(Congannghean.vn)-Những người lao động tại các công trình xây dựng nhà cao tầng, cầu đường… đều phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, vừa thi công vừa vận chuyển vật liệu, khiến họ gặp không ít trở ngại. Vì thế, công tác đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) trong quá trình xây dựng cần phải được chú trọng.
Trong thời gian qua, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhận được sự quan tâm, chỉ đạo tích cực của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nhờ vậy, công tác này có nhiều chuyển biến tích cực. Mạng lưới ATVSLĐ trong xây dựng được các đơn vị chú trọng, thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động nhằm đảm bảo ATLĐ. Cùng với đó, nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động trong việc chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLĐ đã được nâng cao.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các công trường xây dựng, một số doanh nghiệp nhà thầu chưa thực hiện nghiêm các quy định về công tác đảm bảo ATVSLĐ như: Việc bố trí mặt bằng công trường xây dựng; xây dựng nội quy ATLĐ, biển báo ATLĐ, tổ chức huấn luyện ATLĐ; trang bị và sử dụng phương tiện bảo hộ lao động; mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động và đặc biệt là việc sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, biện pháp phòng ngừa rủi ro, ứng phó với những nguy cơ gây mất an toàn trên công trường, thực hiện chưa đúng với quy định hiện hành và biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, để xảy ra những vụ tai nạn lao động (TNLĐ) thương tâm.
Rất nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra bắt nguồn từ nguyên nhân chủ lao động và người lao động xem nhẹ việc trang bị thiết bị bảo hộ lao động |
Điển hình, vào 20 giờ ngày 25/3, một vụ TNLĐ nghiêm trọng đã xảy ra tại công trường Formosa ở Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Vào thời điểm trên, 50 công nhân nhà thầu Tập đoàn Samsung đang lắp ráp giàn giáo đổ trụ bê tông có chiều cao 30 m, chiều rộng 20 m thì bất ngờ bị đổ sập, khiến 13 người chết, hàng chục người bị thương. Đa số những người bị thương vong đều từ 20 - 25 tuổi, không có công việc ổn định và sinh sống ở các vùng nông thôn.
Những năm gần đây, TNLĐ ngày càng gia tăng. Đáng chú ý là số vụ TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng tăng nhanh. Nguyên nhân là do đối tượng tham gia lao động rất đông và đa dạng, trong đó phần lớn là những lao động thời vụ, tranh thủ lúc nông nhàn đi làm để kiếm thêm thu nhập. Những đối tượng này phần lớn đều không được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cũng như kiến thức về ATLĐ. Trong khi đó, người sử dụng lao động lại thờ ơ, không quan tâm đến việc trang bị thiết bị bảo hộ, công tác ATVSLĐ.
Công nhân chủ yếu vẫn đội mũ mềm, ít sử dụng mũ bảo hộ; nhiều công nhân làm việc trên độ cao hàng chục mét nhưng không có đai bảo vệ là những hình ảnh thường thấy trên các công trường xây dựng. Anh Nguyễn Văn Trí trú tại xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu, chuyên làm phụ hồ ở các công trường xây dựng cho biết: “Khi thi công những công trình từ 5 - 6 tầng, chúng tôi không đội mũ bảo hiểm vì rất vướng víu, bất tiện. Còn giày bảo hộ lao động thì càng ít sử dụng vì không quen. Nhiều khi tay phải xách thùng hồ nặng, đi trên những toà nhà cao tầng cũng sợ bị ngã nhưng làm dần rồi quen”. Chính sự chủ quan, bỏ qua các quy định về đảm bảo an toàn trong khi làm việc đã dẫn tới những vụ tai nạn thương tâm.
Theo thanh tra Sở LĐ-TB&XH: Ngành xây dựng là ngành xảy ra nhiều vụ TNLĐ nhất. Bởi vì, xây dựng diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc, từ những công trình trọng điểm của cả nước đến những công trình xây dựng khu công nghiệp, xây dựng dân dụng... Đối tượng lao động tham gia cũng rất đa dạng. Có rất nhiều lao động ở nông thôn tranh thủ thời gian nông nhàn tham gia xây dựng mà chưa được đào tạo bài bản. Ý thức kém của người lao động, trách nhiệm quản lý, giám sát của nhiều đơn vị thi công và chủ thầu chưa cao.
Một số doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước đã tìm cách tiết giảm chi phí quản lý, chi phí mua sắm trang thiết bị bảo hộ, dẫn đến tình trạng công nhân thiếu dụng cụ bảo hộ hoặc không giám sát chặt chẽ từ khâu tuyển dụng đến thi công là những nguyên nhân chính dẫn đến TNLĐ.
Chính vì vậy, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng xác định đây là lĩnh vực cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, tuyên truyền, nhắc nhở mọi người thực hiện tốt việc đảm bảo ATVSLĐ. Bên cạnh đó, việc hạn chế tai nạn trong lĩnh vực xây dựng phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành. Với những đơn vị vi phạm, cần có biện pháp xử phạt nghiêm như đình chỉ thi công, phạt hành chính đối với nhà thầu... để răn đe, ngăn ngừa vi phạm, góp phần bảo vệ quyền được làm việc trong môi trường an toàn của người lao động.
Vì sự thoải mái và chút lợi ích nhỏ trước mắt mà nhiều người lao động đang “đánh cược” sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của mình khi không trang bị các thiết bị bảo hộ lao động khi tham gia xây dựng. Thay đổi nhận thức người lao động về vấn đề này là rất cần thiết. Trước hết, phía cơ quan chủ quản của người lao động cần có những biện pháp thiết thực, từ tuyên truyền đến các biện pháp xử lý phù hợp để người lao động hiểu rõ mối nguy hiểm có thể gặp phải. Bảo vệ sức khỏe cho người lao động cũng chính là bảo vệ tài sản vô giá cho doanh nghiệp.
Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền, các đơn vị sử dụng lao động cũng nên tích cực trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho người lao động. Thông qua đó, việc buộc họ chấp hành nghiêm các quy trình bảo hộ sẽ thuận lợi hơn. Đối với những đơn vị sản xuất lớn, có quy mô, có tổ chức công đoàn thì các cán bộ công đoàn cần có biện pháp tuyên truyền, vận động những người lao động hiểu rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo ATVSLĐ. Ngoài ra, người lao động cần có ý thức cao hơn nữa trong việc tự bảo vệ sức khoẻ và tính mạng bản thân.
.