Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201411/canh-giac-voi-chieu-dot-nhap-moi-cua-dao-chich-562442/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201411/canh-giac-voi-chieu-dot-nhap-moi-cua-dao-chich-562442/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cảnh giác với chiêu đột nhập mới của 'đạo chích' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 24/11/2014, 14:42 [GMT+7]

Cảnh giác với chiêu đột nhập mới của 'đạo chích'

Trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm trộm cắp đặc biệt là tội phạm đột nhập nhà dân, trụ sở các cơ quan, doanh nghiệp, trường học… để trộm cắp tài sản có chiều hướng gia tăng. Những vụ việc xảy ra gần đây cho thấy phần nào tính chất phức tạp của loại tội phạm này. Không chỉ manh động, liều lĩnh, các đối tượng này còn không ngần ngại theo dõi, nắm bắt quy luật hoạt động của gia dình. Phần lớn người dân trở thành nạn nhân của các đối tượng này chỉ vì tâm lý chủ quan, mất cảnh giác.

 
Những vụ trộm tinh vi
 
Mới đây, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã khám phá, làm rõ một vụ án về phương thương thức mới của đối tượng phạm tội đột nhập vào nhà người dân để trộm cắp tài sản. Nguyễn Thành Dương (SN 1989) HKTT tại số 9, Chiềng Lề, TP Sơn La đã vô hiệu hóa cửa cuốn cửa hàng điện tử, máy ảnh lớn trên phố Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội để trộm  cắp một số lượng tài sản lớn trị giá gần 700 triệu đồng. Trong quá trình khám nghiệm hiện trường cơ quan công an xác định cửa ra vào là loại cửa cuốn hiện đại, kiểm tra bề mặt cũng như các góc cạnh cửa cuốn đều không có dấu hiệu của cạy phá hay tác động của ngoại lực. 
 
Theo khai nhận của Dương, đối tượng đã tìm hiểu cách phá khóa cửa cuốn rồi sau đó liên lạc mua thiết bị mở cửa cuốn của một người Trung Quốc với giá 10 triệu đồng. Sau đó, Dương đã dùng thiết bị này để dò và phá sóng để mở 2 lớp cửa cuốn của cửa hàng và chui vào trong trộm tài sản. Theo điều tra của cơ quan chức năng, thiết bị quét sóng mà đối tượng Nguyễn Thành Dương dùng để mở cửa cuốn có tên là A890 được sản xuất tại Trung Quốc.
 
Với thiết bị này Dương có thể đứng cách xa cửa hàng khoảng 5m, chờ chủ nhà điều khiển cửa cuốn bằng thiết bị điều khiển từ xa (khóa từ) rồi bật thiết bị dò mã. Do cửa cuốn phát ra sóng điện từ nên thiết bị của đối tượng này có thể sao mã khóa từ và thu lại. Chỉ trong vong khoảng 5 giây là thiết bị này đã có thể dò được tần số, thu được mã, sau đó mở cửa dễ dàng. 
 
Sự việc đối tượng đột nhập có thể “tàng hình” qua cửa cuốn đã gây xôn xao trong dư luận bởi từ trước đến nay, cửa cuốn vẫn luôn được coi là một loại cửa an toàn nhất song đã bị đối tượng vượt qua mà không để lại dấu vết. Có thể nói đây là một phương thức đột nhập mới của các đối tượng trộm cắp tài sản đánh vào tâm lý chủ quan mà người dân cần phải cảnh giác.
 
Theo Thiếu tá Bùi Thái Bình - Đội phó đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu - Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, để thực hiện các thủ đoạn của mình, các đối tượng đột nhập trộm cắp tài sản thường lợi dụng lúc chủ nhà đi vắng không có người trông coi. Bọn chúng cũng có thể lợi dụng vào ban đêm, khi cả nhà ngủ trên gác, không có người ở tầng một, hoặc cửa trên gác mở quên chưa đóng để đột nhập. 
 
