma tuý, phối hợp với các huyện giáp biên của nước bạn Lào về công tác phòng chống mua bán ma tuý qua biên giới. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện tăng diện tích, tăng vụ thâm canh lúa nước, tăng diện tích trồng ngô lai. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển cây, con, hàng hoá như chè tuyết shan, khoai sọ, gừng, khoai dong riềng, cây ăn quả, cỏ voi VAO6 và đẩy mạnh việc nuôi gà đen, lợn đen, trâu, bò hàng hoá.
Tăng cường công tác khuyến nông, xây dựng mô hình và thường xuyên tổng kết đánh giá đúc rút kinh nghiệm trong sản xuất, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Lồng ghép tốt các chương trình, dự án đẩy mạnh phát triển hạ tầng, nhất là điện, đường, trường, trạm, thuỷ lợi, nước sinh hoạt. Giải ngân kịp thời và có hiệu quả các nguồn vốn 30a, Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên tìm hiểu thị trường và bao tiêu sản phẩm cho nhân dân… Bên cạnh đó, Trung ương và tỉnh tiếp tục đầu tư hỗ trợ nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng xoá cây thuốc phiện, đặc biệt là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, điện lưới quốc gia và phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.
Trần Đức - Duy Thành