Pháp luật

Tỷ lệ lái xe sử dụng nồng độ cồn vi phạm tăng chóng mặt

15:08, 28/03/2015 (GMT+7)
Ngày 27/3, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) đã phối hợp cùng Trung tâm Quốc tế về chính sách chất có cồn (ICAP) tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hành động toàn cầu phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam (2010-2014).
 
Phát biểu tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGTQG cho biết, vi phạm nồng độ cồn trong máu là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), tuy nhiên việc kiểm soát đối với người tham gia giao thông vi phạm còn nhiều hạn chế. Không phủ nhận sự vào cuộc quyết liệt từ Bộ, ban, ngành và các lực lượng chức năng trong nhiều năm qua, song Đại tá Nguyễn Hữu Dánh – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an cũng thẳng thắn cho rằng, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ phát hiện kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn tăng nhiều lần, số vụ TNGT do nồng độ còn đang ở mức cao và chưa có hướng giảm.
 
Ba tháng đầu năm 2015, cả nước đã xử lý hơn 36.000 trường hợp, 292 vụ TNGT do nồng độ cồn. “Mặc dù dự án đã triển khai nhưng tỷ lệ TNGT của 3 tháng đầu năm do sử dụng rượu bia vẫn tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước”, Đại tá Dánh đánh giá. Theo Đại tá Dánh, qua 5 năm triển khai dự án ICAP tại Việt Nam và làm thí điểm ở 8 địa phương trước khi thực hiện trên toàn quốc cho thấy, hoạt động xử lý vi phạm nồng độ cồn được nâng lên, giúp cho lực lượng Cảnh sát giao thông cùng lực lượng chức năng khác tiến hành xử lý đồng bộ thông qua hoạt động khác, trong đó có xử lý vi phạm nồng độ cồn.
 
“Trong giai đoạn tới, ngoài việc kiểm tra xử lý chung, có thực hiện chuyên đề xử lý nồng độ cồn, tức là xử lý sàng lọc, sau đó đi vào xử lý các vi phạm cụ thể. Nếu qua sàng lọc mà không thấy phương tiện vi phạm thì cho đi, giúp việc kiểm tra, xử lý nhanh, chính xác hơn”, vị Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông nói.
 
Liên quan đến một số ý kiến cho rằng, Cảnh sát giao thông làm quá “gắt” với nồng độ cồn, Đại tá Dánh khẳng định, tính mạng con người là trên hết nên vẫn phải thực hiện theo chức năng nhiệm vụ để đảm bảo an toàn giao thông. Liên quan đến đề nghị hình sự hóa việc xử lý lái xe uống quá chén điều khiển phương tiện của Tổng cục Đường bộ, Đại tá Dánh đưa ra quan điểm, đây là một đề xuất và có nhiều ý kiến đưa ra, mục đích để thực thi pháp luật tốt hơn, giải quyết các điều kiện nảy sinh vi phạm.
 
Tuy nhiên, Đại tá Dánh thừa nhận, trong luật pháp Luật Hình sự đã có nội dung này và đã có quy định về việc uống rượu bia nếu gây hậu quả nghiêm trọng là phải xử lý hình sự.

Nguồn: Cand.com.vn

Các tin khác