Việc đột nhập để gây án của các đối tượng trộm cắp thường tùy theo địa điểm trong nhà, ngoài đường… tùy theo sơ hở thiếu sót của người có tài sản. Chúng có thể trèo ban công nhưng cũng có thể bám theo dây chống sét, cây cối, cột điện trước cửa nhà để phá cửa sổ, cửa tum rồi đột nhập vào nhà lấy tài sản. Tuy nhiên, trước khi đột nhập các đối tượng thường rình mò, nghe ngóng động tĩnh rồi mới ra tay hành động.
 
Điều đáng nói là, tội phạm trộm cắp ngày càng hoạt động tinh vi, rất chuyên nghiệp. Không chỉ gây ra một vài vụ đơn lẻ, có đối tượng, ổ nhóm hoạt động đã gây ra hàng chục vụ, thậm chí đột nhập vào một nhà nhiều lần. Theo Trung tá Bình, đáng nói các đối tượng có hành động hết sức manh động khi đã đột nhập được vào nhà, có nhiều vụ chúng đục phá két tại chỗ để lấy tài sản, trong trường hợp bị phát hiện có thể sẵn sàng chống trả lại người truy đuổi.
 
Không chỉ nhà dân, các đối tượng trộm cắp còn sẵn sàng đột nhập công sở, trường học, những cửa hàng có lực lượng bảo vệ mỏng, không có thiết bị chống trộm, phương án phòng ngừa lỏng lẻo. Điển hình là ổ nhóm gồm 4 đối tượng do Lương Văn Thiện (SN 1972, trú tại Việt Trì, Phú Thọ) cầm đầu bị đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu - Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP triệt phá.
 
Qua quá trình điều tra, Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu - Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội đã làm rõ, các đối tượng này đều là đối tượng lưu manh sống bằng nghề trộm cắp. Chúng cấu kết với nhau để cùng đi trộm cắp tài sản tại các Uỷ ban nhân dân xã và các trường học. Trước khi đi gây án Thiện sử dụng xe máy Angel hoặc xe ôtô đồng thời mang theo thanh sắt dài 1 đầu nhọn để phá khoá cửa. Sau đó Thiện đến đón đồng bọn cùng đi trộm cắp. Khi đi gây án Thiện thường đột nhập vào một mình còn các đối tượng khác đứng ngoài cảnh giới.
 
Khi đột nhập vào trong trường học hoặc UBND, Thiện dùng sắt nhọn chọc vào vòng khoá  để bẻ, nếu khoá loại nhỏ thì sẽ bị bật ra còn khoá loại to thì then chốt cửa sẽ bị gẫy. Sau khi vào các phòng thấy có két sắt Thiện dùng thanh sắt cậy cánh cửa két sắt lấy tiền, các phòng không có két sắt thì Thiện cậy tủ lục soát. Các phòng có máy tính, máy chiếu phục vụ giảng dạy Thiện lấy máy tính, máy chiếu cho vào bao tải rồi đặt lên xe kéo ra khỏi hiện trường cùng đồng bọn trở về Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc bán lấy tiền chia nhau. 
 
Theo phòng Cảnh sát hình sự, trong thời gian từ tháng 11-2013 đến tháng 1-2014, băng nhóm do Thiện cầm đầu đã gây ra 19 vụ trộm tại các huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội lấy nhiều tài sản như tiền, máy tính, máy chiếu phục vụ giảng dạy, tivi… Tổng số tài sản chúng đã chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu đồng. 
 
Liên quan đến tội phạm đột nhập vào trường học, đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu đã điều tra ổ nhóm gồm 6 đối tượng Trộm cắp tài sản tại trường học trên địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội và địa bàn huyện Tiên Lữ của tỉnh Hưng Yên. Theo kết quả điều tra, 3 đối tượng trú tại Tiên Lữ, Hưng Yên trong ôrổ nhóm này đều đã có hành vi trộm cắp tài sản, hiện đang bị Công an huyện Phù Cừ - Hưng Yên truy nã. Các đối tượng đều không có nghề nghiệp, sống lang thang, bỏ trốn lên Hà Nội, thỉnh thoảng rủ nhau đi trộm cắp tại địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội và các huyện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
 
Khi đến địa điểm gây án các đối tượng đã cất giấu công cụ vào bụi cây để tránh bị phát hiện chờ thời cơ thuận lợi gây án. Khi gây án, một đối tượng đứng ngoài làm nhiệm vụ cảnh giới, các đối tượng khác đột nhập vào nơi có tài sản để trộm cắp. Khi gây án bọn chúng thường sử dụng kìm cộng lực để cắt phá khoá, dùng tuốcnơvít để tháo rời các linh kiện của máy tính. Sau khi trộm cắp được tài sản thì đem bán để lấy tiền chi tiêu cá nhân. Cho đến khi bị bắt, các đối tượng này đã gây ra 11 vụ đột nhập vào trường học để trộm cắp tài sản.
 
