Pháp luật

Kiều nữ bôi lơ

09:52, 28/03/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Không xô bồ như quán bar, không ồn ào như quán nhậu, nhưng những cô gái làm nghề bôi lơ (thoa lơ) phục vụ các cơ thủ trong quán bida cũng có lắm nỗi truân chuyên. Biết bao cám dỗ chực chờ họ, nếu không đủ bản lĩnh để vượt qua.

Đồng phục trong các câu lạc bộ bida đều ngắn và hở
Đồng phục trong các câu lạc bộ bida đều ngắn và hở
Chân dài sau đường cơ
 
Dưới cái nắng rát da của buổi trưa tháng ba, chúng tôi tấp vào một quán bida máy lạnh trên đường Lê Thánh Tông (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) để làm vài cơ. Theo lời của một người trong nhóm: “Đi cơ thì ít, chủ yếu ngắm gái”. Có lẽ do thời tiết nóng nực nên dù buổi trưa, nhưng quán bida rất đông khách, hầu hết các bàn đều kín người. Đặc biệt, bàn nào cũng có một vài cô gái mặc váy ngắn đứng bôi lơ vào đầu cây cơ mỗi khi các cơ thủ ngưng “chiến”. 
 
Vừa bước vào do không có bàn nên chúng tôi đành đứng quan sát xung quanh. Đúng theo lời cậu bạn đi cùng, các tiếp viên trong quán rất xinh đẹp và đồng phục thì cực kì “mát mẻ”, ngắn cũn cỡn. Vì vậy mỗi khi có cô nào nhoài người xếp bi thì hàng chục cặp mắt hau háu hướng về phía thân hình hấp dẫn, trống trước hở sau của họ. Chờ khoảng chừng mươi phút, chúng tôi được xếp vào một chiếc bàn ngay gần lối đi với một cô gái bôi lơ sành điệu, tóc dài ngang vai nhuộm màu nâu vàng bắt mắt. Cô ngỏ lời: “Các anh, chị chơi bida lỗ hay bida phăng để em lấy bi?”. Cậu bạn đi cùng chúng tôi nhanh nhẹn chọn bida lỗ và gọi vài lon bia. Chỉ chờ có thế, cô gái nhẹ nhàng cầm lơ bôi vào hết đầu các cây cơ, rồi rút về phía sau đem đồ uống ra phục vụ. 
 
Trong khi chờ những người đàn ông thử cơ, tôi có dịp trò chuyện với Thúy V. (tên của cô gái bôi lơ). V. cho biết quê ở huyện Krông Năng, ba cô mất trong một cơn bạo bệnh, để lại cho gia đình một khoản nợ khá lớn. Nhà nghèo cộng thêm khoản nợ nên học đến lớp 6 thì V. nghỉ học, theo chân mẹ lên thành phố bán vé số kiếm tiền gửi về quê cho bà nội nuôi bốn đứa em. Khi lớn hơn một chút, thấy nghề vé số vừa cực lại vừa... xấu hổ, nên V. xin má chuyển nghề làm phục vụ ở quán bida. V. bảo: “Ở đâu cũng phức tạp, nhưng thà ở trong mát còn hơn phải dang nắng ngoài đường”. Cũng theo lời kể của cô, hầu hết những cô gái làm trong quán đều có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào tiền bo của khách, chứ tiền lương chỉ đủ son phấn là cùng.
 
Không chỉ biết bôi lơ, để có thể nhận được nhiều tiền bo từ khách nhiều tiếp viên còn phải tranh thủ học cách cầm cơ, đánh những đường cơ bản để nếu khách có nhu cầu thì có thể “giải khuây” cùng khách. 
 
Môi trường đầy cãm dỗ
 
Tuy không trắng trợn như quán nhậu, nhưng bị khách lợi dụng để đụng chạm thân thể là chuyện “thường ngày ở huyện” đối với các cô gái bôi lơ. Nếu không biết cách chiều khách, làm khách hài lòng thì xem như bữa đó “thất thu”. Chính vì vậy không ít cô gái đã trượt dài trong suy nghĩ lo cho miếng cơm manh áo. Trường hợp của Hoài T. (nhân viên tại một quán bida trên đường Ngô Quyền, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cũng thế. Từng là học sinh một trường trung cấp, vừa có ngoại hình lại học khá giỏi, nên tương lai của T. sẽ rất sáng nếu như cô không vướng vào chuyện tình cảm. Đang học năm thứ nhất thì T. yêu một nam sinh cùng trường, sau đó cả hai dọn về sống chung. 
 
Khi phát hiện có thai, cũng là lúc T. biết rõ người yêu của mình là một gã sở khanh. Do cái thai quá lớn không thể phá, lại xấu hổ với mọi người, T. đành bỏ học vay mượn tiền của bạn bè rồi sinh con. Đứa bé sinh thiếu tháng ốm đau quặt quẹo. Nhờ một người quen giới thiệu, T. xin vào làm nhân viên phục vụ cho quán bida. Nhưng nếu ai có nhu cầu “đi chơi” sau thời gian làm việc thì cô cũng gật đầu đồng ý, vừa để có tiền nuôi con, vừa trả thù đời vì bị bỏ rơi. 
 
Bên cạnh những số phận bị xô đẩy vào con đường tệ nạn, nguyên nhân khiến nhiều tiếp viên chấp nhận “làm thêm” để tăng thu nhập chính là tuổi thọ của nghề “bôi lơ” quá ngắn. Cứ sau sáu tháng, hầu hết các quán đều thay “đào” một lượt. Sau những lần “nhảy” quán, nhiều cô trở nên “nhẵn mặt” và không còn được chủ tiệm lựa chọn. Chính vì sợ cảnh “hết đát” nên khi còn “huy hoàng” nhiều cô tranh thủ kiếm thêm bằng con đường không trong sạch, khi bắt được “tín hiệu” của khách.
 
Ngoài những cám dỗ, cạm bẫy từ phía các vị khách “hảo ngọt”, sự cạnh tranh của những người trong nghề cũng là điều khiến các kiều nữ bôi lơ sợ hãi. Khi mới vào nghề chuyện bị giành khách, chọc cơ vào người, thậm chí quăng lơ vào mặt, đánh hội đồng là điều rất bình thường. Nếu ai vượt qua được thì có thể tồn tại trong nghề và trở thành “ma cũ”. Còn ai trót dại mách lại với chủ thì không những không thể ở lại làm việc tiếp tục, mà có rời quán thì cũng trở nên “thân tàn ma dại” vì bị đồng nghiệp “dằn mặt”...

Nguồn: Báo CA TPHCM

Các tin khác