(Congannghean.vn)-Tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả lớn cho xã hội, là nỗi đau của nhiều gia đình, gây bức xúc trong nhân dân và trở thành mối lo chung của toàn xã hội. Vì thế, đảm bảo TTATGT, kiềm chế TNGT là mục tiêu và nhiệm vụ của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp, tổ chức đoàn thể và chính mỗi người dân. Khép lại năm 2014, công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Nghệ An đã thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế, tiến tới đẩy lùi TNGT.
Ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Năm 2014, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 304 vụ TNGT, làm chết 200 người, bị thương 240 người. So với cùng kỳ năm 2013, giảm 29 vụ (8,71%), giảm 22 người chết (9,91%), giảm 46 người bị thương (16,08%). Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 285 vụ, làm chết 184 người, bị thương 236 người; TNGT đường sắt xảy ra 19 vụ, làm chết 16 người, bị thương 4 người.
Các địa phương như Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, TX Cửa Lò, TX Hoàng Mai có số người chết do TNGT tăng. Một số địa phương giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) như Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Thanh Chương, Yên Thành, TX Thái Hòa và TP Vinh. Thống kê cho thấy, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Lực lượng CSGT xử lý vi phạm ATGT trong thanh thiếu niên |
Có được những kết quả này, trong thời gian qua, Ban ATGT tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp tích cực ngay từ đầu năm, với sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo TTATGT. UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, quyết định, đề án và các văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Chỉ đạo kiện toàn Ban ATGT các cấp, đồng thời, phân công, phân cấp gắn trách nhiệm các thành viên Ban ATGT tỉnh theo từng địa bàn, lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban ATGT các cấp.
Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, chấn chỉnh các tồn tại trong công tác đảm bảo TTATGT tại các địa phương và đơn vị. Thành lập trạm kiểm soát tải trọng xe trên tuyến QL 1A; thành lập các đoàn công tác xử lý tình trạng xe chở quá khổ, quá tải hoạt động trên các tuyến giao thông khác nhằm trốn tránh trạm cân. Tập trung chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực liên quan đến công tác đảm bảo TTATGT; chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh tại các đơn vị, địa phương cơ sở. Thực hiện việc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, phê bình nghiêm túc các tập thể, cá nhân liên quan nếu để gia tăng TNGT trên địa bàn quản lý.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT được chú trọng tăng cường. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo đổi mới về nội dung, phương pháp, phong phú về hình thức đến mọi tầng lớp nhân dân, như chương trình phối hợp tuyên truyền TTATGT trên sóng phát thanh truyền hình tỉnh và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh; phỏng vấn đối thoại trách nhiệm người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện trong công tác đảm bảo ATGT; triển khai "Đề án tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT trong trường học"…
Những con số thống kê trên vẫn chưa thể khẳng định được tính bền vững và ổn định của tình hình TTATGT, bởi vi phạm giao thông và TNGT đang diễn biến phức tạp. Tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ phổ biến ở hầu khắp các địa phương; tình trạng lấn chiếm hành lang giao thông đô thị và các công trình giao thông ngày càng phổ biến.
Qua phân tích về nguyên nhân TNGT cho thấy, nguyên nhân chính là do yếu tố con người, với các lỗi chủ yếu: Chạy quá tốc độ; đi không đúng phần đường; tránh, vượt không đúng quy định; chở quá tải, quá số người quy định; không chú ý quan sát; không đội mũ bảo hiểm và một số lỗi khác… Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông mặc dù được đầu tư nhưng vẫn còn nhiều dự án giao thông triển khai chậm, chưa đáp ứng kịp nhu cầu đi lại, lưu thông, trong khi tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn diễn ra phổ biến dưới nhiều hình thức.
So với những năm trước, tình hình TTATGT năm 2014 đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, trước những diễn biến đầy thách thức về ATGT như hiện nay, công tác đảm bảo TTATGT trên toàn tỉnh còn nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành. Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết: Năm 2015, Ban ATGT tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn TNGT; tăng cường hoạt động của lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt, đặc biệt trên các tuyến trọng điểm; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT để mọi tầng lớp nhân dân hiểu, tự giác chấp hành.
Đặc biệt, Sở GTVT sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô; tiếp tục kiểm soát tải trọng phương tiện, duy trì trạm kiểm soát tải trọng 24/24 giờ trong ngày; tăng cường công tác duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng công trình giao thông; kịp thời xử lý các “điểm đen”, nơi có nguy cơ xảy ra TNGT, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch GPLX, đăng kiểm. Trong đó, tập trung thực hiện công tác lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020 theo kế hoạch của UBND tỉnh và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giải toả lấn chiếm hành lang ATGT dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và trong năm 2015.
.