Quan trọng vẫn là ý thức phòng ngừa
 
Trung tá Bùi Thái Bình, Đội phó Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu - Phòng Cảnh sát Hình sự, cho biết theo tài liệu trinh sát, các đối tượng tội phạm vẫn thường sử dụng các thủ đoạn cũ như cậy phá khóa cửa ra vào, phá chấn song, nan hoa cửa sổ, leo ban công hoặc đột nhập từ tum, sử dụng kìm cộng lực, đèn khò, mỏ lết bẻ gẫy tai khóa cửa sắt (loại cửa xếp) hoặc dùng xà beng cậy phá cửa cuốn khung nhôm, cửa gỗ để vào nhà lấy cắp tài sản.
 
Loại trộm “chuyên nghiệp” này trước khi gây án đều đã dành thời gian tìm hiểu rất kỹ các quy luật sinh hoạt của gia chủ, bỏ thời gian để khảo sát, tìm ra điểm dễ đột nhập nhất. Đây là những thủ đoạn cũ, tuy nhiên không ít người dân do mất cảnh giác, không đề phòng nên đã trở thành nạn nhân. Cũng theo đánh giá của Trung tá Bùi Thái Bình, bên canh các khu dân cư có nhiều hộ dân thường xuyên vắng nhà cả ngày kẻ trộm đột nhập ngày càng có xu hướng manh động mạnh ở các địa bàn ngoại thành, vùng ven, giáp ranh, địa bàn thưa dân cư bởi đây là những nơi công tác tuần tra còn mỏng. 
 
Có thể thấy, để đảm bảo an toàn tài sản, tránh bị các đối tượng trộm cắp đột nhập, các thức hiệu quả nhất vẫn là ý thức tự phòng ngừa của người dân và các cơ quan đơn vị. Theo khuyến cáo của Trung tá Bình, đối với các hộ dân cư, trước khi đi ngủ phải kiểm tra đóng các cửa chính, cửa sổ, cửa thông gió, ngoài ra cần phải gia cố, sửa chữa kịp thời các chỗ bị hư hỏng mà bọn trộm có thể cạy phá đột nhập, các lỗ thông gió cần có thanh sắt chắn ngang…
 
Chìa khóa nhà phải được để ở nơi an toàn, gần chỗ ngủ. Tại các khu dân cư, cần đẩy mạnh phong trào tự quản trong nhân dân để giúp nhau trong việc bảo vệ tài sản, nhất là đối với các gia đình khi đi làm không có người ở nhà. Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, cần củng cố lại công tác bảo vệ, nhất là vào chập tối, ban đêm. Tại những nơi có tài sản lớn như nhà kho, phòng quỹ, nhà để xe, phòng làm việc có nhiều tài sản, máy móc quan trọng cần phải có những phương án, biện pháp phòng ngừa tốt. 
 
Ngoài ra, để ngăn chặn các vụ đột nhập trộm cắp tài sản cần phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát cả ban ngày và ban đêm, kết hợp giữa lực lượng công an cơ sở, bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã và các lực lượng khác. Bên cạnh đó, người dân, các cơ quan doanh nghiệp ngoài việc nâng cao cảnh giác cũng cần phải lắp đặt thêm các thiết bị báo động chống trộm ở hệ thống cửa ra vào, cửa sổ, cửa tum. Đồng thời khi phát hiện đối tượng lạ mặt, có biểu hiện nghi vấn ở địa bàn, cần báo ngay cho lực lượng công an cơ sở, các tổ tuần tra nhân dân hoặc lực lượng cảnh sát 113 để kịp thời theo dõi, phòng ngừa đối tượng gây án. 
.

Nguồn: Anninhthudo.vn